Nhà đầu tư F0 nên làm gì trong vòng xoáy "Cô Vy"? Bán, mua, hay giữ ?

Trong suốt kỳ nghỉ lễ, đã có quá nhiều các sự kiện diễn ra, đặc biệt là tình hình dịch Covid 19 bùng phát đợt bốn dẫn đến việc Chính Phủ một lần nữa áp dụng phương án phòng chống dịch cao nhất trên khắp cả nước. Đây không phải lần đầu tiên dịch Covid 19 tấn công nước ta và cả thị trường chứng khoán Việt Nam, nhưng sau 03 lần rơi thảm hại liệu rằng lần này, thị trường sẽ tiếp tục tái diễn cảnh “múa bên trăng” sau kỳ nghỉ lễ?

Thêm 2 ca nhiễm cộng đồng, chứng khoán liên tục lao dốc

Trong tình hình này, nhà đầu tư nói chung và đặc biệt nhà đầu tư F0 nói riêng, cần làm gì trong vòng xoáy Covid 19 như hiện nay, chiến lược nào cần áp dụng, bán hay mua hay giữ?

Đại dịch Covid 19 đã tấn công nền kinh tế và thị trường chứng khoán toàn cầu từ những ngày đầu năm 2020, khởi đầu là Trung Quốc, sau đó lan rộng ra khắp toàn cầu. Tại Việt Nam, làn sóng Covid đã xảy ra 03 lần trong quá khứ gồm các tháng 03/2020, tháng 08/2020, tháng 01/2021 và lần thứ tư tháng 05/2021. Chúng ta có thể thấy, các đợt Covid 19 diễn ra với khoảng cách tầm 05 tháng. Chúng ta hãy điểm lại những gì đã xảy ra trong 03 lần trước đây.

Không có mô tả ảnh.

Đợt 1: tháng 03/2020

Đây là đợt đầu tiên và cũng là lần thử sức chịu đựng của nhà đầu tư Việt Nam. Chỉ số chứng khoán giảm liên tục kịch sàn nhiều ngày liên tiếp với khối lượng khớp lệnh khá cao, hầu hết các cổ phiếu từ small cap, mid cap cho đến large cap đều giảm kịch sàn. Hiện tượng “múa bên trăng” diễn ra nhiều ngày liên tục đối với hàng loạt cổ phiếu. Trong đợt này, chỉ số VN-Index đã vốn dĩ giảm liên tục từ mốc khoảng 950 điểm xuống mốc thấp nhất vào tháng 4/2020 còn khoảng 650 điểm, tức rơi hơn 31%. Vào thời điểm này, gần như mọi thứ đều mất giá, từ cổ phiếu penny cho đến cổ phiếu bluechip. Điều này đã tạo ra một cơ hội vô tiền khoáng hậu cho những nhà đầu tư mới. Một dòng vốn mới từ những nhà đầu tư mới F0 lao vào thị trường bắt đáy không chỉ riêng ở Việt Nam mà cả toàn thế giới. Nhiều nhà đầu tư đã tận dụng tốt cơ hội và đã nhân tài khoản lên 2-3 lần thậm chí 4-5 lần trong suốt năm 2020. Có lẽ, đến giờ nhiều nhà đầu tư kinh nghiệm nhất trên thị trường cũng còn đang tiếc nuối và đã không dám tất tay vào thời điểm hoảng loạn đó.

