Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã thực hiện đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên kể từ những ngày đầu của đại dịch COVID-19. Họ quyết định khởi đầu quyết liệt với mức giảm 50 điểm cơ bản trong nỗ lực ngăn chặn sự suy giảm trên thị trường lao động.
Khi cả bức tranh việc làm và lạm phát đều đang hạ nhiệt, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) - cơ quan ra quyết định chính sách của Fed - đã quyết định giảm lãi suất 0.5 điểm phần trăm, tương đương 50 điểm cơ bản.
Nếu không tính tới đợt cắt giảm lãi suất khẩn cấp trong đại dịch COVID-19, lần cuối cùng Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) cắt giảm 50 điểm cơ bản là vào năm 2008 - giữa cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Quyết định này hạ lãi suất quỹ liên bang xuống mức 4.75%-5%. Lãi suất này không chỉ ảnh hưởng đến chi phí vay ngắn hạn của ngân hàng, mà còn tác động lan toả tới nhiều sản phẩm tiêu dùng như lãi suất vay thế chấp, vay mua xe và thẻ tín dụng.
Đây cũng là quyết định cho thấy sự thay đổi trong quan điểm của Fed vì tại cuộc họp báo tháng 7, Chủ tịch Powell còn cho rằng việc cắt giảm 50 điểm cơ bản "không phải là điều chúng tôi đang nghĩ đến ngay lúc này".
Phát tín hiệu giảm 200 điểm cơ bản cho tới năm 2026
Đáng chú ý, thông qua biểu đồ dot-plot - biểu đồ thể hiện dự báo về lãi suất của các thành viên, Fed phát tín hiệu sẽ giảm thêm 50 điểm cơ bản cho tới cuối năm 2024, cũng gần với kỳ vọng của thị trường. Nhìn xa hơn, các quan chức kỳ vọng sẽ cắt giảm thêm 100 điểm cơ bản vào năm 2025 và 50 điểm cơ bản vào năm 2026.
Cả thảy, biểu đồ dot-plot cho thấy lãi suất chuẩn có thể giảm thêm 200 điểm cơ bản cho tới cuối năm 2026.
"Ủy ban đã có thêm niềm tin rằng lạm phát đang tiến tới mức 2% một cách bền vững, và đánh giá rằng các rủi ro để đạt được mục tiêu việc làm và lạm phát đã cân bằng”, Fed cho biết trong tuyên bố sau cuộc họp.
Quyết định nới lỏng được đưa ra “sau khi đánh giá tiến triển về lạm phát và cán cân rủi ro". Cuộc bỏ phiếu của FOMC có kết quả 11-1, với chỉ Thống đốc Michelle Bowman ưu tiên cắt giảm 25 điểm cơ bản.
Nâng dự báo tỷ lệ thất nghiệp lên 4.4%
Đánh giá về tình trạng nền kinh tế, Fed nhận định rằng "tăng trưởng việc làm đã chậm lại và tỷ lệ thất nghiệp đã tăng lên nhưng vẫn ở mức thấp". Các quan chức Fed đã nâng dự báo tỷ lệ thất nghiệp năm nay lên 4.4%, từ mức dự báo 4% trong lần cập nhật gần nhất vào tháng 6.
Đồng thời, họ hạ dự báo lạm phát xuống 2.3%, từ mức 2.6% trước đó. Về lạm phát cơ bản, ủy ban đã hạ dự báo xuống 2.6%, giảm 0.2 điểm phần trăm so với tháng 6. Ủy ban kỳ vọng lãi suất trung lập dài hạn sẽ ở mức khoảng 2.9%.
Quyết định giảm lãi suất mạnh tay được đưa ra dù hầu hết các chỉ số kinh tế đều khá tích cực.
GDP Mỹ vẫn tăng trưởng ổn. Theo dự báo của Fed Atlanta, mức tăng trưởng của quý 3 có thể lên đến 3% khi người tiêu dùng vẫn chi tiêu mạnh mẽ. Hơn nữa, Fed đã chọn cắt giảm mặc dù hầu hết các thước đo lạm phát vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2%. Trong tháng gần nhất, thước đo lạm phát ưa thích của Fed đang ở mức 2.5%, thấp hơn nhiều so với đỉnh điểm nhưng vẫn cao hơn mong muốn của các nhà hoạch định chính sách.
Tuy nhiên, Chủ tịch Fed Jerome Powell và các nhà hoạch định chính sách khác gần đây đã bày tỏ lo ngại về thị trường lao động. Mặc dù tình trạng sa thải chưa có dấu hiệu tăng lên, nhưng việc tuyển dụng đã chậm lại đáng kể.
Quyết định của Fed có thể gây ra hiệu ứng domino trên toàn cầu. Với vai trò trung tâm của Fed trong hệ thống tài chính thế giới, động thái này có thể thúc đẩy các ngân hàng trung ương khác như Ngân hàng Trung ương Anh (BOE), Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Canada (BOC) - những tổ chức đã bắt đầu cắt giảm lãi suất gần đây - tiếp tục theo hướng này.
Trong khi cắt giảm lãi suất, Fed vẫn duy trì chương trình "thắt chặt định lượng", giảm dần quy mô nắm giữ trái phiếu. Bảng cân đối kế toán của Fed hiện đã giảm xuống còn 7,200 tỷ USD, giảm khoảng 1,700 tỷ USD so với đỉnh điểm.
Hoặc