Đầu tháng 8, Ngân hàng Nhà nước đã công bố tiếp tục giảm thêm một số mức lãi suất điều hành quan trọng với mức giảm 0,2-0,5%/năm, đánh dấu đợt giảm lãi suất thứ 3 trong năm nay, nhằm hỗ trợ nền kinh tế thời dịch bệnh.
Hiện tại, lãi suất tiền gửi ở các ngân hàng cũng ở mức rất thấp, thậm chí tại nhóm Big 4 như Vietcombank, BIDV, VietinBank niêm yết lãi suất tiền gửi ngắn hạn 1-3 tháng ở mức dưới 4%. Trong 4 tháng qua, giữa lúc lãi suất liên tục giảm, giá vàng SJC đã tăng hơn 20%, thị trường chứng khoán hồi phục gần 30% từ mức đáy.
Nhiều ý kiến cho rằng lãi suất thấp khiến một lượng tiền đã chảy ra khỏi kênh tiết kiệm để đổ vào các kênh đầu tư này. Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết tháng 5, tổng tiền gửi của các tổ chức kinh tế tại các tổ chức tín dụng đạt gần 4 triệu tỉ đồng, tăng 0,26% so với đầu năm, còn tổng tiền gửi của dân cư là hơn 5 triệu tỉ đồng, tăng hơn 4%. Còn nếu tính đến cuối tháng 6, tiền gửi của khách hàng tại các ngân hàng hầu như đều tăng.
Theo đó, tổng lượng tiền gửi tại Vietcombank, BIDV và VietinBank đã tăng hơn 90.600 tỉ đồng trong 6 tháng qua. Vietcombank trở thành ngân hàng thu hút tiền gửi nhiều nhất hệ thống (trừ Agribank) tăng gần 53.000 tỉ đồng, tương đương 5,7% so với đầu năm. Chỉ MBBank có lượng tiền gửi giảm 15.300 tỉ đồng so với đầu năm (-5,6%), chủ yếu là các khoản tiền gửi không kỳ hạn bị rút bớt.
Theo đánh giá của ông Quản Trọng Thành, Trưởng Phòng Phân tích Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng, nếu so với đầu năm, tiền gửi tại các tổ chức tín dụng tăng khoảng 4,4%, trong khi tín dụng tăng 2,13%, thì khó thể nói là chậm so với tín dụng.
Với mức giá tăng liên tục phá các kỷ lục trong lịch sử, vàng cũng đang trở thành kênh đầu tư được nhiều người quan tâm. Chẳng hạn, theo Ngân hàng Nhà nước, doanh số mua - bán vàng miếng trên địa bàn TP.HCM trong tháng 6 tăng. Cụ thể, doanh số mua là 87.584 lượng vàng, tương đương giá trị 4.262 tỉ đồng, tăng 11% so với tháng trước; doanh số bán là 80.019 lượng vàng, tương đương giá trị 3.893 tỉ đồng, tăng 10%.
Tuy nhiên, trước lo ngại nhiều người rút tiền gửi tiết kiệm đi mua vàng, ông Quản Trọng Thành đánh giá: “Con số này có nhiều hay không còn phụ thuộc vào khối lượng mua bán vàng hằng ngày tại các cơ sở kinh doanh vàng”. Thực tế, lượng tiền người dân rút tiền tiết kiệm đi mua vàng, nếu có cũng không nhiều. Xét theo quy mô dòng vốn, kênh gửi tiết kiệm nếu so sánh với kênh mua trái phiếu sẽ hợp lý hơn.
Trái phiếu đang hút lượng tiền đáng kể từ các kênh đầu tư khác, trong đó trực tiếp nhất là tiền gửi ngân hàng, nhờ lãi suất cao hơn. Theo Công ty Chứng khoán Mirae Asset, trong 6 tháng qua, tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành thành công đạt khoảng 167.000 tỉ đồng, tăng 37,3% so với cùng kỳ.
Lãi suất của các trái phiếu này ở mức hấp dẫn hơn khá nhiều nếu so với lãi suất tiền gửi, 9-10,5%. Trong đó, nhà đầu tư cá nhân mua khoảng 15% tổng lượng phát hành, tương đương 25.000 tỉ đồng. Con số này vẫn còn khá nhỏ nếu so với lượng tiền gửi tăng thêm trong cùng thời gian.
Hơn nữa, cũng không loại trừ khả năng nhiều doanh nghiệp đang gấp rút phát hành trái phiếu trước khi Nghị định 81/2020 sửa đổi có hiệu lực, bổ sung Nghị định 163/2018 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Các quy định mới dự kiến sẽ siết chặt hơn việc phát hành trái phiếu của doanh nghiệp. Do đó, từ tháng sau trở đi, thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ lại là một bức tranh mới với con số tăng trưởng có thể không bằng nửa đầu năm.
Thị trường bất động sản cũng không phải là điểm đến của dòng tiền trong quý II/2020. Chẳng hạn, tại thị trường TP.HCM, theo công bố của DKRA Vietnam, trong quý II, chỉ có 3 dự án đất nền ra mắt, bằng 66% cùng kỳ năm 2019, trong khi tỉ lệ tiêu thụ nguồn cung mới chỉ đạt 53%, bằng 39% so với cùng kỳ năm trước.
Còn đối với thị trường căn hộ, mức giá bán trung bình được CBRE đánh giá không thay đổi nhiều, nhưng trong quý II/2020, chỉ có 1.644 căn hộ được chào bán tại 7 dự án, giảm 60% so với cùng kỳ năm trước. Tổng cộng nửa đầu năm có 5.250 căn hộ được chào bán, ghi nhận mức giảm 39%. Tình hình Hà Nội cũng không khá hơn là mấy. Theo báo cáo của Savills, nửa đầu năm 2020, tuy giá bán có tăng nhưng Hà Nội chỉ ghi nhận 10.300 giao dịch chung cư, giảm 47% so với cùng kỳ. Có lẽ tuy lãi suất gửi thấp nhưng gửi tiết kiệm ngân hàng cũng là một kênh khá hấp dẫn đối với người dân cũng như doanh nghiệp.
Theo Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính, Tiền tệ Quốc gia, các kênh như chứng khoán, vàng vẫn đang bị ảnh hưởng bởi dịch. Do đó, gửi tiết kiệm sẽ là kênh đảm bảo an toàn nhất cho nhà đầu tư, dù kênh này sinh lời không lớn nhưng các nhà đầu tư có thể yên tâm, đây chính là kênh ít rủi ro nhất trong các kênh đầu tư.
Hoặc