Ngày 4/12/2020, Chứng khoán HVS Việt Nam đã nhận được quyết định của UBCKNN về việc chấp thuận giao dịch chuyển nhượng cổ phần chiếm 100% vốn điều lệ của HVS.

Trong đó, bà Lê Hồng Anh, ông Nguyễn Toàn Thắng và ông Nguyễn Đình Đại nhận chuyển nhượng toàn bộ vốn của HVS từ nhóm các cổ đông cá nhân hiện hữu là ông Đường Văn Tài, ông Hoàng Nguyễn Thanh Hùng và ông Phạm Ngọc Chiến.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Thành Công Group, đại gia bí ẩn trên thương trường.

Cụ thể, bà Lê Hồng Anh sẽ nhận chuyển nhượng 2,45 triệu cổ phần, tương đương 49% vốn của HVS. Còn ông Nguyễn Toàn Thắng sẽ nhận chuyển nhượng 1,44 triệu cổ phần, tương đương 28,72% vốn điều lệ của HVS.

Đáng chú ý, bà Lê Hồng Anh là vợ và ông Nguyễn Toàn Thắng là em trai của ông Nguyễn Anh Tuấn – Chủ tịch HĐQT Thành Công Group. Như vậy, nếu các giao dịch diễn ra thành công, Thành Công Group sẽ trở thành chủ mới của HVS.

Về HVS, công ty được thành lập vào ngày 15/12/2008 có trụ sở tại 170-172-172E Bùi Thị Xuân, Phường Phạm Ngũ Lão, Quận 1, Tp Hồ Chí Minh. Vốn điều lệ ban đầu của công ty là 50 tỷ đồng. Người đại diện theo pháp luật của Công ty: bà Nguyễn Thị Hường, Tổng Giám đốc.

Hiện tại, HVS kinh doanh khó khăn khiến Công ty liên tục thua lỗ, ăn mòn vốn chủ sở hữu. Năm 2019, tình hình tài chính trì trệ khiến HĐQT thống nhất sẽ sáp nhập với Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (SBS). Với mục đích hỗ trợ và tăng cường nguồn lực để cùng phát triển khi cả hai đều đang kinh doanh thua lỗ, tuy nhiên thương vụ trên đã không thành công.

Tính đến quý 3 năm nay, HVS đạt 114 triệu đồng doanh thu, giảm 40% so với cùng kỳ, Hiện, tổng tài sản HVS chỉ còn hơn 10 tỷ đồng, lỗ luỹ kế hơn 40 tỷ khiến vốn chủ bị "ăn mòn" chỉ còn 10 tỷ đồng.

Về Thành Công Group, đây là tập đoàn lớn trong ngành cơ khí, lắp ráp ô tô tại Việt Nam, tuy nhiên khá kín tiếng. Được biết, tiền thân của Thành Công Group là Công ty Cơ khí Thành Công được thành lập vào năm 1999. Năm 2008, công ty Cơ khí Thành Công đổi tên thành CTCP Tập đoàn Thành Công (Thành Công Group) – pháp nhân đầu não của cả hệ thống Thành Công. Hiện, Tập đoàn Thành Công có vốn điều lệ 3.500 tỷ đồng do ông Nguyễn Anh Tuấn làm Chủ tịch Hội đồng quản trị và ông Lê Ngọc Đức giữ vị trí Tổng Giám đốc.

Riêng mảng ô tô, năm 2019, lượng tiêu thụ của TC Motor đạt gần 79.600 xe, tương đương 26% lượng tiêu thụ của toàn VAMA. Sản lượng của TC Motor xếp sau Thaco với 91.700 xe và đứng trên cả Toyota với 79.300 xe.

Tương ứng, Hyundai Thành Công Việt Nam – đơn vị nòng cốt trong hoạt động kinh doanh ô tô của TC Motor – đạt doanh thu gần 43.200 tỷ đồng, tăng 48% so với năm 2018.

Cũng trong năm 2019, mảng ô tô của THACO đạt 52.600 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ bán xe đạt 46.300 tỷ đồng. Trong khi lợi nhuận trước thuế mảng ô tô năm 2019 của THACO giảm sâu xuống còn 3.700 tỷ thì lợi nhuận của Hyundai Thành Công lại tăng vọt từ 669 tỷ lên 4.600 tỷ đồng.

Thành công với lĩnh vực cốt lõi, Thành Công Group đang dần mở rộng hoạt động sang mảng bất động sản và tài chính.

Riêng mảng tài chính, nhiều nguồn tin cho biết Thành Công Group và các bên liên quan đã nắm giữ một lượng cổ phần lớn tại Eximbank.

Theo đó, nhóm nhà đầu tư Thành Công Group đã sở hữu tới 12,97% cổ phần Eximbank, gồm CTCP Tập đoàn Thành Công có 60,54 triệu cổ phần (4,90%), Hợp tác xã cổ phần Thành Công nắm 44,72 triệu cổ phần EIB (3,62%) và ông Nguyễn Tiến Dũng ủy quyền 54,97 triệu cổ phần (4,45%).

Tỷ lệ sở hữu chính thức của nhóm Thành Công Group, theo nguồn tin chúng tôi có đã lên tới 17,5%, là một trong những nhóm lớn nhất tại Eximbank hiện nay.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, hưa có thông tin chính thức nào được công bố và đại diện liên quan đến Thành Công cũng chưa xuất hiện trong ban lãnh đạo của Eximbank.

Với việc mua lại Chứng khoán HVS cho thấy tham vọng của Thành Công Group trong lĩnh vực tài chính là rất rõ ràng.

Với tình hình của Eximbank hiện tại, rất có thể sau nhiều lần ĐHĐCĐ thường niên bất thành, đại diện của Thành Công Group sẽ có chân trong HĐQT của Eximbank.