Đề xuất cho ngân hàng được thu giữ tài sản bảo đảm của nợ xấu mà không cần phải thoả thuận trong hợp đồng

Ngân hàng Nhà nước vừa có báo cáo đánh giá tác động của chính sách đề nghị xây dựng Luật xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của TCTD. 

Bên cạnh việc đề xuất luật hoá Nghị quyết 42/2017/QH14, NHNN đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định tại NQ 42. Trong đó, đáng chú ý, cơ quan này đề xuất sửa đổi chính sách về quyền thu giữ tài sản không cần phải thoả thuận trong hợp đồng. 

NHNN cho biết, theo quy định tại điểm b Khoản 2 Điều 7 Nghị quyết 42/2017/QH14, điều kiện TCTD có quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu là "Tại hợp đồng bảo đảm có thỏa thuận về việc bên bảo đảm đồng ý cho TCTD có quyền thu giữ tài sản bảo đảm…". 

Tuy nhiên, các hợp đồng bảo đảm được ký kết trước thời điểm Nghị quyết 42 có hiệu lực đều không quy định trực tiếp nội dung này (vì tại thời điểm hợp đồng được ký kết thì Nghị định 163/2006/NĐ-CP không quy định nội dung này). Do vậy, để đủ điều kiện áp dụng quyền thu giữ tài sản bảo đảm theo quy định trên, các TCTD phải đàm phán lại với bên vay/bên bảo đảm để ký lại hợp đồng bảo đảm có điều khoản thu giữ. Tuy nhiên, khách hàng thường không hợp tác (không ký lại nội dung điều chỉnh hợp đồng bảo đảm có điều khoản thu giữ), vì vậy, các TCTD rất khó để thực hiện việc thu giữ tài sản bảo đảm theo Điều 7 Nghị quyết 42.

Theo đó, cần có quy định giải quyết khó khăn, vướng mắc của TCTD/VAMC trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm liên quan đến việc giao tài sản bảo đảm để xử lý, tạo điều kiện cho TCTD/VAMC thúc đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu, tránh trường hợp chủ tài sản chây ỳ, chống đối không ký lại thỏa thuận/hợp đồng bảo đảm có điều khoản thu giữ nhằm kéo dài thời gian xử lý, gây ảnh hưởng lớn đến việc xử lý nợ xấu của TCTD/VAMC. 

NHNN đề xuất sửa đổi quy định về việc thu giữ tài sản bảo đảm theo hướng TCTD có quyền thu giữ tài sản bảo đảm cho khoản nợ xấu mà không cần phải có thỏa thuận về việc bên nhận bảo đảm đồng ý cho TCTD có quyền thu giữ tài sản bảo đảm trong hợp đồng bảo đảm.

Theo phân tích của cơ quan chủ trì soạn thảo, điều này sẽ giảm các vụ việc phải giải quyết tại Tòa án, rút ngắn được quá trình xử lý tài sản bảo đảm, qua đó giảm thiểu chi phí cho Nhà nước và TCTD/VAMC, tối đa hóa giá trị thu nợ từ tài sản bảo đảm, giảm nợ xấu của hệ thống TCTD, tăng quyền tiếp cận tín dụng ngân hàng cho các doanh nghiệp.

Tính đến thời điểm Nghị quyết 42/2017/QH14 có hiệu lực, quyền thu giữ tài sản bảo đảm đã được thực hiện hơn 10 năm theo quy định tại Nghị định 163/2006/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm (Điều 63), theo đó, việc thu giữ được thực hiện theo quy định tại Nghị định này được các bên thực hiện và không bắt buộc phải có thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm. Việc quy định tại Nghị quyết 42/2017/QH14 để áp dụng trở lại với các hợp đồng bảo đảm đã được ký kết trước đây gây khó khăn, bất cập cho các TCTD khi khách hàng không hợp tác trong việc ký lại hợp đồng bảo đảm. Do đó, việc không quy định phải có thỏa thuận về việc bên nhận bảo đảm đồng ý cho TCTD có quyền thu giữ tài sản bảo đảm trong hợp đồng bảo đảm sẽ thúc đẩy chủ tài sản phối hợp với VAMC/TCTD trong quá trình thu hồi nợ, xử lý tài sản bảo đảm, tránh cho chủ tài sản có tâm lý chây ỳ, trốn tránh trả nợ, tạo điều kiện cho VACM/TCTD thúc đẩy nhanh quá trình thu hồi, xử lý tài sản bảo đảm nói riêng và xử lý nợ xấu nói chung. 

Quy định này cũng là biện pháp phù hợp nhằm tránh tình trạng con nợ lợi dụng quy định tại Nghị quyết để không hợp tác trong quá trình xử lý nợ (gồm cả việc thực thi các quyền và nghĩa vụ đã được thỏa thuận trong các hợp đồng tín dụng).

Tuy nhiên, NHNN cũng cho rằng, quy định này cũng có thể dẫn tới mặt tiêu cực là nảy sinh một số tranh chấp trong quá trình thu giữ.