Tín dụng bất động sản không đáng lo

Tín dụng bất động sản đang chiếm tỷ trọng khá lớn, lên đến 20% tổng dư nợ toàn nền kinh tế khiến nhiều người cho rằng, tín dụng đang chảy vào các kênh đầu cơ thay vì sản xuất kinh doanh, song thực tế không hẳn như vậy.

Tín dụng bất động sản: Đã đến lúc đáng lo?

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, trong số 1,85 triệu tỷ đồng dư nợ cho vay bất động sản, chỉ có 35% là tín dụng kinh doanh bất động sản, nghĩa là gần 2/3 tín dụng bất động sản nhằm phục vụ nhu cầu mua nhà, sửa nhà thực của người dân.

Cho vay bất động sản vẫn rất tiềm năng

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021, cổ đông của nhiều ngân hàng đặt câu hỏi về dư nợ tín dụng BĐS và băn khoăn về rủi ro khi nhà băng đổ nhiều vốn vào lĩnh vực này.

Ông Phạm Quang Dũng, Tổng Giám đốc Vietcombank cho biết, đến cuối năm 2020, dư nợ cho vay kinh doanh BĐS chỉ ở mức 33.000 tỷ đồng, chiếm chưa đầy 4% tổng dư nợ cho vay. Còn nếu tính cả cho vay cá nhân mua nhà để ở là hơn 230.000 tỷ đồng, chiếm 27,4% tổng dư nợ. Tuy vậy, hầu hết các khoản vay mua nhà của cá nhân đều có tài sản đảm bảo giá trị cao, nợ xấu rất thấp.

''Danh mục cho vay cá nhân rất an toàn, một khoản vay như vậy dư nợ không lớn và tỷ lệ bảo đảm rất cao. Ngoài ra, lĩnh vực cho vay BĐS còn được kiểm soát định kỳ theo tháng", ông Dũng nhấn mạnh.

Tương tự, chia sẻ về chiến lược năm 2021 - 2025, ông Jens Lottner, Tổng Giám đốc Techcombank cho hay, ngân hàng tiếp tục tập trung vào mảng BĐS và khẳng định, Techcombank từng có ưu thế rất lớn trong mảng cho vay mua nhà thế chấp. Tuy nhiên hiện nay, các ngân hàng khác cũng đang cố gắng để bắt kịp ngân hàng trong lĩnh vực này.

“Chiến lược của chúng tôi là rủi ro thấp, lợi nhuận cao. Chúng tôi cần hiểu rõ những đối tác trong ngành từ chủ đầu tư đến những người mua nhà.

Khi phát triển những dự án BĐS thì các chủ đầu tư quan tâm đến việc họ có thể bán những căn hộ, biệt thự nhanh đến mức độ nào và với mức giá ra sao. Techcombank sẽ là người tư vấn cho chủ đầu tư để họ có thể làm thuận lợi vấn đề này. Cùng với đó, Techcombank cũng hỗ trợ cho người mua nhà để làm thế nào họ có thể vay mua nhà thế chấp với mức lãi suất hợp lý, nhờ ưu thế CASA cao.

Nhiều chuyên gia cho rằng, tín dụng bất động sản thực ra chưa hề đáng lo và đang được NHNN cũng như các ngân hàng thương mại kiểm soát chặt chẽ, nên không có dấu hiệu tăng trưởng quá nóng.

TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia cho hay: “Theo tính toán của chúng tôi, tín dụng kinh doanh bất động sản thực tế chỉ mới khoảng 600-650 nghìn tỷ đồng, tương đương 7% tổng dư nợ nền kinh tế, tức không quá lớn. Chưa kể, trong tổng dư nợ cho vay bất động sản có gần 2/3 là cho vay mua, sửa nhà – đây là lĩnh vực cần khuyến khích vì phục vụ nhu cầu thực của người dân”. 

Cẩn trọng nhưng không nên siết

Từ những phân tích trên, các chuyên gia cho rằng việc lo ngại rủi ro cho các ngân hàng là không cần thiết, bởi thực tế, hiện NHNN đã quản khá chặt chẽ tín dụng BĐS.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho hay, thời gian tới sẽ bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tình hình dịch bệnh trong nước và quốc tế. Tín dụng tăng trưởng theo hướng mở rộng, tập trung cho vay với lĩnh vực ưu tiên, sản xuất kinh doanh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế. Đồng thời, NHNN sẽ kiểm soát chặt tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, dự án BOT, BT giao thông và tăng cường quản lý rủi ro cho vay đời sống, tín dụng tiêu dùng.

Ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, cho biết kỳ vọng lạm phát đang tăng do chính sách ở nhiều nước, ở trong nước, thời gian qua NHNN liên tục mua một lượng lớn ngoại tệ nên cũng có một lượng tiền được đẩy ra nền kinh tế.

Nguyên tắc năm nay, NHNN phân bổ chỉ tiêu tín dụng trên cơ sở ưu tiên các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay và tham gia hỗ trợ khách hàng. Trong quá trình điều hành, NHNN sẽ tiếp tục xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với các ngân hàng trên cơ sở đánh giá tình hình hoạt động, năng lực quản trị, khả năng tăng trưởng tín dụng lành mạnh… Theo đó, các ngân hàng ưu tiên rót vốn vào lĩnh vực được Chính phủ khuyến khích, quản trị rủi ro tốt… sẽ được NHNN ưu ái cấp hạn mức tín dụng cao hơn.

Chưa kể, bản thân các ngân hàng cũng đã quá ngấm bài học bong bóng BĐS và tự bản thân cũng siết rất chặt tín dụng bất động sản đầu cơ, kinh doanh, thay vào đó đẩy mạnh cho vay trực tiếp người dân mua, sửa nhà.

Theo TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính - ngân hàng, năm 2020, các ngân hàng khá thận trọng trong cho vay BĐS, tài sản thế chấp cũng như khoản nợ được kiểm soát chặt chẽ hơn. Nếu năm 2021, BĐS tiếp tục gặp khó khăn thì nợ xấu ngân hàng khó tránh khỏi tăng lên, song kỳ vọng thị trường nhà đất năm nay sẽ có chuyển biến tích cực. Theo đó, nợ xấu không phải là mối đe dọa lớn.

Link nội dung: https://cafebusiness.vn/tin-dung-bat-dong-san-khong-dang-lo-20755.html