Mã chứng khoán HVN của Vietnam Airlines bị đưa vào diện cảnh báo | Tin tức  mới nhất 24h - Đọc Báo Lao Động online - Laodong.vn

Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, mã: HVN) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2021 với doanh thu thuần giảm 60% so với cùng kỳ chỉ đạt 7.460 tỷ đồng.

Doanh thu giảm mạnh trong khi chi phí không thể tiết giảm tương xứng đã khiến hãng hàng không quốc gia ghi nhận lỗ 4.975 tỷ đồng, tăng hơn 90% so với cùng kỳ.

Quý I của Vietnam Airlines khó khăn một phần do cạnh tranh khốc liệt tại thị trường hàng không nội địa và còn do dịch Covid-19 tái bùng phát vào đúng cao điểm Tết Nguyên đán khiến toàn ngành hàng không hụt thu.

Khoản lỗ nói trên đã nâng mức lỗ lũy kế của Vietnam Airlines lên 14.219 tỷ đồng khiến vốn điều lệ của doanh nghiệp âm 5.319 tỷ đồng (vốn điều lệ của Vietnam Airlines là 8.942 tỷ đồng), đồng thời kéo vốn chủ sở hữu của “ông lớn” hàng không này từ 6.000 tỷ đồng xuống còn 1.031 tỷ đồng.

Đáng chú ý, theo quy định của Luật chứng khoán, nếu doanh nghiệp có tổng số lỗ lũy kế vượt quá vốn điều lệ thực góp trong BCTC kiểm toán gần nhất trước thời điểm xem xét sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc. Do vậy, cổ phiếu HVN có thể rơi vào trường hợp này nếu không tăng vốn điều lệ.

Ngày 15/4 vừa qua, cổ phiếu HVN cũng chính thức bị HoSE đưa vào diện cảnh báo do lợi nhuận sau thuế của cổ đông Vietnam Airlines năm 2020 là âm 10.927 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2020 âm 9.327 tỷ đồng.

Bên cạnh lỗ, hãng còn gánh khoản nợ phải trả 59.550 tỷ đồng, trong đó riêng các khoản nợ vay ngắn hạn là 12.694 tỷ đồng và nợ vay dài hạn là 21.640 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu tăng lên 57,7 lần – mức rủi ro đặc biệt.

Trước đó, hãng đã có kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 8.000 tỷ đồng bằng phương án phát hành cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu do việc thua lỗ đã được dự báo trước, bởi dịch bệnh Covid-19 đối với thị trường hàng không. Tổng công ty Đầu tư Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sẽ thay mặt Chính phủ mua cổ phiếu.

Dự kiến, sau khi phát hành phần vốn tăng thêm, SCIC sẽ nắm giữ 25,39% tổng số cổ phần tại Vietnam Airlines và có đại diện trong Hội đồng quản trị của hãng. Tổng số tỷ lệ cổ phần mà Nhà nước có tại hãng vẫn là 86,1%, ANA Holdings 8,77%; 5,04% còn lại thuộc về các cổ đông khác.

Khoản tiền thu về sau phát hành sẽ dùng để thanh toán toàn bộ các khoản nợ quá hạn, bù đắp phần vốn thiếu hụt trong hoạt động sản xuất kinh doanh, trả các khoản vay ngắn hạn, dài hạn tại các ngân hàng; không dùng cho các hoạt động đầu tư, mua sắm hay các hoạt động không trực tiếp phục vụ sản xuất kinh doanh.

Cuối tháng 3, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký quyết định về việc Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn cho các tổ chức tín dụng sau khi cho Vietnam Airlines vay bổ sung vốn phục vụ hoạt động kinh doanh theo Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết của Chính phủ.

Ngân hàng Nhà nước thực hiện tái cấp vốn bằng đồng Việt Nam, không có tài sản bảo đảm trên cơ sở đề nghị của tổ chức tín dụng và số tiền cho vay của tổ chức tín dụng đối với Vietnam Airlines theo Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết của Chính phủ. Tổng số tiền giải ngân tái cấp vốn đối với các tổ chức tín dụng tối đa là 4.000 tỷ đồng.

Lãi suất tái cấp vốn là 0%/năm; lãi suất áp dụng đối với nợ gốc tái cấp vốn quá hạn thực hiện theo quy định tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước.