Sasco vừa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm với sự giảm sút nghiêm trọng, chủ yếu do ảnh hưởng bởi sự bùng phát dịch Covid-19. Theo đó, quý 2/2020 Công ty đạt hơn 60 tỷ doanh thu, giảm 92% so với con số 702 tỷ đồng hồi quý 2/2019. Tương ứng, lợi nhuận trong kỳ thu về chỉ bằng 1/5 cùng kỳ với 36 tỷ đồng.

Tách từng nguồn doanh thu, khoản thu hàng hoá miễn thuế giảm sốc từ 325 tỷ về chỉ còn 8 tỷ đồng, doanh thu hàng hoá trung tâm thương mại và chi nhánh khác giảm từ 92 tỷ còn 16 tỷ đồng, doanh thu hoạt động phòng chờ cũng sụt giảm mạnh chỉ còn 1/8 cùng kỳ với 15 tỷ...

Luỹ kế nửa đầu năm, Công ty ghi nhận doanh thu 584 tỷ, chỉ còn bằng 1/3 nửa đầu năm ngoái (6 tháng 2019 đạt 1.432 tỷ đồng) và LNST giảm đột biến còn 52 tỷ đồng, chỉ bằng 1/5 cùng kỳ.

Là doanh nghiệp lớn chuyên kinh doanh hàng miễn thuế, dịch vụ phòng khách thương gia, ẩm thực, nhà hàng khách sạn tại sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay quốc tế Cam Ranh mở rộng… Sự tăng trưởng nóng của ngành hàng không thời gian qua, đặc biệt lượng khách quốc tế đã góp phần thúc đẩy lợi nhuận Sasco tăng mạnh.

Sasco cũng vừa tiếp tục mở rộng đầu tư sang bất động sản và resort thông qua dự án Sasco Blue Lagoon Resort với diện tích 2ha tại bờ biển Phú Quốc.

Trước đó, đại hội cổ đông Sasco hồi cuối tháng 6 đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2020. Cụ thể tổng doanh thu thuần mục tiêu dự kiến chỉ bằng 38,94% so với năm 2019 là 1.202 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế chỉ kỳ vọng đạt hơn 22 tỷ đồng.

Về cơ cấu tài sản, tính đến 30/6/2020, tổng tài sản của Sasco ghi nhận hơn 2.000 tỷ đồng, giảm 13% so với đầu năm, chủ yếu đến từ giảm các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn và giảm các khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng. Đặc biệt, khoản tiền và tương đương tiền của Sasco cũng đã giảm đến hơn 40% so với số liệu đầu năm.

Tổng nợ phải trả của doanh nghiệp cũng giảm hơn 22% so với đầu năm, chỉ còn 589 tỷ đồng. Trong đó cả nợ ngắn hạn và dài hạn đều ghi nhận giảm hơn 20%. Đáng chú ý, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn của Sasco đã giảm từ hơn 56 tỷ (đầu năm 2020) xuồng còn hơn 2 tỷ (30/6/2020).

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn (trái) được mệnh danh là vua hàng hiệu, nhưng doanh thu lớn lại đến từ Sasco, một công ty xuất thân từ Nhà nước, được ông mua lại với cổ phần chi phối

Hiện, cơ cấu cổ đông hiện tại của Sasco gồm cổ đông Nhà nước là Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam ACV (49,07%), cùng 3 cổ đông chiến lược đều là các công ty của ông Johnathan Hạnh Nguyễn là Công ty TNHH XNK Liên Thái Bình Dương (IPP), công ty TNHH Thời trang và Mỹ phẩm Duy Anh (DAFC), công ty TNHH Thời trang và Mỹ phẩm Âu Châu (ACFC), tổng tỷ lệ sở hữu của ông Jonathan Hạnh Nguyễn là 45,26%. Ông Hạnh Nguyễn hiện đang giữ chức Chủ tịch của Sasco và vợ ông, bà Lê Hồng Thủy Tiên là Thành viên HĐQT.

Với sự chi phối tại Sasco, mặc dù gia đình ông Johnathan Hạnh Nguyễn được biết đến nhiều trong lĩnh vực kinh doanh hàng hiệu, nhưng dịch vụ sân bay thực tế mới là nguồn thu chính của Tập đoàn, hàng năm đóng góp phân nửa lợi nhuận với hàng trăm tỷ đồng. Trong đó, dịch Covid-19 đã, đang và sẽ còn gây nhiều ảnh hưởng đến ngành hàng không nói chung, cũng như kinh doanh dịch vụ tại sân bay nói riêng.