Bất chấp những thông tin tiêu cực từ đại dịch COVID-19, thị trường chứng khoán Việt Nam đang cho thấy sức chống chịu đáng nể.
Một so sánh nhanh cho thấy, khi thông tin từ đại dịch COVID-19 xuất hiện, VN-Index trong quý I/2020 giảm 33% so với giá trị cuối năm 2019, tụt từ hơn 1.000 điểm hồi cuối 2019 xuống 645 điểm hồi tháng 3/2020.
Dẫu vậy, ở thời điểm hiện tại, dù các thông tin về đại dịch COVID xuất hiện dồn dập từ dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 đến nay, VN-Index không những không giảm, mà còn … tăng 1,61% lên mức 1.241,81 (tính từ giá mở cửa phiên 4/5 đến phiên 7/5). Tính riêng năm 2021, VN-Index đã tăng đến 12,5%.
Thị trường tăng, nhưng không phải tất cả các cổ phiếu cũng tăng theo. Một trong các mã tiêu biểu là SAB của CTCP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco – HOSE: SAB). Tính đến phiên giao dịch 7/5, thị giá SAB đạt 153.000 đồng/cp, đồng nghĩa mã này đã giảm 15,3% trong 6 tháng giao dịch trở lại đây, và giảm 20,9% tính từ đầu năm đến nay.
Như vậy, so với mức giá 320.000 đồng/cp, tức bỏ ra tổng tiền gần 4,8 tỷ USD để sở hữu 53,59% vốn SAB, Thaibev đã lỗ đến gần 2,5 tỷ USD. Thời điểm đó, Thaibev cho biết, mức giá kể trên được tính toán dựa trên thu nhập lịch sử, vị thế tài chính, kinh nghiệm quản lý, sự tăng trưởng trong tương lai và tiềm năng của thị trường.
Thaobev cho rằng, Sabeco là doanh nghiệp sản xuất bia lâu đời với hơn 140 năm kinh nghiệm, sở hữu những thương hiệu bia nổi tiếng của Việt Nam như bia Sài Gòn và bia 333. Ngoài ra, Sabeco chiếm thị phần lớn nhất trong thị trường bia Việt và là một trong những công ty bia đầu ngành ở ASEAN.
ThaiBev cũng đánh giá Việt nam là thị trường tiềm năng cho ngành bia, lớn thứ ba trong ASEAN và chỉ xếp sau Trung Quốc và Nhật Bản. Vì thế, vụ thâu tóm này sẽ giúp Tập đoàn đa dạng hóa thị trường về mặt địa lý; giúp hãng mở rộng khu vực và có được mạng lưới phân phối lớn ở Việt Nam.
Tuy vậy, những ảnh hưởng kép từ đại dịch COVID-19 và Nghị định 100 (hiệu lực từ ngày 1/1/2020) đã tác động đáng kể đến sản lượng tiêu thụ bia của các doanh nghiệp ngành bia nói chung, cũng như Sabeco nói riêng.
CTCP Chứng khoán SSI nhận định, kênh phân phối tiêu dùng tại chỗ (on-premise) trong năm 2019 chiếm khoảng 70% tổng lượng bia tiêu thụ tại Việt Nam. Vào năm 2020, kênh này bị ảnh hưởng nghiêm trọng do giãn cách xã hội. SSI cho rằng, đà phục hồi sẽ tiếp tục, nhưng nhu cầu dự báo sẽ chỉ trở lại mức trước COVID vào năm 2022 mà không phải 2021.
Dù Chính phủ Việt Nam đã xử lý tốt các đợt bùng phát COVID-19, ngành dịch vụ ăn uống và giải trí đã được cải thiện và bắt đầu quay trở lại, nhưng SSI cho rằng vẫn cần nhiều thời gian hơn để hồi phục về mức trước COVID. Xu hướng khách ghé thăm nhà hàng, quán cà phê, trung tâm mua sắm, công viên giải trí, bảo tàng,... vẫn còn yếu, giảm 10% so với mức cơ sở, theo báo cáo tháng 12/2020 của Google. Việc thiếu vắng khách quốc tế cũng góp phần khiến lượng tiêu thụ bia giảm. Theo GSO, chi tiêu của khách du lịch nước ngoài chiếm 5,5% tổng mức bán lẻ năm 2019.
Trong khi đó, với Nghị định 100, SSI nhận thấy người tiêu dùng Việt Nam ngày càng điều chỉnh thói quen uống rượu của họ, đặc biệt là ở các thành phố lớn (nơi tài xế thường xuyên được kiểm tra nồng độ khí thở). Người tiêu dùng đã dần quen với việc sử dụng các phương tiện giao thông công cộng (taxi, dịch vụ gọi xe). Tác động của Nghị định 100 có thể sẽ giảm dần khi người tiêu dùng bắt đầu tự giác chấp hành các quy định vì sự an toàn của chính họ.
Theo CTCP Chứng khoán Bản Việt, bên cạnh các yếu tố trên, kết quả kinh doanh của Sabeco (cũng như các doanh nghiệp trong lĩnh vực bia) sẽ còn chịu ảnh hưởng tiêu cực từ việc giá nguyên liệu đầu vào như nhôm và lúa mạch có xu hướng tăng trong thời gian gần đây.
“Chúng tôi kỳ vọng hoạt động hedging giá nguyên liệu của SAB sẽ giúp hỗ trợ một phần biên lợi nhuận trong năm 2021; tuy nhiên, tác động của việc giá nguyên liệu đầu vào tăng sẽ rõ ràng hơn vào năm 2022”, VCSC nhận định.
Hoặc