Cổ phiếu đắt rẻ và tư duy "bà bán cá"

Tôi rất hay nhận được nhiều câu hỏi từ NĐT "Anh xem giúp em con XYZ còn vào được không, giá có bị cao quá không". Thường là tôi không trả lời những câu hỏi mang tính tư vấn cụ thể như thế. Không phải vì tôi "kênh kiệu" hay ích kỷ gì đâu, mà thực sự tôi không hiểu được cách tiếp cận của từng người đối với khái niệm "đắt hay rẻ" là như thế nào, cho nên cũng không thể nói chính xác được. Tôi luôn mong muốn giúp tất cả các NĐT cá nhân, nhưng là "trao chiếc cần câu, chứ không cho con cá".

Hồi đầu năm 2020 tôi đã từng thoát ra khỏi HPG với giá 23. Cảm giác lúc đó là vô cùng mừng rỡ vì kịp thời cắt lỗ. Quả là sau đó HPG đã lao dốc về đến tận 15. Cũng tương tự như thế là đối với MWG, cắt lỗ giá 105, nó rớt về 60. Còn nhớ lại hồi tháng 7/2020, khi MWG đã hồi lên, tôi có tranh luận với một số bạn về việc MWG đắt hay rẻ ở giá 80. Bất chấp cái nhìn lạc quan về thị trường chung, nhưng do suy nghĩ ngành Bán lẻ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề do lockdown, tôi cứ khăng khăng là MWG quá đắt, giá sẽ không tăng. Bây giờ nhìn vào giá 130, tức tăng hơn 60%, tôi tự thấy mình quá "dốt", xấu hổ thật.

Qua những ví dụ trên để thấy được rằng định giá cổ phiếu là một việc vô cùng khó, phải đặt trong những bối cảnh khác nhau mới hiểu được. Với một analyst dạng "công nhân tài chính", chỉ đơn thuần dùng các mô hình, công thức định giá, mà không xem xét các yếu tố cốt lõi khác, sẽ rất dễ sai lầm.

Có những chị cả một đời bán cá ngoài chợ, học hành chỉ đủ biết nhân chia đơn giản, nhưng lại đủ tiền nuôi con ăn học, nhà cửa giàu có. Khái niệm "đắt hay rẻ" của bà bán cá gần như không tồn tại. Bà mua vào rẻ, thì bà bán rẻ, mua vào cao hơn, thì bán đắt hơn. Không bao giờ bà biết được con cá Thu có hàm lượng này nọ, nên nó phải có giá thế này, thế kia.

Vậy điều gì là then chốt làm lên thành công của bà bán cá? Đó là bà hiểu cách người ta ăn cá, bà hiểu rất sâu sắc từng con cá bà bán dưới góc độ thị trường.

Tôi đã từng chứng kiến có người "hứa nguyện" mua cổ phiếu đầu tư ít nhất 1 năm, nhưng chỉ 3 ngày hàng về đã "cho lên đường". Đó cũng là lẽ thường tình, không có gì sai cả. Nhưng dù có đầu tư 1 năm, hay sở hữu 3 ngày, tất cả đều nên cố gắng tìm hiểu kỹ về cổ phiếu đó. Để chuẩn bị chiến lược cho một mã hàng, nên tiến hành theo 6 bước sau:

1. Đánh giá xu hướng chung: đây là bước then chốt, quyết định đến 90% thành bại. Trong downtrend những mặt xấu của cổ phiếu thường nổi lên, tương lai của DN thường u ám. Cho nên phải cố gắng hiểu được xu hướng tương lai, để gạt bỏ quá khứ và hiện tại. Xu hướng được tạo bởi đám đông, tuy nhiên vẫn có những dấu hiệu mang tính dẫn dắt. Như hiện nay xu hướng CK toàn cầu và VN đều rất rõ ràng, không điều gì bẻ gãy được xu hướng này.

2. Hiểu cổ phiếu như hiểu người yêu: Hãy nghiên cứu thật kỹ cổ phiếu mình định mua. Có 3 điều quan trọng luôn phải lưu tâm: lợi thế toàn ngành, vai trò tương quan và sự cạnh tranh trong ngành và Ban lãnh đạo. Chỉ khi có lòng tin vào cổ phiếu, mới nên xuống tiền.

3. Định giá bằng lý trí: Phải bỏ qua các yếu tố cảm tính như tin đồn đội này kéo, đội khác đánh. Đáng tin nhất chính là Bảng điện. Đây là phần quan trọng, mang lại yếu tố an toàn cho chúng ta:

- Phương pháp chiết khấu dòng tiền (Free Cash Flows), chiết khấu dòng cổ tức. Để làm được điều này, phải đọc BCTC, sử dụng sự tư vấn đến từ các bạn MG chuyên nghiệp.

- Mô hình chỉ số định giá tương đối: Hãy sử dụng các chỉ số P/E, P/B một cách khách quan. Có một nguyên lý luôn cần nằm lòng "cổ phiếu tốt là cổ phiếu phải rẻ hơn chính nó trong quá khứ". Có nghĩa là nếu P/E trailing của HPG = 10, thì HPG chỉ "rẻ" khi P/E leading = 9. Định giá bằng P/B cũng rất hữu hiệu đối với dòng bank hay nhóm các công ty BĐS.

4. Xác định giai đoạn tăng trưởng của cổ phiếu (DN): về cơ bản chỉ có 3 giai đoạn là giai đoạn tăng trưởng ban đầu, giai đoạn chuyển tiếp và giai đoạn chín muồi. Nguyên lý đơn giản là kỳ vọng về độ rẻ đắt sẽ tỷ lệ nghịch với sự phát triển. Có nghĩa là đối với giai đoạn sớm hơn, thì có thể chấp nhận những chỉ số kỳ vọng thấp hơn, càng cao thì chỉ số phải càng rẻ xuống.

5. Xây dựng các kịch bản cho từng mô hình định giá: phải đưa ra xác suất kịch bản xảy ra, không nên quá "cuồng tín" vào một hướng nhất định nào. Kể cả trong một trend tốt, vẫn tồn tại những kịch bản xấu. Trong trường hợp đó, sự định giá rẻ đắt lại phải cân nhắc. Hãy cứ "tham lam" nhất khi có cơ hội.

6. Hãy để trực giác mách bảo: bản chất đầu tư là nhàm chán, thuần túy con số. Tuy vậy vẫn có chỗ cho cảm xúc và trực giác. Nếu bạn đã được rèn qua lửa, nhiều khi trực giác lại có giá trị hơn ngàn lần phân tích.

Trong một giải đấu Poker, bạn có thể ngồi vài giờ đồng hồ, liên tục fold (bỏ bài). Nhưng chỉ cần 1-2 lần chớp cơ hội, bạn sẽ trở thành người có giải thưởng. Thời gian bạn ngồi đó không phải là vô ích, mà là bạn đang quan sát, định giá bằng tri thức, lắng nghe con tim mách bảo, để "ra đòn" đúng lúc.

(Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của Tiến sỹ Nguyễn Hồng Điệp - CEO tại CTCP Tư Vấn Đầu Tư S-Talk)