CẦN TIẾNG NÓI KHOA HỌC VỀ HẬU QUẢ KINH TẾ CỦA COVID 19

-Nhìn vào diễn biến đại dịch Covid-19 và quá trình chống chọi với dịch bệnh của Việt Nam trong ba tháng vừa qua, ông có ấn tượng gì?

Ấn tượng của tôi là chúng ta rất thành công trong việc tổ chức hoạt động chống dịch của cả nhà nước lẫn xã hội. Sự phân công lớp lang trong quá trình chống dịch là ở cả ba mặt chính trị, xã hội và y tế rất hiệu quả.

Chúng ta đã thể hiện được sự uyển chuyển của hệ thống chính trị trong việc giải quyết vấn đề chống dịch.

Về mặt văn hóa thì khẩu hiệu "chống dịch như chống giặc" có tác dụng gợi lại bản năng hành động của một xã hội quen với tình trạng thời chiến. Đây là một trong những nghệ thuật để tạo ra phản xạ xã hội cần thiết cho việc chống dịch. Tôi không nghi ngờ gì về sự thành công của nước ta trong giai đoạn chống dịch vừa rồi và điều đó tạo ra hình ảnh tốt của Việt Nam trong con mắt quốc tế.

-Như ông nói, thành công trong chống dịch của Việt Nam cũng được truyền thông quốc tế ghi nhận và liên tục nhắc đến như một điển hình. Liệu có cơ hội nào cho đất nước từ điều này?

Tôi là một trong những người rất tự hào về các thành tích chống dịch của chúng ta, nhưng sự sáng suốt của cá nhân tôi đã ép tôi phải chấm dứt niềm tự hào ấy sớm để có được sự tỉnh táo của một nhà khoa học. Tôi không muốn làm quần chúng đơn giản, chỉ biết hưởng ứng và vỗ tay trước thành tích của Đảng và Chính phủ trong phòng chống dịch bệnh.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt phân tích về những thách thức và cơ hội do Covid 19 mang lại

-Chính xác điều ông muốn nói đến là gì?

Vấn đề khắc phục hậu quả kinh tế không giống như báo chí đang đề cập hiện nay. Nếu xét riêng về mặt kinh tế thì đã bắt đầu lộ rõ nỗi lo của Chính phủ, của các tổ chức nghề nghiệp về hậu quả kinh tế do dịch bệnh gây ra. Nhưng đấy là nỗi lo chứ chưa phải là sự phân tích khoa học và càng không phải là giải pháp cứu trợ kinh tế.

-Nhưng Chính phủ đã đưa ra gói tín dụng lên đến 300.000 tỷ và gói tài khóa 180.000 tỷ để hỗ trợ doanh nghiệp?

Tôi vẫn cho rằng ngay cả những gói như vậy cũng mới chỉ là biểu hiện của nỗi lo về hậu quả kinh tế.

Chúng ta có một nền kinh tế được cho là có độ mở cao, mà người Việt khá chân thật trong việc tham gia toàn cầu hóa và nhiều khi sửa mình một cách thái quá trước các đòi hỏi của toàn cầu hóa.

Trên thực tế, hiệu ứng toàn cầu hóa của kinh tế Việt Nam lớn hơn năng lực tưởng tượng của các lực lượng trong xã hội, kể cả giới lãnh đạo, cho nên ngày càng xuất hiện nhiều nỗi lo.

Nhưng đó là những nỗi lo mang tính chất hiện tượng, còn phân tích các hậu quả kinh tế của Covid-19 một cách nghiêm túc thì tôi chưa thấy tiếng nói của cơ sở khoa học nào về chuyện ấy.

Chúng ta có Viện Kinh tế thuộc Viện Hàn lâm, có Viện nghiên cứu quản lý kinh tế thuộc Bộ KHĐT, cả Ban Kinh tế Trung ương của Ban chấp hành trung ương Đảng, chưa nói đến các viện nghiên cứu khác… các cơ sở nghiên cứu khoa học của chúng ta chưa có chương trình và chưa có phân tích về hậu quả kinh tế sau dịch bệnh. Xã hội rất cần các tiếng nói chuyên nghiệp như vậy.

Khi các cơ sở nghiên cứu đưa ra được các đánh giá có tính chất khoa học thì chúng ta mới biết thế giới sẽ dịch chuyển, sẽ tái cấu trúc, sẽ biến hình thế nào sau dịch bệnh. Biết được những điều đó thì chúng ta mới có được đối sách chính xác.

