Nói không với “cắt máu”

Ngày 28/11, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) tổ chức Tọa đàm với chủ đề: “Chiến lược phát triển bền vững của nghề môi giới bất động sản” tại TP.HCM.

Tại sự kiện, các diễn giả đều cho rằng, ngành môi giới bất động sản tại Việt Nam đang chứng kiến những bước chuyển mình mạnh mẽ. Dù từng bị gắn mác “cò đất” đầy định kiến, ngành nghề này đang dần được chuyên nghiệp hóa thông qua sự hỗ trợ từ luật pháp, các tổ chức đào tạo, và những nỗ lực nâng cao chất lượng từ chính các doanh nghiệp.

Theo các diễn giả, môi giới bất động sản đang dần được chuyên nghiệp hóa thông qua sự hỗ trợ từ luật pháp, các tổ chức đào tạo, và những nỗ lực nâng cao chất lượng từ chính doanh nghiệp. (Ảnh: Việt Dũng)

Theo các diễn giả, môi giới bất động sản đang dần được chuyên nghiệp hóa thông qua sự hỗ trợ từ luật pháp, các tổ chức đào tạo, và những nỗ lực nâng cao chất lượng từ chính doanh nghiệp. (Ảnh: Việt Dũng)

Tuy nhiên, để tồn tại và phát triển, các cá nhân và tổ chức hoạt động trong lĩnh vực này buộc phải nâng cấp không ngừng, nếu không sẽ bị đào thải. Trong đó, một vấn đề nổi cộm trong ngành môi giới bất động sản là việc nhân viên môi giới chia bớt phần trăm hoa hồng của mình cho khách hàng - tức “cắt máu”.

Theo ông Nguyễn Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đông Tây Land, việc này dù không phổ biến trên diện rộng nhưng vẫn gây ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh ngành nghề. Tại Đông Tây Land, văn hóa “cắt máu” hoàn toàn không tồn tại.

Công ty tập trung xây dựng uy tín lâu dài với khách hàng thông qua việc đầu tư vào nhân viên như một thương hiệu cá nhân. Thay vì cắt giảm hoa hồng, công ty tri ân khách hàng bằng những món quà tri ân, tuy giá trị không quá lớn nhưng rất ý nghĩa khác.

“Tại Công ty chúng tôi thống nhất quan điểm rằng không cắt máu, ai đề nghị cắt máu thì chúng tôi không bán. Hơn nữa, chúng tôi thường mở bán tập trung nên cũng rất hạn chế việc này,” ông Bình nói.

Tương tự, bà Trần Thị Cẩm Tú, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản EximRS cho rằng, ở góc độ doanh nghiệp thì EximRS nói không với cắt máu. Phí môi giới là nguồn sống của doanh nghiệp, do đó việc cắt giảm là không thể chấp nhận.

Ở góc độ là các sàn phân phối và nhân viên môi giới, nếu phát hiện bất kỳ sàn nào cắt máu, EximRS sẽ cắt luôn quyền phân phối. Nhân viên bị phát hiện cũng sẽ bị cắt hợp đồng ngay lập tức.

Tuy nhiên, bà Hà Thị Thục Uyên, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Bất động sản Rever cho rằng, để giải quyết triệt để vấn đề này, các lãnh đạo doanh nghiệp cần hỗ trợ và định hướng rõ ràng cho nhân viên.

“Nếu không có người dẫn dắt tốt, nhân viên rất dễ lạc hướng và mắc sai lầm,” bà Uyên nhận định.

Sự chuyên nghiệp hóa là xu thế tất yếu

Trao đổi về sự chuyên nghiệp hóa trong lĩnh vực này, bà Phạm Thị Nguyên Thanh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh (Dat Xanh Services) cho rằng, môi giới bất động sản tại Việt Nam ngày càng chuyên nghiệp.

Theo bà Thanh, trước đây, cụm từ “cò đất” thường mang nghĩa tiêu cực, ám chỉ sự thiếu tổ chức và kỹ năng. Tuy nhiên, với sự ra đời của các Hội môi giới, các quy định luật pháp chặt chẽ, và yêu cầu về chứng chỉ hành nghề… ngành nghề này đã có sự thay đổi rõ rệt.

“Sự thiếu chuyên nghiệp, nếu có chỉ là vấn đề cá nhân, không phải là hình ảnh của toàn ngành”, bà Thanh nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đông Tây Land chia sẻ rằng, trước đây nguồn nhân lực trong ngành chủ yếu đến từ các lĩnh vực khác như tài chính, ngân hàng hoặc đất đai, mà không qua đào tạo chuyên môn về bất động sản.

Tuy nhiên, hiện nay nhiều trường đại học đã bổ sung các chương trình đào tạo chuyên sâu về bất động sản. Các doanh nghiệp cũng tích cực tổ chức đào tạo nội bộ, thậm chí là thuê chuyên gia và xây dựng quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Vì vậy, nghề môi giới ngày càng được nâng tầm, trở thành niềm tự hào chứ không còn bị xem nhẹ như trước đây.

Từ góc độ là người có nhiều năm làm việc ở nước ngoài, ông Huỳnh Thanh Hải, Phó tổng giám đốc Công ty Bất động sản ERA Việt Nam, cũng bày tỏ sự lạc quan khi chứng kiến thị trường môi giới tại Việt Nam ngày càng phát triển. Chất lượng môi giới đang là yếu tố được chú trọng hàng đầu. Ai không đáp ứng được yêu cầu về chất lượng sẽ bị đào thải, vì vậy không cần lo lắng về số lượng nhân sự quá đông.

Cuối cùng, ông Nguyễn Lê Hải Đăng, Phó giám đốc chiến lược và đối ngoại, Công ty TNHH Bất động sản Smartland (Công ty Smartland) cho rằng, sự gia tăng số lượng môi giới trên thị trường không phải là vấn đề quá lớn. Thậm chí, nhiều môi giới thì đâu đó cũng là yếu tố tốt, vì một sản phẩm mà khách hàng được nhiều người tư vấn. Chỉ tiêu cực khi môi giới tư vấn sai và cạnh tranh không lành mạnh. Chính vì vậy, xu hướng trong thời gian tới là phải liên tục nâng cấp và cập nhật kỹ năng, nếu không sẽ bị loại khỏi cuộc chơi.