Tối qua (16/12, giờ Việt Nam), trong bản báo cáo tiền tệ trước Quốc hội về chính sách kinh tế vĩ mô và tiền tệ của các đối tác thương mại, Bộ Tài chính Mỹ đã đưa Việt Nam và Thuỵ Sĩ vào danh sách các nước thao túng tiền tệ.

Bộ này cho biết “sẽ yêu cầu các nước phê duyệt một chính sách cho phép điều chỉnh hiệu quả cán cân thanh toán và giải quyết vấn đề cạnh tranh không lành mạnh thuận lợi trong thương mại". Động thái mới nhất của chính quyền Trump, theo phân tích của các chuyên gia, sẽ châm ngòi cho những căng thẳng kinh tế mới.

Đây là lần thứ ba chính quyền ông Trump tiến hành bước đi bất thường trong việc dán nhãn một quốc gia là thao túng tiền tệ. Năm 2019, chính quyền ông Trump đã dán nhãn Trung Quốc là thao túng tiền tệ - lần đầu tiên kể từ năm 1994 – khi hai nước này đang đàm phán một thoả thuận thương mại. Về sau, Mỹ đã bỏ cáo buộc này nhưng đồng nhân dân tệ vẫn nằm trong danh sách cần theo dõi của Bộ Tài chính Mỹ.

Giáo sư Harvard: Cáo buộc Việt Nam thao túng tiền tệ là không thoả đáng!

Quyết định dán nhãn Việt Nam thao túng tiền tệ lần đầu tiên là bước đi mới nhất sau các cuộc điều tra thương mại mà Mỹ tiến hành đối với Việt Nam hồi tháng 10.

Khi đó, Mỹ nghi ngờ Việt Nam thao túng tỉ giá để giữ đồng tiền thấp hơn giá trị thực – khiến cho hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam trở nên rẻ hơn một cách không công bằng, do vậy gây thiệt hại cho các ngành kinh tế nội địa của Mỹ.

Tháng trước, Mỹ cũng đã áp thuế cao hơn đối với mặt hàng cao su của Việt Nam với lý do tiền đồng bị định giá thấp. Đó là lần đầu tiên Bộ Thương mại xem xét giá trị của một đồng tiền nước ngoài trong vụ việc thương mại này.

Xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ đã tăng trưởng ấn tượng trong vài năm gần đây, nhất là sau khi chính quyền Trump áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với hàng hoá từ Trung Quốc.

Theo Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ, Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 13 của nước này. Thặng dư thương mại hàng hoá của Việt Nam với Mỹ trong 10 tháng đầu năm 2020 đã là 50,9 tỉ USD, theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam.

Giáo sư David Dapice

Giáo sư David Dapice, Đại học Harvard, một chuyên gia nghiên cứu lâu năm về kinh tế Việt Nam cho rằng cáo buộc Việt Nam thao túng tiền tệ là không thoả đáng.

Theo Giáo sư Dapice, vấn đề thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ có nguồn gốc từ cơ cấu, đó là Việt Nam thâm hụt thương mại với châu Á và thặng dư với EU và Mỹ.

Nguyên nhân là do Việt Nam phải nhập khẩu nguyên vật liệu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN rồi gia công, chế tạo với giá trị gia tăng thấp để xuất sang thị trường Mỹ và EU.

Trong cuộc Họp báo thông báo kết quả Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN 2020 hồi tháng 10, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng từng khẳng định Việt Nam không bao giờ sử dụng tỷ giá để tạo lợi thế cạnh tranh.

Cụ thể, ông Lê Minh Hưng giải thích về chính sách điều hành tỷ giá, ngoại hối sau dịch Covid-19 cho biết mục tiêu xuyên suốt trong điều hành chính sách tiền tệ, trong đó có điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước là kiểm soát lạm phát, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững trong trung và dài hạn.

Trong thông cáo vừa được phát đi sau cáo buộc thao túng tiền tệ từ Bộ Tài chính Mỹ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục kiên định quan điểm.

"Ngân hàng Nhà nước khẳng định việc điều hành tỷ giá những năm qua – trong khuôn khổ chính sách tiền tệ chung - nhằm thực hiện mục tiêu nhất quán là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng.

Thặng dư thương mại song phương với Hoa Kỳ và thặng dư cán cân vãng lai là kết quả của hàng loạt các yếu tố liên quan tới các đặc thù của nền kinh tế Việt Nam.

