Eximbank bất ngờ có chủ tịch mới người Nhật - BaoHaiDuong

Ngày 25-6, Eximbank bất ngờ thông báo thay Chủ tịch HĐQT. Cụ thể, ông Cao Xuân Ninh đã gửi đơn từ nhiệm Chủ tịch HĐQT và được chấp thuận. Ông Yasuhiro Saitoh, Phó Chủ tịch HĐQT, đã được bổ nhiệm thay ông Ninh đảm nhiệm chức danh chủ tịch. Việc thay đổi chủ tịch HĐQT đã một lần nữa làm nóng lại những vấn đề bất ổn trong nội bộ và trong vấn đề quản trị điều hành của NH này.
Cổ đông phát biểu gay gắt tại ĐHCĐ Eximbank.

Ghế nóng quá nóng

Việc thay ghế chủ tịch HĐQT tại Eximbank diễn ra khi chỉ còn vài ngày nữa NH này sẽ tổ chức ĐHCĐ. Theo dự kiến, Eximbank sẽ tổ chức liên tiếp 2 cuộc họp gồm ĐHCĐ thường niên năm 2020 và ĐHCĐ bất thường năm 2019 cùng trong ngày 30-6, nhằm thay thế 2 cuộc họp đã dời lại (ngày 5-3 và ngày 22-4) do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Đáng chú ý, tân chủ tịch HĐQT lại là người mà cổ đông chiến lược nước ngoài Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) đang nắm 15% vốn tại Eximbank, muốn bãi nhiệm khỏi chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT cách đây không lâu.

Cụ thể, phía SMBC đã gửi văn bản kiến nghị đến HĐQT yêu cầu họp trực tiếp để thảo luận 2 vấn đề cụ thể là yêu cầu bãi nhiệm ông Yasuhiro Saitoh và giảm số lượng thành viên, bỏ phiếu tín nhiệm đối với HĐQT. 

SMBC - cổ đông lớn của Eximbank đề nghị cắt giảm quy mô HĐQT, bỏ phiếu Không bãi nhiệm hay Bãi nhiệm với từng thành viên HĐQT tại cuộc họp bất thường - Ảnh 1.

Ngày 28/4/2020, SMBC đã có phản hồi về thông báo số 231 của Eximbank, cho rằng theo Luật Việt Nam và Điều lệ của EIB, 2 trong số vấn đề họp mà SMBC yêu cầu là bãi nhiệm ông Yasuhiro Saitoh và cắt giảm quy mô HĐQT

Tại sao lại có sự trái khoáy này? Bởi trước đây ông Yasuhiro Saitoh từng là đại diện của SMBC tại Eximbank. Nhưng năm ngoái, SMBC đã có văn bản gửi HĐQT Eximbank thông báo, ông Yasuhiro Saitoh không phải là một viên chức, nhân viên, người được ủy nhiệm hay đại diện của SMBC từ ngày 18-5-2019. Vậy liệu có tranh chấp nổ ra tại ĐHCĐ tới đây hay không là một câu hỏi đang được đặt ra?

Đừng nhầm, tân Chủ tịch Eximbank Yasuhiro Saitoh không phải là đại diện của SMBC! - ảnh 1

Phần giới thiệu về ông Yasuhiro Saitoh trong báo cáo thường niên của Eximbank

Rõ ràng đã có sự tranh chấp các phe nhóm cổ đông. Thực chất đối với Eximbank, việc tranh chấp giữa các nhóm cổ đông để cử người ngồi vào ghế chủ tịch HĐQT đã trở thành chuyện quen thuộc trong nhiều năm qua.

Năm 2015, khi HĐQT cũ của nhà băng này hết nhiệm kỳ và phải bầu lại toàn bộ thành viên HĐQT cho nhiệm kỳ mới 2015-2020, song đến gần ngày tổ chức ĐHCĐ, NH chưa nhận được văn bản chấp thuận của NHNN thông qua danh sách thành viên HĐQT, Ban kiểm soát (BKS) cho nhiệm kỳ mới, phải gia hạn thời gian tổ chức. Đến năm 2016, bắt đầu nổ ra tranh chấp ghế HĐQT giữa các nhóm cổ đông và kéo dài cho đến nay. 

