Việc đàm phán sáp nhập giữa Grab và Gojek là chủ đề được nhắc tới từ lâu. Tuy nhiên, thương vụ gặp phải những trở ngại từ các quy định pháp luật liên quan đến cạnh tranh, cùng với đó là sự phản đối của các nhà chức trách.

Hiện vẫn chưa rõ tỷ lệ kiểm soát cổ phần giữa 2 doanh nghiệp trong trường hợp Grab và Gojek sáp nhập. Theo DealstreetAsia, Gojek đang tìm kiếm một tỷ lệ 50:50. Trong khi đó, Grab dường như muốn một tỷ lệ tốt hơn để họ có thể nắm được quyền chi phối.

Đang rộ lên tin đồn trong giới M&A về khả năng sáp nhập của Gojek vào Grap để hình thành nên một tên tuổi lớn trong làng gọi xe công nghệ Đông Nam Á

Cả Grab và Gojek đều đang được xem như những kỳ lân (start-up có giá trị trên 1 tỷ USD) hiếm hoi của khu vực Đông Nam Á. Grab có xuất phát điểm tại Malaysia, trong khi đó Gojek đến từ Indonesia.

Thị trường chính của cả 2 doanh nghiệp này đều nằm ở các quốc gia tại khu vực Châu Á như: Malaysia, Singapore, Việt Nam, Thái Lan, Indonesia,...

Khởi đầu từ việc cung cấp dịch vụ gọi xe (ô tô, xe máy), tuy vậy cả Grab và Gojek đều có tham vọng phát triển thành một siêu ứng dụng. Việc hợp nhất 2 ứng dụng nếu trở thành sự thật sẽ cung cấp một thị trường khổng lồ để cả 2 hoàn tất tham vọng này.

Grap dẫn đầu thị trường gọi xe công nghệ tại Việt Nam, nếu sáp nhập thành công với Gojek sẽ trở nên độc chiếm thị trường

Mới đây, Gojek vừa tiến hành hợp nhất tất cả ứng dụng tại 5 thị trường của họ thành một nền tảng duy nhất là ứng dụng Gojek. Cùng với điều này, ứng dụng Gojek đã thay thế sự xuất hiện của GoViet tại thị trường Việt Nam.

Theo đó, ứng dụng Gojek, dựa trên nền tảng công nghệ toàn cầu mới, sẽ cho phép GoViet đáp ứng những thay đổi trong nhu cầu và ưu tiên của người dùng Việt Nam thông qua việc đổi mới sáng tạo, đưa ra các tính năng và sản phẩm mới nhanh hơn, mượt mà hơn.

"Từ khi thành lập GoViet, chúng tôi đã hợp tác chặt chẽ với Gojek để xây dựng một hệ sinh thái tốt bao gồm những người dùng và các đối tác, nhằm mang lại cuộc sống thuận tiện hơn cho người Việt Nam", ông Phùng Tuấn Đức tuyên bố. Đồng thời, ông cho rằng việc, hợp nhất đồng nghĩa mang đến trải nghiệm tốt hơn cho người dùng, tăng cơ hội thu nhập của tài xế và đối tác nhà hàng.

Được biết chưa đầy 2 năm có mặt ở Việt Nam, GoViet trải qua nhiều biến động về nhân sự cấp cao. Cuối tháng 3 năm 2019, công ty xác nhận ông Nguyễn Vũ Đức rời vị trí tổng giám đốc, bà Nguyễn Bảo Linh cũng chia tay vai trò phó tổng giám đốc phụ trách phát triển. Và ông Phùng Tuấn Đức là tổng giám đốc mới nhất được bổ nhiệm vào tháng 7 năm 2020.

Về Grap, hiện tại đã gọi vốn được 10 tỉ USD, trong đó có 3 tỉ từ SoftBank. Công ty được định giá khoảng 14,3 tỉ USD, theo CB Insights. Grab tiếp tục chứng minh mình là một trong những công ty khởi nghiệp (startup) nhận nhiều vốn nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Theo thống kê của ABI Research, 6 tháng đầu năm, đã có 200 triệu chuyến xe hoàn thành thông qua các ứng dụng tại Việt Nam. Trong số này, Grab áp đảo với 146 triệu cuốc xe, tương đương 73% thị phần.

Theo ước tính của Google và Temasek thị trường gọi xe công nghệ của Việt Nam có thể tăng lên 2 tỷ USD vào năm 2025. Tuy nhiên, cả Grap và Gojek đều có kết quả kinh doanh chưa tốt tại thị trường Việt Nam khi liên tiếp báo lỗ.