Phản ứng của Sun Group khá bài bản khi họ nhẹ nhàng “khiếu nại” báo Phụ Nữ TP.HCM. Tuy nhiên, với ông Lê Viết Lam không có bất kì phản ứng chính thức nào, ông vẫn luôn ẩn danh cho dù ai cũng biết mỗi quyết định của Sun Group đều được do chính ông cân nhắc.

Ngày 28 tháng 5 năm 2020, gần một năm sau loạt bài gây tiếng vang ấy, báo Phụ Nữ TP.HCM chính thức bị xử phạt bởi quyết định số 114/QĐ-XPHC do Cục Trưởng Cục báo chí Nguyễn Thanh Lâm ký, với hình thức đình bản báo điện tử 1 tháng và nộp phạt 55 triệu đồng.

Một ngày sau ngày 29 tháng 05 báo Phụ Nữ TP.HCM phản pháo bằng loạt bài: Báo Phụ Nữ TP.HCM đã sai phạm những gì? Sun Group và bản thân ông Lam đã không còn “ẩn mình” được nữa.

Điểm nhấn Bà Nà Hills và các dự án siêu sang đầu tư đến hàng trăm ngàn tỷ đồng

Sun Group với phương châm tạo ra “dấu ấn vượt thời gian”, Bà Nà Hills xứng đáng là một công trình như thế. Khởi công vào năm 2007 hơn 10 năm sau năm 2018, Sun Group mới chính thức khẳng định Bà Nà Hills đã hoàn thiện. Nằm ở độ cao 1.487m so với mực nước biển, Sun World Ba Na Hills được mệnh danh là “chốn bồng lai tiên cảnh”, sở hữu khí hậu tuyệt vời cùng cảnh quan thiên nhiên kỳ thú.

Bà Nà Hills được xem là điểm nhân đầu tiên của Sun Group tại Việt Nam

Được biết, đây là một tổ hợp dự án với hệ thống cáp treo dài kỷ lục hơn 5.801m với tổng kinh phí đầu tư hơn 30 triệu euro (hơn 34 triệu USD). Làng Pháp với tổng vốn đầu tư 70 triệu USD cùng Công viên Fantasy (Fantasy Park) thuộc top 5 Công viên trong nhà lớn nhất Châu Á. Cũng tại Đà Nẵng trên đường 2/9 dọc theo bờ Tây sông Hàn, ngay chân cầu Tuyên Sơn, Sun Group đầu tư Công viên Châu Á (Asia Park) với tổng vốn đầu tư lên đến 10.000 tỷ đồng.

Theo ông Đặng Minh Trường, tân CTHĐQT của Sun Group, tổng mức đầu tư của Bà Nà Hills là 8000 tỷ. Nhưng con số thực tế có thể gấp đôi lên đến gần 1 tỷ USD. “Bà Nà Hills từ lúc xây xong đã là một biểu tượng rồi. Nó không phải là biểu tượng thương mại dịch vụ, mà là biểu tượng cho quyết tâm phát triển của một thành phố. Dự án đó đã được tạo ra từ sự trùng khớp giữa tầm nhìn của doanh nghiệp tư nhân và chính quyền, và đặc biệt là sự cam kết đồng hành của nhân dân thành phố. Đó không chỉ là chuyện của du lịch.”, ông Trường chia sẻ với báo giới.

Sau Bà Nà Hills, Sun Group liên tiếp phát triển các dự án hàng chục ngàn tỷ như: tổ hợp dự án Công viên Đại Dương tại thành phố Hạ Long có vốn đầu tư lên tới 6.000 tỷ đồng; tuyến cáp treo nối Thung lũng Mường Hoa với “nóc nhà Đông Dương” – Fansipan; Sun World Ba Na Hills, Sun World Danang Wonder, Sun World Halong Complex và Sun World Fansipan Legend; InterContinental Danang Sun Peninsula Resort, Novotel Danang Premier Han River, Premier Village Danang Resor; W Marriott Phu Quoc Emerald Bay, Premier Village Phu Quoc Resort, Premier Residence Phu Quoc Emerald Bay, MGallery…

Tất cả đều là những khu phức hợp vui chơi giải trí và khách sạn 5 sao, 6 sao hàng đầu Việt Nam với tổng mức đầu tư ước tính lên đến vài tỷ USD.

Ngoài ra, Sun Group còn biết đến như một ông lớn trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng như: Cảng tàu khách Quốc tế Hạ Long với tổng mức đầu tư 1,100 tỷ đồng, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn 7.700 tỷ đồng…

Hiện tại, Sun Group có 113 dự án đã và đang triển khai với tổng mức đầu tư lên đến 137.000 tỷ đồng.

Từ “lùm xùm” trên truyền thông đến cuộc “chuyển giao” quyền lực

Năm 2019, báo Phụ Nữ TP.HCM, tờ báo đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam đến nay đăng tải về những hoạt động tiêu cực và các vấn đề của Tập đoàn Sun Group với loạt bài: Bê tông chọc trời mọc lên, hàng trăm héc-ta rừng Bà Nà gục xuống, đăng trên báo in ngày 23-9-2019; Sun Group, "ông trời" không từ trên cao, đăng trên Báo điện tử ngày 23-9-2019;Cũng làm du lịch, nhưng Genting khác hẳn Bà Nà, đăng trên báo điện tử ngày 1-10-2019; Trường đua xe tốc độ cao trong lõi rừng Tam Đảo II, đăng trên báo điện tử và báo in ngày 23-10-2019; Dự án Tam Đảo II: Con voi chui qua hàng loạt lỗ kim, đăng trên Báo điện tử ngày 23-10-2019; Âm mưu chiếm 726 ha biển Vân Đồn, đăng trên Báo điện tử và báo in ngày 25-10-2019; và Dự án Tam Đảo II như nhát dao chí mạng vào "Mẹ rừng", đăng trên Báo điện tử ngày 26-10-2019.

Theo đó, báo Phụ Nữ TP.HCM quy buộc Sun Group và các công ty của Tập đoàn này “cấu kết” với chính quyền địa phương lấy đất giả rẻ, gây ô nhiễm môi trường đến mức hủy hoại, không đóng góp nhiều cho ngân sách địa phương… với những ngôn từ hết sức nặng nề.

Quyết định xử phạt của Cục Báo chí, Bộ TTTT do ông Nguyễn Thanh Lâm ký ngày 28 tháng 05 năm 2020

Phản ứng lại những chỉ trích của truyền thông ông Lam vẫn kín tiếng như vốn có. Mới đây, ngày 28 tháng 05 năm 2020, Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông ký Quyết định số 114/QĐ-XPHC phạt báo Phụ Nữ TP.HCM số tiền 55 triệu đồng và đình bản báo Điện tử một tháng kể từ ngày 01 tháng 06 năm 2020.

Ngày 29 tháng 05 năm 2020, báo Phụ Nữ TP.HCM phản pháo lại quyết định xử phạt trên với loạt bài: Báo Phụ Nữ TP.HCM đã sai phạm những gì?

Hiện sự việc vẫn chưa dừng lại và giới thạo tin dự đoán, sẽ có một cuộc chiến pháp lý giữa Sun Group và báo Phụ Nữ TP.HCM.

Báo Phụ Nữ TP.HCM phản pháo với quyết định của Cục báo chí chỉ một ngày sau khi quyết định được ký.

Trong một diễn biến có liên quan, đầu năm 2019, nhà sáng lập và là Chủ tịch Sun Group, Lê Viết Lam đã rút khỏi các chức vụ có liên quan đến tập đoàn.

Theo đó, ngày 1.1.2019 thông báo chính thức từ Tập đoàn Sun Group cho biết, ông Lê Viết Lam nhà sáng lập kiêm chủ tịch tập đoàn chính thức rời ghế. Thay vào đó là ông Đặng Minh Trường, Tổng giám đốc giữ ghế chủ tịch. Bà Phạm Thu Hương, Phó Tổng giám đốc Khối Tài chính – Ngân hàng của TP Bank được mời vào ghế CEO do ông Trường để lại.

Theo giới phân tích, đây có thể là một cuộc “chuyển giao quyền lực” mới tại Sun Group cho những định hướng kinh doanh và các chiến lược trong giai đoạn mới. Cũng có thể, đây là một cuộc “ẩn mình” thứ hai để tránh sự soi mói của giới truyền thông lẫn thương trường như tính cách vốn có của ông Lê Viết Lam.

(Còn tiếp)

Kỳ 4: Thông tin hiếm hoi về gia đình, “hạt sạn” liên quan đến showbiz và lý do thực sự của việc Lê Viết Lam rời khỏi “ghế nóng” tại Sun Group