Còn những gói vừa nhắc thì tôi nghĩ nó chỉ là hình thức, không phải là những phương thuốc có thể chữa những căn bệnh được chẩn đoán cụ thể. Chưa có bác sĩ kinh tế nào có tiếng nói đầy đủ về căn bệnh kinh tế Việt Nam, chưa có bác sĩ kinh tế nào nói một tiếng nói chuyên nghiệp về nền kinh tế của thế giới và trên cơ sở đó phán đoán về nền kinh tế của chúng ta.

HAM SỐNG SỢ CHẾT SẼ LÀ ĐỘNG LỰC CƠ BẢN ĐỂ VƯỢT QUA

-Đại dịch Covid-19 sẽ để lại cho nền kinh tế Việt Nam những vết sẹo gì?

Chưa có vết sẹo. Chúng ta mới đang giải phẫu để xem xét đến việc tái cấu trúc "cơ thể" kinh tế của mình. Vết sẹo chính là vết của tái cấu trúc, chúng ta chưa tái cấu trúc nên chưa có sẹo.

-Như vậy đây chỉ là những vết thương?

Tất cả các thị trường mà Việt Nam có để thể hiện năng lực toàn cầu hóa của mình đang tan hoang, đang đối mặt với nguy cơ suy sụp. Các thị trường cấu tạo ra nền kinh tế, cấu tạo ra đời sống của chúng ta, làm định hướng cho sự phát triển lực lượng lao động, phát triển khoa học công nghệ của chúng ta đều gặp khó khăn nghiêm trọng. Vậy thì đương nhiên thực tế ấy sẽ ép chúng ta phải thay đổi.

Nhưng chúng ta thay đổi thì phải hiểu được sự biến dạng của các thị trường ấy, mà chúng ta chưa có nghiên cứu nào. Một vài tiếng nói cũng chỉ mới đề cập tới sự cản trở của chủ nghĩa dân tộc về mặt chính trị và văn hóa mà vẫn chưa phân biệt được nó với chủ nghĩa dân tộc về mặt kinh tế.

-Theo ông, có những động lực nào để nền kinh tế này có thể vượt qua cơn khủng hoảng?

Mỗi một con người đều phải sống. Ham sống sợ chết chính là động lực cơ bản của toàn thế giới chứ không phải của riêng Việt Nam. Mỗi người thoát ra khỏi cái chết một kiểu. Rồi chúng ta sẽ thấy sự sáng tạo của nhân loại vĩ đại như thế nào khi con người tìm cách thoát ra khỏi sự chết chóc!

-Nghĩa là sự phục hồi sẽ phụ thuộc vào nội lực vào sự ham sống của từng doanh nghiệp, từng cá thể?

Những yếu tố đó cộng với các kinh nghiệm xã hội sẽ tạo ra bước nhảy. Bước nhảy ấy chính là tái cấu trúc và tái cấu trúc chính là con đường tạo ra các "vết sẹo" mà bạn nói.

-Đấy là chúng ta đang nói những cá nhân, những tổ chức, còn ở vai trò tổng thể của người đứng đầu, người lãnh đạo của Đảng và Nhà nước thì sẽ như thế nào?

Tôi nghĩ Đảng và Nhà nước có vai trò tổng thể, nhưng không phải là tác giả của sự thay đổi tổng thể ấy.

Nếu nghĩ rằng Đảng và Nhà nước phải chịu trách nhiệm tất cả quá trình tái cấu trúc là sai. Công việc của Đảng và Nhà nước là động viên, hướng dẫn xã hội, tổ chức những tình cảm xã hội, tổ chức học tập xã hội để cung cấp các kinh nghiệm, để khơi dậy, động viên tất cả các tiềm năng xã hội.

Nhưng kết quả có được là do sự cố gắng của nhân dân cùng với sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chính phủ và cả sự may mắn của số phận tạo ra. Chớ bao giờ quên sự may mắn. Dịch bệnh được kiểm soát tốt như thế này là có phần của sự may mắn. Các nhà y tế hàng đầu của chúng ta cũng chưa phân tích được về yếu tố may mắn này.

Nguyễn Tràn Bạt nhận định chíng sự sáng tạo của con người sẽ giúp nhân loạt thoát khỏi chết chóc

CHÚNG TA ĐÃ MẢI MÊ NHIỀU THỨ MÀ QUÊN ĐI KINH TẾ NỘI ĐỊA 

- Năm 2017 ông từng nhận định kinh tế tư nhân sẽ là một cuộc cải cách khổng lồ. Sau ba năm nhìn lại thì ông đánh giá như thế nào về kinh tế tư nhân với vai trò thúc đẩy nền kinh tế?

