Covid-19 khiến kinh tế nhiều nước rơi vào khó khăn. Để hỗ trợ phục hồi, chính phủ các nước, đặc biệt là những quốc gia phát triển bắt đầu in tiền mới. "Chúng tôi tin rằng, các nước phát triển đang bơm khoảng 6.000 tỷ USD để hỗ trợ phục hồi kinh tế", ông Andy Ho, Trưởng bộ phận đầu tư của VinaCapital, cho biết trong một video chia sẻ với báo chí về cách tăng cường thu hút FII.

Cơ hội từ 'núi tiền' 6.000 tỷ USD

Quay lại cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, các ngân hàng trung ương đã bơm khoảng 2.000 tỷ USD vào các nền kinh tế. Và dòng vốn đầu tư gián tiếp - FII đã hỗ trợ thị trường chứng khoán toàn cầu. Sau cuộc khủng hoảng này, thị trường chứng khoán Mỹ tăng 11 lần nhưng lợi nhuận doanh nghiệp chỉ tăng gấp đôi. Điều này cho thấy thanh khoản, vốn và tiền bơm vào các thị trường đã hỗ trợ thị trường chứng khoán nhiều hơn so với tăng trưởng lợi nhuận. Lịch sử cũng cho thấy, VN-Index đã tăng gần 50% năm 2017 khi ECB phát hành 1.000 tỷ USD tiền mới.

Ông Andy Ho, Trưởng bộ phận đầu tư của VinaCapital cho biết Việt Nam có cơ hội để khơi thông dòng vốn FLL

"Chúng tôi tin rằng, những nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận được nguồn vốn đang được bơm vào các nền kinh tế này cũng chú ý nhiều hơn đến thị trường Việt Nam. Bởi Việt Nam mang lại lợi nhuận lớn hơn so với lựa chọn đầu tư tại quốc gia của họ, nơi mà trái phiếu có lãi suất âm, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn cũng dưới mức 0, lãi từ chia cổ tức chỉ 1-2%", ông Andy Ho nói.

Trong khi đó, tại Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài có thể hưởng lãi chia cổ tức ở mức 3-4%, lãi suất trái phiếu 3-4% và tiền gửi có kỳ hạn ở mức 6-7%. Tình hình chính trị, môi trường kinh doanh và đồng nội tệ đang ổn định. Do đó, khi đầu tư vào Việt Nam, nhà đầu tư có thể thấy tài sản khấu hao và đồng tiền duy trì ổn định, không bị giảm lợi nhuận do đồng tiền mất giá.

Năm ngoái, trong tổng số gần 31,8 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, riêng vốn FII đã lên tới 11,24 tỷ USD, tăng 47,1% so cùng kỳ năm 2018 và chiếm 35,4% tổng vốn đăng ký.

Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 5 tháng đầu năm 2020, cả hai kênh thu hút vốn của Việt Nam đều có tín hiệu tích cực. Trong đó, vốn đầu tư trực tiếp (FDI) đạt 7,44 tỷ USD, tăng 15,2% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ 2019. Trong khi vốn đầu tư gián tiếp (FII) thông qua góp vốn, mua cổ phần tăng 11,6% so với cùng kỳ, tổng giá trị vốn góp 2,99 tỷ USD, bằng 39,1% so với cùng kỳ.

Vốn FDI thường có xu hướng dài hạn, dựa vào từng dự án và về cơ bản là được kiểm soát bởi nhà đầu tư nước ngoài thì vốn FII đi vào thị trường vốn, thông qua giao dịch cổ phiếu và trái phiếu, hoặc đầu tư vào cổ phần tư nhân hay thông qua các quỹ đầu tư mạo hiểm.

"Chúng ta rõ ràng cần thu hút thêm vốn FII để hỗ trợ thị trường chứng khoán và cũng cần dòng tiền này để hỗ trợ thị trường vốn trong nước", ông Andy Ho nói. Đồng thời ông cho rằng Việt Nam đang có cơ hội lớn để thu hút thêm vốn FII từ các ngân hàng trung ương toàn cầu.

Theo nghiên cứu của nhóm chuyên gia Viện nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng Đại học Quốc gia TP HCM mới đây, thị trường trái phiếu Việt Nam nhìn chung thể hiện các doanh nghiệp sẵn sàng đi vay ở mức lãi suất tăng để đáp ứng nhu cầu đầu tư, cũng như bù đắp cho rủi ro của nhà đầu tư.

"Chệnh lệch phần bù hoán đổi rủi ro của Việt Nam mặc dù tăng, nhưng tăng ở mức tương đối thấp so với các quốc gia khác trong khu vực, cho thấy các nhà đầu tư vẫn có đánh giá tích cực về độ an toàn của thị trường Việt Nam", nhóm chuyên gia nhận định.

Khơi thông dòng vốn FII

5 tháng đầu năm, dù số lượt góp vốn, mua cổ phần tăng, song quy mô góp vốn nhỏ, bình quân chỉ có 0,85 triệu USD/lượt góp vốn, nhỏ hơn nhiều so với quy mô bình quân cùng kỳ 2019, theo Cục Đầu tư nước ngoài.

Kênh thu hút chủ yếu cho FII chính là thị trường chứng khoán. Theo ông Andy Ho, có khá nhiều vấn đề cần cải thiện. Đầu tiên, nhà đầu tư muốn thấy nhiều cơ hội tăng trưởng, nhiều công ty lớn hơn được niêm yết. Đẩy mạnh tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước sẽ là lời giải.

Thị trường chứng khoán cũng cần đa dạng hơn vì hiện chỉ có một số loại cổ phiếu chi phối thị trường, bao gồm cổ phiếu ngân hàng và bất động sản. Trong khi, "khẩu vị" của các nhà đầu tư còn muốn cổ phiếu viễn thông, điện, phân bón hay thậm chí là y tế. Thị trường chứng khoán cũng chưa có hoạt động đầu tư cho quỹ hưu trí trong khi nó là xương sống cho nhiều thị trường vốn toàn cầu.

Nhà đầu tư cũng muốn giao dịch cổ phiếu của những doanh nghiệp không còn room cho khối ngoại. Hiện nay, có 30 doanh nghiệp niêm yết trên thị trường ở mức giới hạn cổ phần dành cho khối ngoại (FOL). Điều này gây khó khăn cho các nhà đầu tư mới muốn mua lại cổ phần của các doanh nghiệp.

Chuyên gia VinaCapital đề xuất sớm gia nhập nhóm thị trường mới nổi (MSCI-Emerging Market). Hiện nay, Việt Nam thuộc nhóm thị trường cận biên (MSCI-Frontier Market). "Khi trở thành thị trường mới nổi, chúng ta có thể tiếp cận lượng vốn gấp trăm lần hiện nay", ông nhận định thêm.

Về thị trường trái phiếu, ngoài trái phiếu chính phủ, nhà đầu tư cũng muốn mua các trái phiếu có thanh khoản tốt hoặc trái phiếu của các doanh nghiệp niêm yết. "Ở thời điểm này, nhà đầu tư gián tiếp nước ngoài khó tiếp cận được với trái phiếu doanh nghiệp bởi những khoản trái phiếu này thường chưa được niêm yết", vị chuyên gia VinaCapital nhận định.

Để trái phiếu doanh nghiệp được niêm yết thì cần một quy trình đánh giá xếp hạng. Việt Nam có thể mời các tổ chức xếp hạng uy tín như S&P, Moody's, Fitch đánh giá trái phiếu doanh nghiệp bằng cách kết hợp các định chế tài chính, ngân hàng thương mại.