Câu hỏi yêu thích nhất của F0 là: "Giá này vào được không anh/chị?"

Có lẽ không cần hỏi thì bạn cũng biết rồi, đương nhiên là chính bản thân bạn, thắng hay thua cũng do bạn chịu, lời lỗ cũng do bạn chịu và chả có ai chịu trách nhiệm cho câu trả lời của họ, vậy hà cớ gì bạn lại để số phận mình phụ thuộc vào một câu trả lời thiếu trách nhiệm, vu vơ và thậm chí là nông cạn của một ai đó.

Để trở thành một NĐT thành công, dù bạn là F0 hay Fn, điều bạn cần làm đó chính là trả lời cho chính mình câu hỏi "Giá này có hời/mắc không?". Một câu hỏi đơn giản, nhưng thực sự không hề đơn giản một xíu nào. Một người lăn lộn thị trường hàng chục năm, với kiến thức đào sâu như đại dương nhưng không phải lúc nào cũng có câu trả lời cho chính mình.

Tôi đã từng viết rất nhiều về chủ đề này và đương nhiên tôi cũng không ngại nhấn mạnh thêm lần nữa. Để biết được một cp có giá ổn hay không, hời hay không thì chúng ta cần phải so với giá trị nội tại của nó. Nếu giá cổ phiếu hiện tại rẻ hơn khá xa, khoảng 50% so với giá trị nội tại thì đó là một cổ phiếu quá thơm, quá hời, bằng mọi cách cần phải mua ngay, vì trước hay sau, bạn cũng thắng, mà thậm chí thắng giòn dã, vang dội.

Nhưng câu hỏi quan trọng hơn đó là "Vậy đâu là giá trị nội tại của doanh nghiệp, làm sao xác định được nó?" Thật sự mà nói, để xác định được giá trị nội tại của doanh nghiệp có rất nhiều thước đo và ẩn số, hầu hết đều là giả định. Nhưng đương nhiên giả định có căn cứ.

Có nhiều phương pháp để xác định được giá trị nội tại. Nhưng chung quy tất cả các phương pháp ấy đều quy về một mối duy nhất chính là khả năng sinh lợi của doanh nghiệp. Nếu một doanh nghiệp có khả năng sinh lợi ổn định, bền vững và tăng trưởng đều thì đó là một doanh nghiệp rất tốt, đáng để xem xét. Còn cách đơn giản NHẤT để xác định giá trị của nó và để xem thế nào là hời là mắc, thì chỉ số P/E là một trong nhưng phương pháp đơn giản nhất nhưng hiệu quả nhất dành cho nhà đầu tư F0, thậm chí là Fn vì cả các quỹ đầu tư nước ngoài như tôi cũng phải dùng nó.

Nhưng nói thật, tôi nghĩ chắc khoảng 50% các bạn F0 thậm chí còn không biết P/E là gì và tính toán ra sao, chứ chưa nói tới sự phức tạp về mặt ý nghĩa của chỉ số này. Nếu một doanh nghiệp được định giá với mức P/E là 10 có nghĩa là bạn mất 10 năm để thu hồi vốn đầu tư tương ứng tỷ lệ lãi suất (tỷ lệ lợi nhuận) 10%. Còn nếu P/E chỉ có 5-7 thì có nghĩa là tỷ lệ lãi suất đem lại có thể từ 15-20%, là một mức cực kỳ hấp dẫn.

Đặc biệt trong bối cảnh lãi suất ngân hàng rẻ mạt như hiện nay. Giải thích nôm na như vậy để bạn hiểu bản chất tối giản của chỉ số P/E. Nên nếu mua vào những công ty có tăng trưởng đều, bền vững mà có chỉ số P/E dưới 10 được gọi là hấp dẫn, là rẻ. Còn nếu chỉ số P/E chỉ có 5-7 thì được coi là siêu hấp dẫn, siêu rẻ. Tương tự, bạn sẽ dễ dàng xác định được đâu là mắc và kém hấp dẫn, đó là khi chỉ số P/E cao chất ngất kiều vài chục cho đến thậm chí cả trăm hay cả nghìn.

Đương nhiên có nhiều người cho rằng phương pháp này lỗi thời và sẽ bỏ qua nhiều cơ hội kiếm tiền vì có nhiều cổ phiếu dù P/E cao nhưng vẫn tăng mạnh. Nói thật với các bạn F0, các bạn nên học cách "không mất tiền" trước khi học cách "kiếm nhiều tiền". Thà bỏ qua cơ hội còn hơn là mắc sai lầm. Vì cuộc đời sẽ có nhiều cơ hội, nhưng sai lầm trong thế giới tài chính này nhiều khi không cho phép bạn cơ hội để sửa chữa.

Do đó, hãy tự trả lời mình câu hỏi "Giá này vào được không?" Một cổ phiếu dù giảm mạnh rồi, nhưng vẫn có thể giảm nữa vì vốn dĩ trước đó nó đã được định giá quá cao, chả thiếu những cổ phiếu giảm 70-90% trong vài năm. Cũng chả thiếu những cổ phiếu đã tăng mạnh nhưng vẫn tăng mạnh hơn vì đơn giản trước đó nó đã bị định giá quá thấp.

Nên cách tốt nhất để xác định hời hay không hời, rẻ hay không rẻ, mắc hay không mắc chính là chỉ số P/E. Đây là kinh nghiệm đúc kết của bản thân tôi trong suốt gần 20 năm đầu tư, mỗi người đều có sự lựa chọn cho riêng mình, hãy chọn cho mình phương pháp phù hợp nhất. Chúc các bạn thành công.

(Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của Ông Vicente Nguyen - Fund manager tại Quỹ đầu tư NN)