Đáng chú ý là vào tháng 3-2019, HĐQT Eximbank ban hành nghị quyết bầu bà Lương Thị Cẩm Tú, thành viên HĐQT làm Chủ tịch HĐQT. Song ông Lê Minh Quốc, nguyên Chủ tịch HĐQT Eximbank, đã khởi kiện và yêu cầu Tòa án nhân dân TPHCM áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời dừng nghị quyết bầu bà Tú làm Chủ tịch HĐQT.

Ông Lê Minh Quốc và bà Lương Thị Cẩm Tú

Đến ngày 22-5-2019, HĐQT Eximbank lại ban hành nghị quyết bầu ông Cao Xuân Ninh, thành viên HĐQT, giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Eximbank nhiệm kỳ VI (2015 - 2020).

Chưa đầy 1 tháng ngồi vào ghế nóng đã xuất hiện lá đơn từ chức của ông Ninh vì lý do cổ đông, nhóm cổ đông có quá nhiều bất đồng khó dung hòa, dẫn đến các tranh chấp nội bộ gây khó khăn rất lớn trong quản trị, điều hành, ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh và hoạt động của NH. Và đến nay với lần thứ 3 xin từ chức, nguyện vọng của ông Ninh mới được chấp thuận.

Nội bộ tranh chấp, thương hiệu tuột dốc

Trong thông cáo phát đi ngày 25-6, Eximbank khẳng định NH đang hoạt động ổn định, hiệu quả và kiểm soát tốt các hoạt động. Điều này khẳng định trong khoảng thời gian làm chủ tịch HĐQT, ông Cao Xuân Ninh đã điều hành có trách nhiệm và hiệu quả trong công tác chỉ đạo, quản trị Eximbank.

Từ đó, Eximbank đã có những kết quả tích cực, đáng ghi nhận trong năm 2019 và tạo đà cho kết quả của quý I-2020. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế của NH này tăng 31% so với cùng kỳ, chi phí hoạt động giảm 7% so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay các chỉ số an toàn vốn của NH được kiểm soát ở mức độ an toàn cao.

Song hoạt động kinh doanh tăng trưởng trở lại cũng khó cứu vớt được thương hiệu Eximbank khi những điều diễn ra ở nhân sự thượng tầng, thể hiện sự bất ổn nghiêm trọng kéo dài trong vấn đề quản trị điều hành nhiều năm qua. NH cũng thừa nhận thời gian qua, HĐQT đã tổ chức nhiều phiên họp để thông qua một số nội dung thuộc thẩm quyền của HĐQT, phục vụ cho các hoạt động quản trị điều hành NH.

Trong đó, một vài phiên họp đã phát sinh những ý kiến khác nhau liên quan đến các thủ tục, trình tự và hiệu lực pháp lý của các biên bản, nghị quyết liên quan. Thực trạng này phản ánh đúng những khác biệt từ những góc nhìn khác nhau của các thành viên HĐQT. 

Còn nhớ trước đây, Eximbank là một trong số các NHTMCP hàng đầu trên thị trường. Song 5 năm trở lại đây, hàng loạt xáo trộn trong HĐQT đã khiến một thương hiệu lớn bị tuột dốc, rơi khỏi nhóm 5 NHTMCP lớn nhất, và hiện nổi tiếng là một NH nhiều lùm xùm nhất trên thị trường.

Đáng nói hơn là cuộc chiến tranh chấp chiếc ghế quyền lực cũng khiến một NH đã niêm yết chính thức trên thị trường chứng khoán lại có rất nhiều lần không thể tổ chức được ĐHCĐ theo quy định. 

Trong tài liệu phục vụ ĐHCĐ thường niên dự kiến tổ chức vào ngày 30-6 tới, BKS Eximbank cũng đã nhận định, đối với công tác quản trị trong nhiệm kỳ vừa qua (đặc biệt trong năm 2019) hoạt động của HĐQT NH thiếu nhịp nhàng. Trong đó, các thành viên HĐQT còn nhiều ý kiến trái chiều gây tranh cãi, các cuộc họp thường xuyên kéo dài mà không đưa ra được quyết định cuối cùng.

Những lý do trên dẫn tới việc chậm ra quyết định đối với các vấn đề hệ trọng của NH, điển hình là vấn đề bổ nhiệm tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật của Eximbank dẫn đến việc Eximbank bị xử phạt hành chính và gây ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh của NH.

đơn vị: nghìn tỷ