Thủ tướng nêu rõ, việc phải tháo gỡ ngay các vướng mắc để triển khai, đưa vào khai thác sử dụng đối với các dự án điện năng lượng tái tạo là yêu cầu khách quan, bức thiết - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Chiều 12/12, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến công bố và triển khai Nghị quyết của Chính phủ về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng cho biết đến nay đã có thể xác định hoàn thành 15/15 chỉ tiêu của năm 2024 do Quốc hội giao. Trong đó, tăng trưởng GDP đạt hơn 7%, tạo đà để thực hiện các mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 8% của năm 2025.
Thủ tướng cũng cho biết ngoài gặt hái được những điểm sáng về kinh tế, có bài học kinh nghiệm trong phát triển điện như việc triển khai thần tốc đường dây 500 kV mạch 3 nhanh nhất, chất lượng tốt và không đội vốn thì vẫn còn những dự án năng lượng tái tạo bị tạm dừng, chậm tiến độ, chậm đưa vào khai thác sử dụng.
Cụ thể, tính đến hết năm 2023, tổng công suất nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) trong hệ thống điện là 21,664 MW (chiếm 27%); sản lượng điện phát của nguồn điện (gió, mặt trời mặt đất, mặt trời mái nhà) lũy kế năm khoảng 27,317 triệu kWh (chiếm gần 13%).
Tuy nhiên, với hệ thống pháp luật chưa hoàn chỉnh, quá trình triển khai các dự án năng lượng tái tạo có những điểm mới, những vấn đề phức tạp, có tình trạng thực tiễn đi trước văn bản quy phạm pháp luật. Việc phát triển năng lượng điện mặt trời, điện gió triển khai nhanh, có tích cực nhưng cũng có khó khăn, vướng mắc, có cả sai phạm.
Các sai phạm đã được Thanh tra Chính phủ kết luận cụ thể; cần được bóc tách, xử lý trách nhiệm cụ thể đối với các cá nhân liên quan.
Thủ tướng nhấn mạnh việc chậm trễ không đưa các dự án vào khai thác sẽ gây lãng phí rất lớn đối với nguồn lực xã hội, không tận dụng được nguồn điện sẵn có để bù đắp, bảo đảm cung ứng điện, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng. Thậm chí, hệ lụy là có thể gây nguy cơ đổ vỡ, mất khả năng thanh toán, không trả nợ được ngân hàng, dẫn đến phá sản, các doanh nghiệp, người dân mất tiền bạc, ảnh hưởng môi trường đầu tư kinh doanh.
Giải quyết dứt điểm trước ngày 31/1/2025
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án này sẽ là cơ sở quan trọng để tăng cường nguồn điện phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2025 và thời gian tới. Các giải pháp tháo gỡ được các bộ, ngành, cơ quan địa phương thống nhất rất cao, Chính phủ đã thông qua nên cần phải quán triệt tổ chức thực hiện ngay, khẩn trương, đồng bộ và hiệu quả.
"Thông điệp của Chính phủ cương quyết xử lý, giải quyết dứt điểm các khó khăn vướng mắc, triển khai nhanh, phát huy hiệu quả cao nhất các dự án đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, trong đó tăng trưởng GDP năm 2025 đạt ít nhất 8%", Thủ tướng phát biểu.
Về quan điểm, Chính phủ xác định giải quyết vướng mắc với tinh thần lựa chọn phương án xử lý tối ưu trên cơ sở phân tích, đánh giá, so sánh lợi ích về kinh tế-xã hội và hạn chế đến mức thấp nhất tranh chấp, khiếu kiện, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư; đảm bảo an ninh trật tự, an ninh năng lượng quốc và hài hòa lợi ích Nhà nước, nhà đầu tư, doanh nghiệp và nhân dân.
Xử lý hình sự là biện pháp cuối cùng để tạo điều kiện tháo gỡ các vướng mắc cho các dự án bằng các giải pháp kinh tế; nếu pháp luật hiện hành có thay đổi, không gây ra hậu quả, không có hành vi tham nhũng thì không xử lý hình sự.
Việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án được coi là hợp pháp khi được cấp có thẩm quyền đồng ý. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bên thứ 3 ngay tình theo quy định pháp luật.
Không làm phát sinh sai phạm mới, không để tham nhũng tiêu cực và hệ lụy xấu trong quá trình xử lý, nhất là sai lại chồng sai.
Về giải pháp, thống nhất xử lý, cho phép bổ sung quy hoạch để triển khai thực hiện trong trường hợp dự án không có nội dung vi phạm các quy định liên quan đến an ninh quốc phòng, quy hoạch các công trình, dự án trọng điểm quốc gia.
Đối với các dự án có sai phạm về quy trình, thủ tục liên quan đến đất đai, xây dựng công trình thì cho phép hoàn thiện theo quy định của pháp luật.
Đối với các dự án vi phạm các quy hoạch về khoáng sản, thủy lợi, quốc phòng… thì thực hiện đánh giá hiệu quả kinh tế-xã hội giữa việc thực hiện quy hoạch và thực hiện dự án để điều chỉnh quy hoạch bị chồng lấn cho phù hợp hoặc tích hợp và thực hiện đồng thời cả dự án điện năng lượng tái tạo và quy hoạch liên quan.
Đối với các dự án đang được hưởng giá FIT có vi phạm theo Kết luận của cơ quan có thẩm quyền do lỗi của doanh nghiệp và không đáp ứng đầy đủ các điều kiện được hưởng giá FIT thì không được hưởng giá FIT ưu đãi mà phải xác định lại giá mua bán điện theo quy định; thu hồi lại các khoản giá FIT ưu đãi đã được hưởng không đúng thông qua bù trừ thanh toán tiền mua điện.
Thủ tướng nêu rõ, thẩm quyền của cấp nào thì cấp đó phải giải quyết một cách công khai, minh bạch theo giải pháp Chính phủ đã đưa ra; cố gắng giải quyết dứt điểm trước ngày 31/1/2025.
Về tổ chức thực hiện Nghị quyết, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương phải quán triệt sâu sắc tinh thần trách nhiệm, tháo gỡ khó khăn, xử lý ngay các vướng mắc theo thẩm quyền cho các dự án trên nguyên tắc vướng mắc ở cấp nào thì cấp đấy phải xử lý giải quyết, không được đùn đẩy lên cấp trên hoặc xử lý vòng vo.
Đối với các dự án đã bị khởi tố, chỉ thực hiện việc xử lý, khắc phục các vi phạm sau khi đã có bản án có hiệu lực theo quy định của pháp luật. Xử lý các vướng mắc phải công khai, minh bạch; nghiêm cấm việc xử lý vướng mắc để tham nhũng, lợi ích nhóm.
"Việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc với các dự án điện năng lượng tái tạo phải công khai, minh bạch, không gây khó khăn, phiền hà, sách nhiễu. Chính phủ ra chủ trương tháo gỡ, các địa phương phải cùng với các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, không ai phải chạy chọt gì cả. Đặc biệt nghiêm cấm việc chạy chọt, tiêu cực, tham nhũng rồi lại phải đi xử lý, mất người, mất của, mất thời gian, mất niềm tin, mất cơ hội. Nếu ai chạy chọt thì các cơ quan chức năng sẽ xử lý nghiêm", Thủ tướng nhấn mạnh.
Hoặc