Từ đầu năm đến nay, ngân hàng này đã phải trì hoãn đại hội cổ đông tới 3 lần. Lần gần nhất trong tháng 8 với lý do trì hoãn là phòng chống dịch Covid-19. Hai lần trước nữa vào hồi tháng 6, tháng 7, cuộc họp đều bất thành do không đủ số cổ phần tối thiểu tham dự.

Ngân hàng Eximbank triệu tập đại hội cổ đông lần thứ 4 trong năm 2020.

Ngoài cuộc họp cổ đông thường niên, ĐHĐCĐ bất thường năm 2019 cũng kéo dài đến năm nay vẫn chưa thể tổ chức thành công.

Tại ngày 30/6/2020, ngân hàng đã tổ chức cả 2 cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên và ĐHĐCĐ bất thường 2019 nhưng đều bất thành vì tỷ lệ tham dự thấp hơn so với quy định. Từ thời điểm đó đến nay, ngân hàng chưa thông báo về việc tổ chức lần 2 ĐHĐCĐ bất thường.

Cuộc họp bất thường được tổ chức theo đề nghị của hai nhóm cổ đông của Eximbank gồm cổ đông chiến lược SMBC nắm 15% vốn tại Eximbank và nhóm cổ đông Ngô Thị Thúy (nắm giữ 10,36% cổ phần phổ thông của Eximbank (vào thời điểm tháng 9/2019). Tại văn bản yêu cầu Eximbank họp cổ đông bất thường, SMBC đã đề cập tới 2 vấn đề cần thảo luận là yêu cầu bãi nhiệm ông Yasuhiro Saitoh (hiện là chủ tịch HĐQT Eximbank khi ông giữ chức này ngay trước thềm đại hội cổ đông) và giảm số lượng thành viên, bỏ phiếu tín nhiệm đối với HĐQT.

Trước đó, trong năm 2019, các lần họp ĐHĐCĐ của ngân hàng cũng đều không thành công do mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông lớn.

Về hoạt động kinh doanh, 9 tháng đầu năm 2020, ngân hàng ghi nhận dư nợ cho vay khách hàng của Eximbank giảm 10,6% xuống 101.302 tỷ đồng. Tiền gửi của khách hàng giảm 8,2% xuống 127.844 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của Eximbank tăng từ 1,71% lên 2,46%. Lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm 2020 của Eximbank ngang với cùng kỳ, ở mức 1.103 tỷ đồng.