Chờ đợi tín hiệu trong và ngoài nước
Các chuyên gia dự báo kinh tế Việt Nam tiếp tục đối diện với một số thách thức trong năm 2025 do những thay đổi của bối cảnh kinh tế quốc tế, qua đó tác động tới cơ hội của nhà đầu tư trên TTCK Việt Nam cùng năm.
Tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng là yếu tố tác động tiêu cực lên thị trường chứng khoán, thúc đẩy các nhà đầu tư nước ngoài liên tiếp bán ròng trở lại. Ảnh: LÊ VŨ |
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế dự báo, lãi suất tại thị trường Mỹ sẽ tăng, dẫn đến sự xoay trục chính sách tiền tệ của Fed. Nguyên nhân của sự xoay chuyển này là rủi ro lạm phát gia tăng.
Ngoài ra, tỷ giá đã tăng 4,5% trong giai đoạn từ đầu năm tới nay. Tỷ lệ có thể tăng lên 5% trong cả năm, rồi tiếp tục biến động theo chiều hướng đi lên và phụ thuộc nhiều vào chính sách tiền tệ của Mỹ, theo ông Hiếu.
Bên cạnh đó, chính sách nhập cư mới sẽ khiến thị trường của Mỹ hiếu hụt lao động. Còn chính sách giảm thuế cho người giàu sẽ gia tăng tình trạng thiếu hụt ngân sách.
“Điều này dẫn tới khả năng Chính phủ Mỹ phải phát hành trái phiếu với lãi suất cao để cân đối ngân sách. Vì vậy, lãi suất tại thị trường Mỹ sẽ tăng, dẫn đến sự xoay trục chính sách tiền tệ của Fed”, ông Hiếu nói tại một hội thảo về cơ hội đầu tư năm 2025.
Đưa ra quan điểm mềm mỏng hơn, ông Trịnh Hà, chuyên gia chiến lược của Exness Investment Bank cho rằng, chỉ số DXY trong khoảng 106–107 điểm phản ánh tâm lý kỳ vọng của nhà đầu tư và đã có phần bị đẩy lên quá cao. Nhưng điểm tích cực là Fed tiếp tục giảm lãi suất năm 2025.
Ngoài ra, biện pháp nới lỏng khai thác dầu, khí dưới thời ông Trump có thể tác động đến giá hai sản phẩm, qua đó giảm phần nào áp lực lạm phát.
“Tốc độ giảm lãi suất có thể giảm đi so với các dự báo trước đây ,với lãi suất cân bằng dài hạn (neutral interest rate) có thể nằm trên khoảng 3-3,5%. Nhưng nếu loại trừ được yếu tố mùa vụ cuối năm và lạm phát hạ nhiệt, áp lực tỷ giá sẽ được giải toả phần nào”, ông Hà lưu ý.
Bên cạnh những dự báo thiếu tích cực, các chuyên gia cho biết thị trường vẫn xuất hiện những cơ hội đầu tư sinh lời từ những yếu tố nội tại. Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc chiến lược thị trường của Công ty chứng khoán VPBankS đánh giá, chỉ số VnIndex đã đi qua vùng đáy, xây vững nền tảng trong khoảng 1.200-1.300 điểm, dù áp lực tỷ giá tăng và khối ngoại bán ròng liên tiếp trong năm 2024. Do đó, thị trường đang bước vào giai đoạn tích luỹ và chờ đợi thời điểm bứt phá nhờ các động lực, gồm: tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết; định giá thấp; dòng vốn đầu tư đón ‘sóng’ nâng hạng thị trường.
Theo ông Sơn, tổng doanh thu và lợi nhuận toàn thị trường 9 tháng đầu năm 2024 tăng lần lượt 10% và 21% so với cùng giai đoạn năm 2023 2023. Trong đó, điểm sáng là mức tăng trưởng lợi nhuận cao của nhóm phi tài chính, thể hiện bối cảnh kinh doanh đã có sự thay đổi đáng kể, cùng với đà phục hồi của nền kinh tế.
“Bức tranh lợi nhuận của năm 2025 vẫn tiếp tục được dự bảo khả quan. Với tốc độ tăng trưởng lợi nhuận có thể trong khoảng 25-30%, xu hướng phục hồi của kinh tế sẽ là động lực giúp các nhóm ngành tăng trưởng”, ông Sơn nói tại hội thảo VPBankS Talk 4 chiều 16-12.
Ngoài lợi nhuận, định giá theo P/E forward và P/B của chỉ số VnIndex hiện đang ở mức thấp so với bình quân 10 năm, cũng là động lực thu hút dòng tiền vào thị trường. Cụ thể hơn, định giá thị trường vẫn đang ở mức hấp dẫp hơn đáng kể so với khu vực MSCI Emerging và một số quốc gia trong khu vực. Còn chỉ số ROE của Việt Nam cũng nằm trong các nước có ROE cao, đồng thời P/E cũng ở mức hấp dẫn.