Đợt 2: tháng 08/2020

Sau mức đáy vào tháng 04/2020, chỉ số VN-Index cũng như các chỉ số khác trên toàn cầu đã bắt đầu quay đầu nhờ làn sóng nhà đầu tư mới F0. Chỉ số index đã tăng mạnh từ mốc 650 điểm lên khoảng 900 điểm vào tháng giữa tháng 06/2020. Như vậy, chỉ trong vòng một thời gian ngắn, chỉ số này đã tăng suýt soát gần 40% chỉ trong vòng hai tháng. Nhiều cổ phiếu trong giai đoạn này đã tăng 100-150%, thậm chí có cổ phiếu tăng tận 200%. Sau đó, đợt dịch Covid 19 lần thứ 02 lại một lần nữa tấn công nước ta vào lúc mọi người đang rất hồ hởi với cuộc chiến chống dịch thành công của Chính Phủ. Chỉ số Vn-index lại bị thử thách và đã rơi xuống mốc 790 điểm từ mức điều chỉnh nhẹ của thị trường là 870 điểm. Làn sóng bắt đáy cùng với khối lượng tài khoản mở mới tăng kỷ lục, một lượng vốn khổng lồ được bơm vào thị trường đã làm cho chỉ số bật tăng mạnh. Cùng với các yếu tố vĩ mô cực kỳ tươi sáng cũng như số liệu kinh doanh nổi trội, thị trường chứng khoán đã tăng mạnh từ mức đáy lần 02 là 790 điểm lên tận 1,200 điểm, tăng hơn 50% trong vòng 4-5 tháng. Một phần thưởng quá xứng đáng cho những ai kiên nhẫn và đầy lòng quả cảm.

Đợt 03: tháng 01/2021

 

Cổ phiếu "múa bên trăng", cơ hội bắt đáy chờ sóng đại hội! ảnh 1

Diễn biến cổ phiếu trong phiên sáng ngày 28/01/2021

Sau khi thị trường chứng khoán quay lại mốc 1,200 điểm là mốc tâm lý quan trọng đối với nhà đầu tư, thì chỉ số có điều chỉnh nhẹ cho đến khi làn sóng Covid 19 đợt 3 diễn ra tại Hải Dương. Lần tác động này có phần khác với hai lần trước do sau một khoảng thời gian dài, số lượng nhà đầu tư F0 tham gia vào thị trường đã lên con số đáng kinh ngạc là hàng trăm nghìn tài khoản. Hơn nữa, hầu hết những nhà đầu tư này chỉ trải qua thời kỳ hoa hồng, trăng mật của thị trường chứng khoán khi tăng hơn 50% do thời cơ của đợt Covid 19 lần hai tạo ra. Hầu hết trong số họ đều chưa trải qua một đợt biến cố nào, dẫn đến tâm lý hoang mang, sợ hãi bao trùm thị trường. Trong đợt 03 này, chỉ số Vn-index đã giảm từ mốc khoảng 1,170 điểm xuống còn 998 điểm, tức khoảng 15%, mức giảm lớn hơn đợt 02 là 10%. Tuy nhiên, cũng như hai lần trước, chỉ số này nhanh chóng quay lại và một lần nữa tăng mạnh vào tạo ra đỉnh cao lịch sử của thị trường chứng khoán. Nếu tính từ đáy của đợt Covid lần 3, thì chỉ số này tăng khoảng 30% lên mức cao là 1,286 điểm.

Như vậy, sau cả 03 làn sóng Covid 19, chúng ta có thể nhận ra những đặc điểm sau:

- Những lần sau, thị trường giảm ít hơn lần đầu tiên, chỉ khoảng 10-15% trước khi bốc đầu tăng mạnh. Đó là do tâm lý của nhà đầu tư dần làm quen với sự ảnh hưởng của Covid 19. Nhưng không phải tất cả họ đều quen, vẫn còn nhiều nhà đầu tư chưa thể kiềm soát cảm xúc bán hoảng loạn và cắt lỗ trong hoảng sợ.

- Sau các làn sóng Covid, thị trường đều tăng ngoạn mục và tạo ra một mức cao hơn rất nhiều kể từ đáy. Trong đó đợt Covid thứ 2 đã tạo ra một biên độ tăng hơn 50% cho nhà đầu tư.

