Như vậy, nếu không tính các ngân hàng đã niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và UPCoM thực hiện chuyển sàn, MSB là ngân hàng đầu tiên có cổ phiếu được chấp thuận niêm yết trên sàn HSX trong năm nay, hoàn thành mục tiêu đặt ra trong Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 tổ chức hồi tháng 5 vừa qua.

Trong 11 tháng đầu năm 2020, tổng tài sản của MSB riêng lẻ đạt trên 166.000 tỷ, tăng 13% so với cùng kỳ 2019.

Trước đó, vào ngày 30/11/2020, Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã cấp giấy chứng nhận đăng ký chào bán cổ phiếu quỹ ra công chúng cho MSB với tổng giá trị chào bán theo mệnh giá tương đương 825.228.110.000 đồng. Số cổ phiếu này sẽ được chào bán cho cổ đông hiện hữu sau trong vòng 90 ngày kể từ ngày có chấp thuận chào bán và sau khi cổ phiếu ngân hàng được giao dịch trên Sở giao dịch Chứng khoán Hồ Chí Minh.

Dự kiến, sau khi phát hành, MSB chỉ còn nắm giữ 18 triệu cổ phiếu quỹ, lượng cổ phiếu này cũng đã được Đại hội đồng cổ đông chấp thuận dùng để bán/thưởng cho Cán bộ nhân viên ngân hàng.

Được biết, Maritime Bank được thành lập năm 1991. Cổ đông lớn gồm có Vinaline, Gemadept và Công ty Vận tại biển (VOS). Trong giai đoạn Vinaline phải tái cơ cấu thì VID Group nhảy vào Maritime Bank, ông Trần Anh Tuấn giữ chức phó chủ tịch.

Từ khi tham gia vào Maritime Bank, ông Tuấn đã rất quyết liệt hướng ngân hàng có tỉ lệ nợ xấu cao này theo hướng khác. Để thay đổi, đầu tiên ông Tuấn đổi nhận diện thương hiệu ngân hàng từ màu xanh nước biển sang màu đỏ kèm theo hình ảnh tượng trưng con số 1.

Ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT (bên phải) và ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng giám đốc MSB.

Ngoài ra, cũng không thể không nhắc đến sự mạnh tay trong việc cắt giảm nhân sự, tiên phong trong các ngân hàng bổ nhiệm tổng giám đốc là người nước ngoài và cắt giảm nợ xấu nhanh chóng.

Tại thời điểm cuối 2013, ngân hàng có tổng cộng 3.536 nhân sự, giảm 1.343 người so với cuối năm 2012. Việc giảm gần 1.350 nhân sự chỉ sau một năm đồng nghĩa với việc ngân hàng sa thải gấp đôi nhân sự so với kế hoạch. Năm 2012, ngân hàng này cũng đã cắt giảm hơn 1.000 nhân sự.

Năm 2019 ghi nhận bước chuyển mình của MSB khi chính thức thay đổi nhận diện thương hiệu và tên viết tắt từ Maritime Bank sang MSB. Đây là lần thứ hai ngân hàng thay đổi nhận diện thương hiệu trong 28 năm hoạt động. Bên cạnh ra mắt thương hiệu mới, MSB cũng thay đổi toàn diện về chiến lược và mô hình trải nghiệm khách hàng.

Năm 2020 được đánh giá là năm thành công của MSB khi đã hoàn thiện nhiều kế hoạch mang tính then chốt, kết quả kinh doanh có sự tăng trưởng ấn tượng. Theo số liệu ngân hàng vừa ập nhật, trong 11 tháng đầu năm 2020, tổng tài sản của MSB riêng lẻ đạt trên 166.000 tỷ, tăng 13% so với cùng kỳ 2019.

Lợi nhuận trước thuế vượt mục tiêu kế hoạch năm hơn 36%, đạt hơn 2.302 tỷ, tăng 116% so với 11/2019. Hệ số an toàn vốn CAR theo tiêu chuẩn Basel 2 đạt 10,8%, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn ghi nhận mức 28,8%, tỷ lệ nợ xấu tính theo Thông tư 02/2013/TT-NHNN là 1,92% tại ngày 30/11/2020.

Về ông Trần Anh Tuấn, thường được gọi là Tuấn Chợ, có bằng Cử nhân khoa học địa chất của Học viện Địa chất Quốc gia Mátxcơva và sau này bổ sung thêm tấm bằng Thạc sĩ Quản trị kinh doanh của Đại học Griggs, Mỹ. Cũng giống như một số đại gia khác ở Việt Nam hiện nay, ông đã từng học tập và làm ăn tại Nga 10 năm trước khi trở về nước vào năm 1996 để tham gia kinh doanh và đầu tư vào lĩnh vực kinh tế tư nhân.

Sự ảnh hưởng trong giới tài chính và uy tín kinh doanh của ông Tuấn không chỉ gói gọn trong Maritime Bank, mà chủ yếu nằm ở TNG Holding, tiền thân là VID Group.

VID Group thành lập năm 2006, đến nay tập đoàn này đã có 12 công ty con, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp, thu hút đầu tư, cung ứng các dịch vụ và thực hiện các dự án bất động sản. Tổng giám đốc VID Group là ông Trần Anh Tuấn.

TNI Holdings Vietnam (Đơn vị thành viên thuộc Tập đoàn TNG Holdings Vietnam) hiện đang quản lý 11 KCN trên tổng diện tích hơn 2.000 ha, trong đó tỉ lệ lấp đầy bình quân luôn đạt 85%.

TNR Goldview , một trong những dự án để lại dấu ấn của TNG Holdings tại thị trường bất động sản TP.HCM.

Mới đây, trong thời điểm từ tháng 1 đến tháng 4 năm 2020, TNR Holdings, công ty thành viên của TNG Holdings, đã huy động gần 10.000 tỷ đồng trái phiếu. Trái phiếu chào bán đều không chuyển đổi, không tài sản đảm bảo, kỳ hạn 60 tháng với lãi suất cố định 10,9%/năm, trả lãi hàng năm. Toàn bộ số trái phiếu đều được nhà đầu tư cá nhân trong nước sở hữu, được phát hành qua đại lý là Chứng khoán SSI.

Ngoài ra, các pháp nhân liên quan còn lại gồm TNG Holdings, CTCP Bất động sản Mỹ - American Property (chủ đầu tư dự án Goldsenson 47 Nguyễn Tuân), May - Diêm Sài Gòn (TNR Goldview), Việt Hân (Goldmark City) đều có chung cơ cấu tài sản với đóng góp chủ yếu từ nguồn huy động bên ngoài. Tính chung cả TNG Holdings, 9 tháng đầu năm 2020 giá trị huy động của cả tập đoàn lên đến 15.000 tỷ đồng.