Mì ăn liền là món ăn bình dân yêu thích của nhiều người Việt Nam từ nhiều năm nay. Trong năm 2020, người đã Việt ăn 7 tỷ gói mì ăn liền, tăng gần 30% so với năm ngoái và là mức tăng cao nhất thế giới. Vì vậy thông tin mới đây 1 số sản phẩm mì và miến ăn liền do Việt Nam sản xuất bị cảnh báo thu hồi trên trang web của Cục An toàn Thực phẩm Ireland khiến nhiều người khá lo lắng

Cụ thể, danh sách cảnh báo thu hồi có 3 sản phẩm, trong đó có mì Hảo Hảo tôm chua cay và miến Good của Công ty cổ phần Acecook Việt Nam. Còn lại sản phẩm mì hải sản của Trung Quốc. Lý do là 3 sản phẩm này có mức Ethylene Oxide vượt quá quy định.

Sự thật về chất Ethylene Oxide trong gói mì tôm? - Ảnh 1.

Mì Hảo Hảo tôm chua cay và miến Good là 2 trong số 3 sản phẩm bị cảnh báo thu hồi trên trang web của Cục An toàn Thực phẩm Ireland

Theo cơ quan An toàn Thực phẩm Ireland, mặc dù Ethylene Oxide không gây nguy hiểm cấp tính cho sức khỏe, nhưng nguy cơ gây hại sẽ gia tăng nếu thường xuyên tiêu thụ trong thời gian dài.

Ngay khi có thông tin, Bộ công thương đã đề nghị Công ty cổ phần Acecook Việt Nam khẩn trương báo cáo về quy trình sản xuất; sự khác biệt giữa lô sản phẩm tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đối với 2 sản phẩm mì Hảo Hảo và miến Good, đồng thời rà soát toàn bộ danh mục sản phẩm do Công ty này phân phối trong nước.

Văn phòng Chính phủ cũng đã vừa yêu cầu Bộ Công thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ về 2 sản phẩm này trước ngày 7/9.

“Ngày 20/8 là cảnh báo và thông tin cho các công ty bán mì và người tiêu dùng. Họ chỉ để ở mức độ là để cho doanh nghiệp tự giác chứ chưa có bước tiếp theo. Tôi cũng thấy họ không công bố tế doanh nghiệp. Phía Ireland nói là một số gọi là mẻ có chất này. Họ cũng không đưa ra kết luận là tất cả các sản phẩm mì Hảo Hảo và miến Good đều có chất này”, ông Nguyễn Cảnh Cường - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Anh cho biết.

Ethylene Oxide là chất gì?

Trong những ngày qua, Ethylene Oxide được nói đến rất nhiều. Theo bác sĩ Trần Văn Phúc - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn Hà Nội, đây là một hợp chất hữu cơ có mùi thơm. Hợp chất này có cấu trúc phân tử C2H4O - có tính chất khử khuẩn ở phổ rộng. Vì lý do như thế mà trên thế giới người ta cho phép sử dụng chất này vào trong những mục tiêu để khử khuẩn.

"Khi dùng trong một thời gian quá dài, hàm lượng đưa vào trong cơ thể quá nhiều, nhiều đến một ngưỡng nhất định thì lúc đó có thể gây ra những biến chứng ung thư. Đây là một trong những điều rất đáng lo ngại”, bác sỹ Phúc cho biết.

Ngay khi có thông tin, đại diện Acecook có lên tiếng khẳng định không sử dụng Ethylene Oxide trong bất cứ quy trình nào để sản xuất các sản phẩm mì ăn liền.

Sự thật về chất Ethylene Oxide trong gói mì tôm? - Ảnh 2.

Đại diện Acecook khẳng định không sử dụng Ethylene Oxide trong bất cứ quy trình nào để sản xuất các sản phẩm mì ăn liền

Vậy giải thích này có hợp lý không? Nếu nó không có trong quy trình sản xuất thì mì ăn liền có thể nhiễm Ethylene Oxide từ đâu?

Trả lời những câu hỏi này, bác sĩ Trần Văn Phúc cho biết ông hoàn toàn đồng ý với quan điểm của Acecook khi giải thích rằng trong quá trình sản xuất không sử dụng chất Ethylene Oxide vào trong tất cả các công đoạn.

"Bởi thực tế chúng ta biết rằng, đối với mì ăn liền thì quy trình có một bước rất quan trọng đó chính là bước chiên để làm khô các sợi mì. Khi chiên bằng dầu, nhiệt độ sẽ tăng lên rất cao, có thể lên tới hàng nghìn độ.

Với nhiệt độ hàng nghìn độ, tất cả các vi sinh vật như vi khuẩn, virus, nấm… đều bị tiêu diệt bởi nhiệt độ cao. Vì lý do như vậy trong công đoạn sản xuất mì ăn liền, người ta không bao giờ sử dụng chất Ethylene Oxide vào quy trình khử khuẩn. Do vậy chúng ta hoàn toàn có thể yên tâm.

Tuy nhiên tại sao trong mì ăn liền của Việt Nam, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan… đã xuất hiện hàm lượng ethylene oxide ở bên trong thì cái lý do ở đây có thể từ đầu vào của sản phẩm có thể có chất này, ví dụ như trong gói rau, trong dầu, trong bột canh…", ông Phúc nhận định.