- Chính phủ chỉ mất khoảng 3-4 tuần để thật sự kiểm soát dịch Covid, vì sau nhiều đợt bùng phát, kinh nghiệm và khả năng khoanh vùng và chặn dịch của Chính phủ đã lên một tầm cao mới, vừa nhanh vừa hiệu quả mà không cần phải giãn cách toàn xã hội như lần đầu.

- Mỗi đợt Covid diễn ra thì đáy mới luôn cao hơn đáy cũ và đỉnh mới cao hơn đỉnh cũ.

Như vậy, với những gì đang diễn ra trong quá khứ thì việc thị trường có thể giảm trong đợt Covid lần 4 này là khả năng khá cao, tuy nhiên, giảm nhiều hay ít thì vẫn còn là điều chưa biết, nhưng có thể thấy, sau mỗi đợt Covid, thị trường luôn hồi phục mạnh mẽ và tạo đỉnh mới. Và có lẽ lần này cũng không ngoài khả năng đó. Vậy trong bối cảnh này, nhà đầu tư cần làm gì, đặc biệt là những nhà đầu tư F0 ít kinh nghiệm?

- Hết sức bình tĩnh và không hoảng loạn: khả năng bán mạnh ngay trong ngày đầu tiên mở cửa sau dịp lễ là điều có khả năng xảy ra khá cao. Nhưng việc thị trường rơi bao nhiêu % trong đợt này thì còn là điều chưa biết, sau khi nhà đầu tư F0 đã có chút kinh nghiệm hơn sau làn sóng đợt 3. Có khả năng thị trường giảm nhưng sẽ giảm ít hơn. Do đó, nên tránh cắt lỗ, bán hoảng loạn, bán vô tội vạ bất chấp lãi lỗ. Vì nếu thị trường hồi phục nhanh hơn dự đoán thì việc cắt lỗ sẽ làm cho bạn không có cơ hội quay đầu khi thị trường tăng lại.

- Cơ cấu lại danh mục: kiểm tra lại danh mục, giảm bớt những mã mang tính đầu cơ và nắm giữ nhiều mã cơ bản. Không nên cắt lỗ mã cơ bản tốt vì bạn sẽ không bao giờ biết được khi nào những mã này dừng giảm và tăng trở lại, có thể chỉ là 1 ngày hay 2 ngày thậm chí trong ngày. Bán lỗ sẽ làm tài sản bạn giảm ngay lập tức mà không có khả năng phục hồi.

- Giảm tỷ lệ margin tối đa: khi thị trường rơi, bất chấp cổ phiếu tốt hay xấu, cơ bản hay đầu cơ thì khả năng diễn ra giải chấp là rất cao, do đó bạn nên giảm tỷ lệ margin về mức thấp nhất thậm chí là không sử dụng margin.

- Căn mua vào những mã muốn mua từ lâu nhưng giá chưa tốt, nhờ sự hoảng loạn của thị trường mà bình tĩnh mua vào, chắc chắn thành quả sau khi thị trường hồi phục là rất cao.

- Nắm cơ hội vàng, tận hưởng thành quả: cũng như các đợt Covid trước, đây luôn là cơ hội x2 x3 tài khoản, vì lần nào thị trường cũng tăng phi mã sau khi việc kiểm soát dịch thành công. Và có một điều chúng ta có thể quả quyết rằng, Chính phủ Việt Nam chắc chắn sẽ chặn dịch thành công vang dội như bao lần trước. Với kinh nghiệm và sự chuẩn bị chu đáo kỹ lưỡng, làn sóng này nhiều khả năng sẽ sớm được khắc phục, nhanh hơn so với các lần trước. Niềm tin là một điều mà bạn không thể thiếu khi đầu tư trong thị trường đầy chao đảo này.

(Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của Vicente Nguyen - Fund manager tại Quỹ đầu tư NN)

FB Vicente Nguyen

Link nội dung: https://cafebusiness.vn/nha-dau-tu-f0-nen-lam-gi-trong-vong-xoay-co-vy-ban-mua-hay-giu-20746.html