Hệ thống các quan điểm của tôi về nền kinh tế là như thế này: Hiện nay sự phát triển của nền kinh tế của chúng ta lệ thuộc khá lớn vào các hoạt động có liên quan tới toàn cầu hóa. Các yếu tố toàn cầu hóa trong cấu trúc kinh tế của chúng ta gồm đầu tư nước ngoài, thương mại quốc tế, các yếu tố trao đổi quốc tế chính là yếu tố chính tạo sự phát triển cho nền kinh tế.

Nhưng các quốc gia khi tham gia vào quá trình toàn cầu hóa dồn tất cả vào sự cạnh tranh mà quên mất thị trường nội địa. Vài năm gần đây xuất hiện khái niệm chuỗi sản phẩm, chuỗi giá trị.

Đấy là một cách mô tả mà tôi không thích. Mô tả ấy không phải của chúng ta mà chịu ảnh hưởng của các chương trình phát triển kinh tế của phương Tây. Ngôn ngữ ấy là ngôn ngữ phương Tây được dùng để mô tả nền kinh tế Việt Nam và tôi thấy nó không khiêm tốn.

Chúng ta mải mê những thứ như vậy và quên rằng còn một nền kinh tế khác là nền kinh tế nội địa, tôi gọi là nền kinh tế bản thể với lực lượng nòng cốt là các DNVVN, các doanh nghiệp tư nhân. Khu vực kinh tế này có nghĩa vụ quan trọng là tạo ra quán tính hay sức nặng đối trọng của nền kinh tế Việt Nam trong quá trình toàn cầu hóa.

Phải biết rằng khi với ra ban công mà không có các yếu tố đối trọng thì sẽ lật nhào. Đối với nước bé, nước đang phát triển như chúng ta thì toàn cầu hóa là một quá trình với, nếu chúng ta không buộc dây làm đối trọng sẽ gặp nguy hiểm. Rất nhiều nền kinh tế đã chết vì với ở ban công.

Bây giờ, người Trung Quốc đóng cửa biên giới đối với mặt hàng thanh long và dưa hấu là xã hội nông thôn Việt Nam nguy. Nếu không để ý đến nền kinh tế nội địa, không cấu tạo ra các giải pháp để có nền kinh tế cấu thành dự trữ của xã hội, đảm bảo công ăn việc làm cho xã hội thì vô cùng nguy hiểm.

Người Trung Quốc cũng đã từng nói rằng Trung Quốc là công xưởng của thế giới, tức là người lao động được cấu tạo cho công xưởng của thế giới chứ không phải cho Trung Quốc. Trung Quốc sai và họ sửa sai rất nhanh, chúng ta chưa có việc sửa sai như vậy.

Chúng ta phải xây dựng nền kinh tế mà ở đấy người lao động được làm việc. Chỉ tiêu lao động không chỉ là chỉ tiêu kinh tế mà còn là chỉ tiêu chính trị. Chúng ta có lẽ cũng không để ý rằng khống chế con số thất nghiệp ở mức thấp là chỉ tiêu của nền chính trị chứ không đơn thuần là chỉ tiêu của nền kinh tế.

-Ông có thể giải thích kỹ hơn tại sao chỉ tiêu lao động còn là chỉ tiêu chính trị?

Nếu con người thất nghiệp thì làm gì có thu nhập. Không có thu nhập thì làm gì có dự trữ. Dịch bệnh như thế này mà trong nhà không có vài ngàn đô la dự trữ thì có thấy lo cho gia đình không, cho bố mẹ không? Đấy chính là vấn đề chính trị.

Sự lo sợ khi tai ương đến chính là một biểu hiện của chính trị. Công việc chính là tiền lương, tiền lương chính là sự để dành (nếu tiền lương hợp lý), sự để dành chính là dự trữ, dự trữ chính là bản lĩnh của cả một xã hội.

Có người hỏi tôi bản chất của tái cấu trúc là gì. Tôi trả lời là bản chất của tái cấu trúc là nhặt nhạnh những yếu tố mà các nhóm lợi ích cài đặt lại trong các cơ cấu của hệ thống chính trị và vứt đi. Sự tin tưởng của xã hội đối với sự lãnh đạo của Đảng làm xã hội không run sợ trước dịch bệnh.

