Bài học từ 'mua đỉnh bán đáy' của một nhà đầu tư F0

Tôi có một ông anh họ, cuộc đời cũng lắm thăng trầm. Bữa mồng 2 Tết, ông có gọi điện hỏi thăm. Ông nghe nói là tôi làm trong lĩnh vực chứng khoán, nên định nhờ tôi "dắt vào đời". Tôi hỏi "Anh có biết chứng khoán là gì không". Ông bảo "Nghe đồn trúng lắm, thử tý kiếm tiền mua con xe xịn, chạy đỡ hao xăng". Tôi hỏi "Anh có vốn bao nhiêu". Ông bảo "Anh có vài chục, cũng gần như là toàn bộ rồi đấy chú". Lòng cảm thấy cũng buồn, nhưng tôi phải thành thật khuyên "Thôi anh ạ, chơi chứng nó cũng cam go lắm, không dễ ăn đâu. Chứng có lúc bạc lắm anh ạ".

Sáng nay tôi có đọc bài của một người bạn, viết về lòng mong muốn đào tạo kiến thức chứng khoán. Rất tâm huyết. Nhưng do xuất phát điểm từ một Thầy giáo, cho nên anh ấy lý thuyết, lại thiếu thực tế thị trường. Có 2 điểm mấu chốt anh ấy đang hiểu chưa đúng. Đầu tiên phải trả lời được câu hỏi "Đầu tư chứng khoán là gì". Rất đơn giản, đó là một trong những kênh đầu tư, với mục tiêu sinh lời. Đã với mục tiêu sinh lời, thì càng nhiều càng tốt, càng nhanh càng hay. Về cơ bản khái niệm đầu tư không quá phức tạp. Tìm hiểu khá dễ dàng với vài cú click chuột. Điểm thứ hai là đầu tư chứng khoán đúng là có những đặc thù riêng, là một bộ môn rất cao cấp, khắc nghiệt và tinh vi. Nhưng không phải vì thế, mà vội vàng khẳng định đám F0 "dốt" hơn ông TS. Có một thời gian dài, tôi phụ trách đào tạo cho một CTCK lớn. Thực ra tôi cũng chả dạy gì nhiều, chủ yếu tôi hướng dẫn các bạn làm nghề tư vấn phải đặt tư duy, đặt cái tâm, lên trên hết. Chứng khoán quan trọng nhất là phải có một cái đầu lạnh và một trái tim nóng.

Hỏi rằng ở Việt Nam có bao nhiêu người dùng tiền tiết kiệm, tiền lương hưu, để thông qua TTCK tích lũy tài sản cho tương lai? Tôi nghĩ rằng nó quá xa vời, không thực tế và không đúng bản chất kênh đầu tư. Đầu tư cái gì cũng thế, không đặt mục tiêu làm giàu lên hàng đầu, chẳng nhẽ đặt xuống dưới cùng? Quyết chí làm giàu, đâu có nghĩa là "ăn sổi", đâu có nghĩa là lao vào "cờ bạc" chớp nhoáng, thiếu tính bền vững. Thay vì khuyên NĐT bớt ý chí "làm giàu", thì đúng ra phải chỉ dạy cho họ những cách thức làm giàu nhanh nhất, an toàn nhất.

Như trong bài viết hôm qua, tôi phân chia 5 lớp NĐT: Gã khờ, Kẻ học việc, Anh nông dân, Nhà thông thái, Thiên tài. Tôi tự đánh giá vẫn đang nằm trong lớp thứ 3, đang cố hướng lên lớp thứ 4. Đôi khi đầu tư không chỉ có học thuật, mà nó đến từ bản năng, năng khiếu trời cho. Cho nên có thể anh bạn TS của tôi nếu cho đầu tư ở thị trường chứng khoán Việt Nam, chưa chắc đã thành công. Cho nên anh hơi "chạnh lòng" với đám "ít được đào tạo" kia chăng? Tôi là người luôn coi trọng tri thức, luôn mong muốn NĐT có được thành công, tránh được cạm bẫy. Nhưng mình không muốn làm con ếch ngồi đáy giếng, chỉ biết bầu trời to bằng cái vung. Trên đời này có biết bao phương pháp khác nhau. Người thì đầu tư dài hạn, mua 1 cổ phiếu giữ cả 3-5 năm, ăn cổ tức, có lúc nhiều đắng cay vì giảm triền miên, nhưng rồi cũng hưởng quả ngọt. Người thì lại đầu tư theo sóng, chỉ 3-5 ngày, cũng có lúc "sấp mặt", nhưng thành quả nhiều khi cũng vang dội. Vậy "ông" nào là chính tắc, "ông" nào là tà đạo. Cá nhân tôi chứng kiến có vị kia, đã từng làm Quản lý một quĩ to, bây giờ tự doanh, đánh toàn 3/7, ra vào nhanh như điện sẹt. Cho nên tri thức chứng khoán không nằm ở hành vi bên ngoài, mà nằm ở những điều cốt lõi như nguyên tắc quản trị, phương pháp đầu tư, tư duy định hướng thị trường.

Ngày mai chứng khoán chính thức mở cửa trở lại. Những nhà đầu tư lại bị cuốn theo dòng chảy của những con số. Họ tưởng rằng đó là tất cả thế giới này. Nhưng hãy luôn nhớ rằng, còn hơn 97% người VN ở bên ngoài chả biết chứng khoán là gì. Dòng tiền thông minh sẽ tự tìm đến điểm sinh lời tốt nhất, bất kể ý chí "ngăn cản" của ai đó. Trong khi chúng ta còn mải mê ăn Tết, chứng khoán từ Mỹ, châu Á cho đến châu Âu, liên tiếp phá đỉnh, lập những kỷ lục mọi thời đại. Đừng chống lại xu hướng, vì đó là vô nghĩa. Chứng khoán là niềm tin, là kỳ vọng tương lai. Sự thành công chỉ đến với những con người biết học hỏi và tận dụng cơ hội "thập kỷ" như hiện nay.

(Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của Tiến sỹ Nguyễn Hồng Điệp - CEO tại CTCP Tư Vấn Đầu Tư S-Talk)