“P/E hiện tại của VnIndex ở mức 14,9 lần, thấp hơn trung vị 10 năm gần đây là mức 16,6 lần. Việt Nam đang ở mức hấp dẫn cho một chu kỳ tăng trưởng mới. Với dự báo lợi nhuận tiếp tục hồi phục, mức định giá hợp lý vẫn là cơ sở để thu hút dòng tiền tham gia trở lại thị trường chứng khoán”, ông Sơn kỳ vọng.
Bên cạnh hai yếu tố trên, triển vọng nâng hạng TTCK Việt Nam cũng là điểm sáng của năm 2025. Theo đó, dòng tiền sẽ tăng cao trở lại vào nửa cuối 2025 - thời điểm thị trường gần được nâng hạng, kích hoạt dòng tiền giải ngân từ khối nội và ngoại.
Với các yếu tố này, thanh khoản thị trường năm 2025 dự kiến là hơn 23.000 tỉ đồng/phiên, VnIndex được dự báo dao động quanh 1.341 điểm, lạc quan có thể đạt 1.419 điểm.
“Trong giai đoạn cuối 2024 - đầu 2025, thị trường dự kiến tiếp tục đi ngang do thanh khoản còn thấp, khối ngoại bán ròng. Vùng trũng có thể là tháng 4, 5 và 6, tạo điều kiện cho nhà đầu tư giải ngân”, ông Sơn lưu ý.
Lựa chọn cổ phiếu sinh lời theo câu chuyện ngành
Chia sẻ về cơ hội đầu tư trong năm mới, ông Barry Weisblatt David, Giám đốc khối phân tích, Công ty chứng khoán VNDirect cho biết, việc Quốc hội đặt mục tiêu tăng trưởng 8% năm 2025, trong khi khu vực tiêu dùng - đóng góp 60% vào GDP - chưa phục hồi như kỳ vọng, sẽ ảnh hưởng tới cơ hội đầu tư tại nhiều nhóm cổ phiếu ngành. Nhưng nếu kết quả giải ngân vốn đầu tư công đạt 100% kế hoạch, cổ phiếu doanh nghiệp liên quan đến đầu tư công như HHV của Đèo Cả, hay ACV, sẽ được hưởng lợi.
Cơ chế CCP được kỳ vọng sẽ giúp thị trường chứng khoán Việt Nam giải quyết triệt để vấn đề pre-funding, nâng hạng thị trường. Ảnh minh hoạ: Dũng Minh. |
Với nhóm cổ phiếu ngân hàng - chiếm hơn 40% vốn hóa toàn thị trường, ông Nguyễn Tú Anh, Giám đốc trung tâm phân tích và dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương cho biết, tách bạch nhóm 5 ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt, thì tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn ngành khoảng 1,96%. Nếu cộng thêm nợ VAMC và nợ tiềm ẩn rủi ro (theo cách tính của NHNN – PV), thì tỷ lệ nợ xấu khoảng 3,28%.
“Ở mức nợ xấu như vậy và tốc độ tăng trưởng tín dụng nhanh, các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu khá thấp, thì chất lượng tín dụng khá tốt và là cơ sở tăng trưởng tín dụng cho 2025”, ông Tú Anh dự báo
Bên cạnh đó, ông Tú Anh cho rằng nhóm ngân hàng bán lẻ sẽ có nợ xấu cao hơn bình thường, nhưng theo tỷ lệ hiện tại, chất lượng tín dụng vẫn đảm bảo khá tốt.
“Nhà đầu tư có thể e ngại về tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) trong bối cảnh nhu cầu huy động vốn tăng, dẫn đến chi phí huy động tăng. Nhưng nhiều ngân hàng đã đẩy mạnh số hóa, giúp tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) duy trì ở mức tốt, NIM sẽ cải thiện, ví dụ VPBank. Hơn nữa, với quy mô tăng trưởng kinh tế theo mục tiêu đến 2030, các ngân hàng sẽ ‘gánh’ một nhiệm vụ cung ứng vốn lớn hơn. Nhà đầu tư khôn ngoan đi trước có thể đón đầu thời điểm này", ông Tú Anh nhìn nhận.
Còn ông Barry Weisblatt David đánh giá việc Việt Nam có thể được nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia là yếu tố cần lưu tâm. Theo Fitch và S&P, chi phí đi vay có thể giảm 2% nếu xếp hạng tín nhiệm Việt Nam nâng lên mức xếp hạng đầu tư.
“Fitch và S&P đánh giá nền tảng tài khoá của Việt Nam rất mạnh. Nhưng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) tại khu vực ngân hàng chưa tuân thủ tiêu chuẩn Basel III, cùng sự vụ xảy ra tại SCB. Do đó, cải thiện hệ số CAR rất quan trọng, nhất là với nhóm ngân hàng quốc doanh”, ông Barry Weisblatt David lưu ý.
Hoặc