photo1630125628062-1630125628466168393542-1630232520.jpg

Những ngày này, nếu như bạn nghe thấy các chuyên gia kinh tế tranh luận "taper". Câu hỏi được quan tâm nhất là khi nào Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và các NHTW khác sẽ bắt đầu thu hẹp chương trình mua trái phiếu khổng lồ mà họ đã tung ra trong năm 2020, khi kinh tế toàn cầu chìm trong đại dịch và cần các NHTW "cấp cứu".

Bên cạnh đó là câu hỏi liệu các NHTW phải làm như thế nào để thu hẹp kích thích mà không kích hoạt lên "taper tantrum" – hiện tượng xảy ra năm 2013. Khi đó Fed mới chỉ phát tín hiệu về thu hẹp các biện pháp kích thích đã tung ra để đối phó với khủng hoảng tài chính từ 5 năm trước nhưng lại khiến thị trường tài chính toàn cầu rung chuyển, các tài sản ồ ạt bị bán tháo.

Taper là gì?

Đó là cụm từ mà các quan chức Fed và nhiều người khác sử dụng để miêu tả kế hoạch "rút chân ga" khỏi "cỗ máy kích thích kinh tế" bằng cách giảm lượng trái phiếu mà Fed mua vào một cách từ từ và trong quãng thời gian dài. Họ hi vọng làm như vậy thì nền kinh tế sẽ dần "cai" được các biện pháp kinh tế mà không rơi vào tình trạng "hạ cánh cứng".

Điều gì đã diễn ra?

Thời điểm tháng 3/2020, khi thị trường tài chính quốc tế chao đảo vì dịch bệnh bùng phát, Fed thông báo sẽ mua vào 200 tỷ USD trái phiếu đảm bảo bằng tài sản thế chấp (MBS) và 500 tỷ USD trái phiếu kho bạc. Ban đầu đây được miêu tả là một cách để bơm thanh khoản cho thị trường.

Tháng 12/2020, Fed thông báo hàng tháng vẫn mua 80 tỷ USD trái phiếu và 40 tỷ USD MBS cho đến khi đà phục hồi của nền kinh tế "có những tiến bộ đáng kể". Từ đầu tháng 3/2020 đến cuối tháng 8/2021, tổng tài sản của Fed đã phình to từ 4.200 lên 8.300 tỷ USD.

Ý tưởng ở đây là gì?

Phương pháp chống lại suy thoái kinh tế mà Fed thường sử dụng là giảm lãi suất các khoản vay qua đêm cấp cho các NHTW, từ đó các ngân hàng có thể cung cấp những khoản vay giá rẻ cho doanh nghiệp và người tiêu dùng, kích thích hoạt động kinh tế.

Tuy nhiên sau khủng hoảng tài chính 2008, Fed đã nhận ra rằng giảm lãi suất xuống gần 0 là chưa đủ. Vì thế Fed bắt đầu chương trình mua trái phiếu với hi vọng sẽ làm giảm lãi suất dài hạn (thứ thường ở ngoài tầm kiểm soát của Fed) thông qua các gói nới lỏng định lượng (quantative easing – QE).

Các NHTW đã nới lỏng định lượng bao giờ chưa?

Rồi, nhưng chưa bao giờ ở quy mô lớn đến vậy. Trong 6 năm sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, Fed đã mua hơn 3.500 tỷ USD trái phiếu. Trong cùng kỳ các NHTW khác cũng triển khai những chương trình tương tự, trong đó có NHTW Nhật Bản, NHTW châu Âu và NHTW Anh. Thậm chí châu Âu và Nhật Bản chưa bao giờ ngừng mua trái phiếu kể từ sau khủng hoảng đến nay và đã tăng cường mua thêm sau khi đại dịch nổ ra mùa xuân năm 2020.

"Taper tantrum" là gì?

Khi cựu Chủ tịch Fed Ben Bernanke phát biểu vào tháng 5/2013 rằng Fed đang xem xét thu hẹp quy mô chương trình mua trái phiếu, thị trường tài chính đã rất hoảng loạn. Trong đó viễn cảnh lãi suất dài hạn tăng lên ảnh hưởng nghiêm trọng nhất đến 2 thị trường là thị trường nhà đất Mỹ và các thị trường mới nổi.

Khi đó Fed thực hiện taper như thế nào?

Fed thông báo giảm quy mô mua trái phiếu vào tháng 12/2013 và bắt đầu thực hiện ngay trong tháng sau đó. Sau mỗi cuộc họp chính sách, Fed đều đặn giảm 10 tỷ USD chia đều cho cả MBS và trái phiếu kho bạc. Đến tháng 10/2014 chương trình này hoàn thành.

Tháng 12/2015 Fed tăng lãi suất lần đầu tiên sau 7 năm.

Tại sao câu chuyện taper một lần nữa được đem ra bàn tán?

Kinh tế Mỹ đã hồi phục mạnh mẽ trong 6 tháng đầu năm 2021 sau khi tiêm vaccine trên diện rộng và những gián đoạn vì đại dịch hạ nhiệt. Do đó các nhà đầu tư lo lắng tự hỏi khi nào Fed sẽ rút lại các biện pháp kích thích.

Trong cuộc họp tháng 7 vừa qua, hầu hết các quan chức Fed cũng đồng tình rằng Fed nên bắt đầu giảm tốc độ mua trái phiếu. Họ cho biết đang cố gắng minh bạch nhất có thể các thông tin về dự định của Fed để tránh lặp lại hiện tượng taper tantrum năm 2013.

Trong bài phát biểu trực tuyến tối qua, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết Fed có thể bắt đầu "taper" ngay trong năm 2021, mặc dù ông cũng bổ sung thêm rằng Fed sẽ đánh giá kỹ lưỡng những tác động của biến chủng Delta và Fed sẽ chưa vội tăng lãi suất.

Đâu là điểm quan trọng nhất?

Tiền mặt tràn ngập đã khiến giá cổ phiếu và giá nhà liên tục lập kỷ lục mới và lợi suất trái phiếu đang ở gần mức thấp nhất 6 tháng. Thị trường không chỉ quan tâm đến việc khi nào Fed bắt đầu thu hẹp kích thích mà quan tâm cả đến tốc độ.

Nếu Fed hành động quá nhanh chóng, đà phục hồi của kinh tế Mỹ có thể chật bánh đúng lúc biến chủng Delta đang đe dọa sẽ kéo dài cuộc khủng hoảng y tế. Còn nếu Fed quá chậm chạp, áp lực lạm phát sẽ tăng vọt vì nền kinh tế đang mở cửa trở lại.

Tham khảo Bloomberg