Bất động sản là đầu tàu

Đánh giá về thị trường bất động sản (BĐS) 10 năm qua (2010-2020), ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng, 10 năm qua thị trường BĐS đã vượt khó thành công. Năm 2010, những người lạc quan nhất cũng không hy vọng sẽ có thành quả như hiện nay. Những năm 2009, 2010 hầu như không có giao dịch, BĐS rơi vào tình trạng khủng hoảng thừa, rất nhiều dự án, chung cư không có người mua. Sau rất nhiều nỗ lực, đến năm 2013, Chính phủ đã có Nghị quyết 02, tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS.

Với hành lang pháp lý này, trong 10 năm qua, thị trường BĐS đã có những bước phát triển rất mạnh mẽ. Mỗi năm Việt Nam phát triển 60 triệu m2 nhà, bình quân tăng 6,5 m2 trên đầu người trong một năm. Một trong những điểm sáng nhất của thị trường BĐS trong 10 năm qua là phân khúc BĐS du lịch nghỉ dưỡng. Hiện có khoảng 230 dự án BĐS nghỉ dưỡng đã và đang triển khai. Khoảng 80 ngàn căn hộ condotel, 19 ngàn biệt thự du lịch và 14 ngàn shophouse… Tính tổng thị trường này trị giá khoảng 250.000 tỷ VND. Nhiều vùng đất kém phát triển trước đây cũng trỗi dậy mạnh mẽ nhờ BĐS nghỉ dưỡng.

Doanh nghiệp BĐS cần một hành lang pháp lý phù hợp để phát triển bền vững

Khi nền kinh tế gặp khó khăn, người ta thường hy vọng thị trường BĐS là “đầu kéo” để vượt khó. Hàng năm tổng thu liên quan đến BĐS chiếm khoảng 10% GDP của nền kinh tế. Có thể khẳng định, thị trường BĐS là một ngành kinh tế quan trọng trong nền kinh tế, ông Nguyễn Mạnh Hà khẳng định.

Ông Nguyễn Cảnh Hồng, Tổng Giám đốc Eurowindow cho biết, thị trường BĐS có hai giai đoạn chính. Những năm 2010-2013 là giai đoạn về đáy của BĐS, do là thị trường còn mới và ảnh hưởng của khủng hoảng.

Giai đoạn 2014-2020, nhiều chính sách phù hợp đã được đưa ra và thị trường có sự phục hồi. Đây là giai đoạn khởi sắc của ngành BĐS với những công ty chuyên nghiệp từ việc thiết kế, xây dựng sản phẩm đến khâu tổ chức bán hàng. Trong suốt giai đoạn 2, thị trường BĐS đã có sự thay đổi mạnh mẽ, đưa những vùng đất từ hoang sơ thành các sản phẩm BĐS chất lượng. Đây là sự thay đổi rất lớn với sự quan tâm đặc biệt Nhà nước và các nhà đầu tư.

Cùng quan điểm trên, ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Tập đoàn FLC cho rằng, 10 năm thăng trầm của thị trường BĐS có thể khái quát chung thành 2 giai đoạn nổi bật như vậy.

Năm 2011, 2012, FLC thậm chí phải đối mặt với tình trạng người mua nhà không trả tiền để nhận nhà trong bối cảnh giá BĐS đi xuống, các doanh nghiệp BĐS lớn nhỏ đều đắp chiếu. Đến năm 2014, BĐS bắt đầu khởi sắc. 6 năm gần đây, BĐS phát triển mạnh mẽ. Nếu như trước đây, tòa FLC tại Mỹ Đình là một trong những tòa nhà cao tầng hiếm hoi thì bây giờ, đứng từ tháp đôi của FLC tại Cầu Giấy nhìn ra toàn cảnh khu vực Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm-Trung Hoà, có hàng nghìn tòa nhà, xây san sát, bình quân trên dưới 30 tầng, ông Trịnh Văn Quyết cho hay.

Vướng mắc pháp lý

Trước đây, các chủ đầu tư BĐS thường quan tâm đến vị trí dự án. Tuy nhiên, hiện quan điểm của nhiều chủ đầu tư BĐS đã thay đổi. Theo ông Trịnh Văn Quyết, thay vì vị trí đẹp, FLC lại quan tâm đến các vùng chưa được khai phá. Mỗi người có một cách làm, FLC không quan tâm đến vị trí mà nhìn về tương lai, triển vọng của thị trường.

2 năm trở lại đây, Tập đoàn lại đặc biệt quan tâm đến vấn đề pháp lý, vốn đóng vai trò vô cùng quan trọng. Các sự cố liên quan đến BĐS hầu như đều có vấn đề pháp lý.

Luật pháp thường đi chậm hơn sự phát triển của thị trường. Với cơ chế như bây giờ, khi không cho phép vừa xây vừa xin giấy phép, phải mất ít nhất 3 năm mới hoàn thành đầy đủ thủ tục pháp lý để thi công. Có hiện tượng doanh nghiệp nghĩ đến pháp lý là sợ. Nhiều doanh nghiệp không dám đầu tư, đất vàng cho không cũng không nhận, vì ngại rằng làm xong không bán được, ông Trịnh Văn Quyết chia sẻ.

Từ góc nhìn của một nhà tư vấn, kiểm toán, bà Hà Thu Thanh - Chủ tịch Deloitte Việt Nam cho biết, 10 năm qua cũng đã chứng kiến nỗ lực và quá trình vượt khó của thị trường BĐS. Năm 2013 Luật Đất đai ra đời, được coi là luật nền, sau đó 2014 có 4-5 luật khác như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư và Luật Đầu tư công. Tuy nhiên, đã xuất hiện những “lệch pha” và chồng chéo giữa các luật, có lực đỡ nhưng cũng tạo ra lực cản không nhỏ.

Luật Quy hoạch, Luật Quản lý tài sản công năm 2017 đã tương tác và hỗ trợ cho Luật Kinh doanh BĐS, tuy nhiên sự lệch pha đã gây nên lực cản nhất định. Dù khung pháp lý đã được hoàn thiện khá tốt nhưng vẫn còn nhiều điểm bất cập liên quan đến vấn đề tài chính như về thuế chẳng hạn.

Ông Nguyễn Tuấn Hải - Chủ tịch Tập đoàn Alphanam cho rằng, các bộ, ngành cần cùng nhau tập trung giải quyết những vướng mắc liên quan. Đặc biệt,  những vấn đề chưa có luật nhưng lại đúng với thực tế thì nên có một tổ chức liên bộ để đề xuất làm thí điểm.

Theo bà Hà Thu Thanh, cần “làm bằng” sự vênh nhau giữa luật chuyên ngành và luật cơ bản, giải quyết các vấn đề thủ tục đầu tư. Khung pháp lý đã hoàn thiện nhưng cần đồng bộ, đồng nhất giữa các địa phương. Trong giai đoạn này, thị trường nên chạy chậm lại một chút và giành thời gian để tăng cường cơ sở pháp lý.