Cổ phiếu HPG của công ty cổ phần tập đoàn Hòa Phát đã tăng 50% kể từ đầu năm nay và tăng gấp đôi so với đáy cuối tháng 3.2020 khi đại dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam. Với mức cổ phiếu phục hồi ấn tượng, ông Trần Đình Long, chủ tịch Hòa Phát quay lại danh sách tỉ phú thế giới theo dữ liệu thời gian thực của Forbes.

Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long vừa quay lại danh sách tỉ phú thế giới với tài sản ước đạt 1,3 tỉ USD

Theo đó, vào ngày 20.10 tài sản của ông Long đạt 1,3 tỉ đô la Mỹ, đứng thứ 1.900 trong danh sách. Chủ tịch Hòa Phát lọt vào danh sách tỉ phú thế giới lần đầu tiên vào năm 2018 với vị trí 1.756 khi sở hữu trực tiếp và gián tiếp hơn 30% cổ phần của công ty thép xây dựng lớn nhất Việt Nam. Ông Long ra khỏi danh sách năm 2019 và 2020 khi thị trường chứng khoán Việt Nam bước vào chu kỳ điều chỉnh.

Sự phục hồi của cổ phiếu HPG được hỗ trợ kết quả kinh doanh ấn tượng của công ty tư nhân này trong năm 2020 bất chấp đại dịch Covid-19. Lũy kế 9 tháng, công ty ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan với 2,8 tỉ USD doanh thu và 385 triệu USD lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 40% và 56% so với cùng kỳ, vượt qua con số thực hiện của cả năm 2019. Các nhà phân tích thị trường ước tính thị phần thép xây dựng công ty tăng từ mức 26% năm 2019 lên 35% sau khi khu liên hợp sản xuất Gang thép Hòa Phát Dung Quất đi vào hoạt động đầy đủ.

Báo cáo chiến lược của SSI Securites cho biết, bất chấp tình hình dịch bệnh, ngành thép và ngành nguyên liệu nói chung vẫn tăng trưởng tại Việt Nam. Ước tính nhu cầu sẽ tăng khoảng khoảng 3%-5% trong năm 2021, nhờ kỳ vọng kinh tế vĩ mô phục hồi, cùng với hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng kích thích kinh tế và và dòng vốn FDI quốc tế dịch chuyển vào Việt Nam.

Hòa Phát là một trong số các công ty tư nhân lớn nhất tại Việt Nam duy trì kết quả kinh doanh tích cực nhờ biện pháp phòng chống Covid-19 hiệu quả từ chính phủ. Tính đến ngày 20.10 Việt Nam có 1.140 ca nhiễm Covid-19, tỉ lệ tử vong 0,4/1 triệu dân, thuộc mức thấp nhất thế giới. Hiện tại, Việt Nam trải qua gần 50 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, trải qua gian đoạn ngắn giãn cách xã hội dù lệnh phong tỏa biên giới vẫn có hiệu lực, các chuyến bay nhập cảnh hạn chế nhưng các hoạt động kinh doanh tại Việt Nam về cơ bản đã phục hồi như trước đại dịch.

Ngoài việc kinh doanh thuận lợi từ việc kiểm soát tốt dịch bệnh, nhu cầu tăng cao, sự tăng trưởng của Hòa Phát còn đến từ việc đưa sản phẩm của khu tổ hợp thép Hòa Phát – Dung Quất ra thị trường. Triển khai từ đầu năm 2017, dự án có lúc chậm tiến độ do các chuyên gia nước ngoài không thể nhập cảnh nhưng tổng thể dự án sẽ hoàn thành toàn bộ vào đầu năm 2021. Sau khi khai thác toàn bộ hai giai đoạn, năng lực sản xuất của Hòa Phát tăng thêm 5 triệu tấn thép thô so với mức 3,5 triệu tấn trước đó, đưa Hòa Phát nằm trong nhóm các công ty sản xuất thép lớn nhất khu vực ASEAN. Dự kiến năm 2023, Hòa Phát tiếp tục đầu tư thêm 2,6 tỉ USD phát triển dự án mở rộng.

Ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, Việt Nam hiện vẫn áp dụng phong tỏa biên giới, các ngành hàng không, du lịch và các ngành sản xuất xuất khẩu thâm dụng lao động như dệt may, da giày bị ảnh hưởng mạnh nhưng các ngành hàng hướng vào thị trường nội địa như hàng tiêu dùng, vật liệu xây dựng… vẫn tăng trưởng. World Bank dự báo, kinh tế Việt Nam tăng trưởng GDP có thể đạt 2,5 - 3% vào năm 2020 so với mức sụt giảm - 4,5% của kinh tế toàn cầu.