Mỗi quốc gia quy định hàm lượng Ethylene Oxide khác nhau

Từ đầu năm đến nay, Cục An toàn thực phẩm Ireland 56 cảnh báo thu hồi thực phẩm và đồ uống trên toàn lãnh thổ Ireland. Trong đó, chỉ có 1 cảnh báo vào ngày 20/8 đối với 2 sản phẩm của Việt Nam. Không chỉ Ireland thường xuyên phát đi cảnh báo về chất lượng các sản phẩm nước ngoài. Chẳng hạn ở Anh, từ đầu năm đến nay đã có 58 cảnh báo thu hồi sản phẩm.

Cần phải nói rõ rằng mỗi quốc gia quy định hàm lượng Ethylene Oxide khác nhau. Chẳng hạn hầu hết các quốc gia tại Châu Á như: Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc… trong đó có cả Việt Nam chưa đưa ra quy định về hàm lượng Ethylene Oxide trong thực phẩm. Với Châu Âu thì chỉ cho phép từ 0,02 - 0,1 mg/kg; Canada cho phép hàm lượng ở mức 500 mg/kg; Hoa Kỳ cho phép hàm lượng ở mức 7 mg/kg

Vì sao cùng một hoạt chất, tại sao lại có quy chuẩn chênh lệch cao như vậy ở mỗi khu vực, mỗi quốc gia?

“Tôi lấy ví dụ như là với Mỹ và Canada, họ quan niệm đôi khi nguy cơ gây nhiễm trùng sẽ ảnh hưởng tới sức khoẻ và gây đe doạ tới tính mạng con người sẽ nguy hiểm hơn so với nguy cơ mà nó gây ung thư. Chính vì như vậy mà Mỹ, Canada đã cho phép sử dụng chất Ethylene Oxide vào trong những các quy trình để khử khuẩn trong một số sản phẩm thực phẩm.

Còn với châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, với đặc điểm khí hậu nhiệt đới gió mùa, khả năng nhiễm khuẩn trong thực phẩm rất nhiều vì như thế mà châu Á sẽ không đưa chất EO vào trong danh mục chất cấm, cũng không đưa ra một ngưỡng quy định nhất định, chấp nhận một con số để mà đảm bảo vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm”, bác sĩ Trần Văn Phúc thông tin.

Theo bác sĩ này, với hàm lượng hàm lượng Ethylene Oxide là 0,066 mg/kg thì ở ngay khối Châu Âu, ví dụ như ở Đức sản phẩm mì không bị thu hồi. Nếu đem sang Canada vẫn được chấp nhận bởi chưa vượt ngưỡng. Mỗi một quốc gia có một quy định khác nhau.

Sự thật về chất Ethylene Oxide trong gói mì tôm? - Ảnh 3.

Có hay không tiếp tục ăn mì tôm đang là câu hỏi được nhiều người quan tâm (Ảnh minh hoạ - Ảnh: iStock)

Có nên ăn mì tôm nữa không?

Trả lời câu hỏi này, bác sỹ Trần Văn Phúc nhấn mạnh đến thời điểm hiện tại chúng ta có thể yên tâm để ăn các sản phẩm mì tôm.

Bac sĩ Phúc giả sử nếu sản phẩm ở Ireland đang bị thu hồi của Việt Nam với hàm lượng 0,066 mg/kg thì một người muốn bị ung thư thì phải ăn tối thiểu một một ngày 2 ngày/gói mì tôm và ăn hết cả cuộc đời với điều kiện phải ăn sống thì mới tích luỹ đủ lượng hoá chất để gây ra ung thư với xác xuất xảy ra là 1/100.000 người.

Tuy nhiên thay vì ăn sống (ăn toàn bộ lượng Ethylene Oxide vào người), mà người dùng ăn chín (cho nước sôi vào) thì lượng EO sẽ bay hơi đi 90%, chỉ còn 10% ở lại. Để ung thư thì chúng ta phải ăn mỗi một ngày 5 gói trong cả cuộc đời thì mới xuất hiện rằng 1 triệu người bị ung thư mới có 10 người bị ung thư do ăn mì tôm.

“Chúng ta yên tâm để ăn các sản phẩm mì tôm nhưng không phải vì thế mà chúng ta chủ quan. Tôi cũng kiến nghị, cơ quan chứng năng sẽ phải nghiên cứu, tham khảo để đưa ra một cái ngưỡng đảm bảo an toàn sức khoẻ cho người tiêu dùng”, ông Phúc nhấn mạnh.

Theo thống kê của Hiệp hội Mì ăn liền Thế giới, lượng tiêu thụ mì ăn liền của Việt Nam đứng thứ 3 thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Indonesia, và trong đại dịch mức tiêu thụ còn tăng hơn tới 70%.

Như các phân tích ở trên, có thể thấy về cơ bản mì ăn liền được sản xuất hiện nay vẫn đảm bảo an toàn. Vì vậy, người dân cần bình tĩnh, không nên có tâm lý hoang mang không cần thiết trước khi có những kết luận của cơ quan chức năng.

Mặt khác, hiện nay, phở ăn liền và mì ăn liền của Việt Nam đang xuất khẩu tới hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Việc nghiên cứu để đưa ra các giới hạn chất tồn dư trong thực phẩm với Ethylene Oxide cũng là việc cần tính đến, không chỉ hướng tới chất lượng cuộc sống cao hơn cho người dân, mà còn nâng cao dần vị thế của doanh nghiệp Việt trên thị trường quốc tế.