Việc NHNN mua ngoại tệ can thiệp thời gian qua nhằm đảm bảo hoạt động thông suốt của thị trường ngoại tệ trong bối cảnh nguồn cung ngoại tệ dồi dào, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời củng cố Dự trữ ngoại hối Nhà nước vốn ở mức thấp so với các nước trong khu vực để tăng cường an ninh tài chính tiền tệ quốc gia", thông cáo viết.

Hoa Kỳ là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam - Tạp Chí Tài Chính

Theo Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ, Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 13 của nước này.

Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Thạc sĩ Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam.

Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam, cán bộ nghiên cứu cao cấp của Trường Harvard Kenedy thuộc Đại học Harvard, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ

Theo chuyên gia Nguyễn Xuân Thành, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế Thủ tướng, giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam, quyết định của Bộ Tài chính Mỹ không phải là động thái quá bất ngờ.

“Giải quyết thâm hụt thương mại là một ưu tiên của chính quyền ông Trump. Trong suốt thời gian qua, Mỹ đã gây sức ép rất lớn lên Việt Nam. Họ đã đi từ cáo buộc tới điều tra cơ chế quản lý tỷ giá hối đoái của Việt Nam. Việc đưa ra kết luận này vì vậy có thể dự đoán được”, ông nói

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Xuân Thành, “từ kết luận đến việc đưa ra các biện pháp trừng phạt là cả một quá trình”. Các nước bị dán nhãn thao túng tiền tệ sẽ bắt đầu các cuộc đàm phán với Mỹ và có thể tham khảo ý kiến của Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

Nếu quan ngại của Bộ Tài chính Mỹ không được giải quyết, khi đó Bộ Thương mại và Cơ quan Đại diện Thương mại có thể đề xuất với chính phủ Mỹ đưa ra các biện pháp trừng phạt, như đã làm với Trung Quốc.

Báo cáo tiền tệ này là bản báo cáo cuối cùng của chính quyền ông Trump và Bộ trưởng Tài chính của chính quyền mới sẽ quyết định có nên giữ hay bỏ nhãn dán “thao túng tiền tệ” này hay không.

Theo một quan chức Bộ Tài chính Mỹ, bà Janet Yellen, người được Tổng thống đắc cử Joe Biden đề cử vào vị trí Bộ trưởng Tài chính, chưa được thông báo về quyết định này và đó chỉ là quyết định của chính quyền ông Trump.

Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành cho rằng, “điều thuận lợi đối với Việt Nam là chính quyền ông Biden sẽ ít tập trung vào vấn đề thâm hụt thương mại song phương hơn. Ngay cả khi họ vẫn giữ cáo buộc này thì xác suất có những hành động trừng phạt nặng nề như đối với Trung Quốc là rất thấp vì chính quyền ông Biden sẽ không áp dụng cách tiếp cận của ông Trump.”

Tuy nhiên, chuyên gia này cũng cảnh báo xu hướng bảo hộ sản xuất nội địa sẽ tiếp tục dưới thời ông Biden do sức ép của nhiều nghiệp đoàn và các thành viên Dân chủ cấp tiến.

Do đó, một số ngành xuất khẩu của Việt Nam vẫn sẽ chịu tác động nhất định vì Mỹ sẽ sử dụng cáo buộc thao túng tiền tệ làm cơ sở để bảo hộ cho các ngành của họ.

Trao đổi với VietTimes sáng nay, Chủ tịch một công ty chứng khoán hàng đầu thị trường (xin được giấu tên) cũng chung nhận định, nếu xảy ra kịch bản áp thuế, trước mắt có thể tác động tới một số ngành xuất khẩu sang Mỹ. "FDI sẽ cân nhắc hơn nên sẽ chậm lại, ảnh hưởng đến nhóm bất động sản công nghiệp. Về lâu dài, nếu FDI giảm thì ngoại tệ vào Việt Nam cũng sẽ giảm, dòng tiền sẽ yếu đi".

Tuy vậy, vị doanh nhân có nhiều năm học tập và làm việc tại Mỹ này không tỏ ra bi quan. Theo đó, thị trường chứng khoán sẽ có điều chỉnh nhẹ nhưng ngắn hạn, thị trường sẽ vẫn tốt.

Ông cũng cho rằng, chính quyền của Tổng thống tân cử Joe Biden có thể sẽ có những điều chỉnh chính sách với Việt Nam, cũng như xem xét lại cáo buộc vừa rồi của chính quyền Trump./.