Trong quá trình chống dịch, Chính phủ, Đảng hiểu rất rõ nhân dân sẽ có khó khăn về kinh phí chữa bệnh nên đã đưa ra chính sách chữa bệnh miễn phí. Nếu không có chính sách chữa bệnh miễn phí ấy thì làm sao có hiện tượng Việt kiều, du học sinh kéo nhau về nước đông thế.

Sự đúng đắn của chính sách bắt đầu từ sự phân tích năng lực dự trữ của xã hội. Tôi là một chủ doanh nghiệp, tôi cũng phải có chính sách. Tháng đầu tiên khi dịch bệnh xảy ra, tôi định hạ lương của các lãnh đạo công ty, nhưng hôm sau tôi thấy mình sai và xóa ngay. Qua ví dụ này để nói rằng không được làm mất lòng tin vào sự kiên trì của nhà lãnh đạo đối với đời sống của cán bộ.

-Nhưng đa phần doanh nghiệp Việt Nam là DNNVV, liệu họ có đủ dự trữ để duy trì lương không?

Nếu không nghĩ đến dự trữ, không nghĩ đến con đường sống khi các điều kiện biến động thì anh thua. Sự sáng suốt của nhà lãnh đạo dù là lãnh đạo một gia đình nằm ở chỗ phải lường được những tình huống khủng hoảng.

COVID 19 GIÚP VIỆT NAM CHỮA NHỮNG SAI LẦM TRONG QUÁ KHỨ

Nguyễn Trần Bạt "kê toa" cho nền kinh tế Việt Nam hậu covid 19

-Nhắc đến câu chuyện khủng hoảng của doanh nghiệp, hiện nay cả doanh nghiệp tư nhân và DNNN cùng kêu cứu mà ngân sách và hỗ trợ của Nhà nước thì hữu hạn. Vậy theo ông Chính phủ phải làm gì?

Chỗ này Chính phủ có sơ hở. Lấy ví dụ như việc phát gạo, chúng ta có cả hệ thống chính trị để phát gạo một cách kín đáo nhưng lại không sử dụng mà để người ta dựng các cây ATM gạo ở ngoài phố. Như vậy để quảng bá tính từ thiện chúng ta đã tiến hành các biện pháp sai về mặt tâm lý học.

-Nhưng nếu làm âm thầm hơn thì một bộ phận sẽ không tiếp nhận được, hoặc sẽ xảy ra vấn đề xin cho?

Chúng ta có chi bộ, họ có thể đến từng nhà. Chúng ta có tổ dân phố, có chính quyền xã, thôn… Chúng ta có một cấu trúc hành chính để có thể phân phát từng cái kẹo chứ không phải chỉ là những túi gạo.

-Quay trở lại câu chuyện doanh nghiệp thì chắc phải có cách khác biệt hơn việc phát gạo?

Tôi nghĩ đối với với các doanh nghiệp cần có các chính sách tài chính, tạo ra các quỹ tín dụng và vẫn phải kiểm soát nó đúng theo các quy luật của nền tài chính bình thường. Cốt lõi của chính sách là nó phải thích hợp với tình thế và đối xử bình đẳng với từng đối tượng. Hiện nay chúng ta chưa phân tích kinh tế cho nên chưa thể có giải pháp kinh tế, còn nếu chỉ nói cho có vẻ từ thiện thì cứ nói.

-Người ta có nói đến vấn đề phải cải cách, tái cấu trúc đất nước vì Covid 19 thúc đẩy. Quan điểm của ông thế nào về vấn đề này?

Không phải nhân tiện có Covid-19 mà chúng ta tái cấu trúc. Vấn đề là xã hội đã thay đổi các cấu trúc truyền thống của nó, chúng ta phải theo sát tất cả các thay đổi ấy để tái cấu trúc chính sách của mình cho phù hợp với những biến động của xã hội.

Không phải nhân dịp này có Covid-19 thì chúng ta quét dọn lại xã hội, bởi vì quy mô biến dạng của xã hội sau Covid-19 lớn hơn nhiều so với năng lực của Chính phủ trong việc tái cấu trúc xã hội. Tôi lo Chính phủ sẽ khó khăn để theo đuổi một cách chi tiết và đầy đủ các biến dạng của nền kinh tế Việt Nam sau Covid-19.

-Vậy ông dự đoán bức tranh hậu Covid sẽ như thế nào?

Covid-19 giúp Chính phủ chúng ta chữa những sai lầm trong quá khứ. Chúng ta phải âm thầm nghiên cứu để tái cấu trúc lại, vừa chữa các biến dạng do Covid 19 tạo ra, vừa chữa luôn cả những sai lầm chúng ta gây ra từ trước.

Cảm ơn ông!