Cổ đông lớn tại Gemadept và VNDirect

Vietnam Investments Fund I (VI Fund I) và Vietnam Investments Partners vừa công bố giao dịch bán hơn 830.000 cổ phiếu CTCP Chứng khoán VNDirect (VND), qua đó không còn là cổ đông lớn.

Đây là hai đơn vị có liên quan, cùng thuộc Vietnam Investments Group (VIGroup) một công ty quản lý quỹ có lịch sử gần 15 năm hình thành tại Việt Nam.

Thực tế, VIGroup nằm trong số các nhà đầu tư tổ chức lâu năm của VNDirect, giao dịch lớn đầu tiên ghi nhận việc mua vào 5 triệu cổ phiếu từ giữa năm 2011. Hiện tại, số lượng đang nắm giữ đạt gần 10 triệu đơn vị.

Danh mục đầu tư của VIGroup gồm những công ty tên tuổi tại thị trường Việt Nam

VIGroup nổi tiếng nhất trên sàn chứng khoán với thương vụ đầu tư vào CTCP Gemadept, một trong những công ty kinh doanh dịch vụ logistics, khai thác cảng dẫn đầu Việt Nam.

Hồi cuối tháng 7, VI Fund II đăng ký mua hơn 16,5 triệu cổ phiếu Gemadept, tuy vậy giao dịch này không được thực hiện do giá mua không phù hợp nhu cầu. Quỹ đầu tư đang nắm giữ gần 43 triệu GMD, tương đương 14,44% vốn điều lệ.

Những động thái trái ngược của VI Fund II khiến giới đầu tư cảm thấy bất ngờ. Bởi từ giữa năm 2019, chính quỹ này đăng ký bán hết toàn bộ lượng cổ phiếu GMD sở hữu, bất chấp việc cổ phiếu này ở vùng giá thấp nhất trong vòng 4 năm. Nhưng thực tế, VI Fund II đã không thể bán được bất kỳ đơn vị nào.

VI Fund II hiện có tư cách là cổ đông lớn nhất tại Gemadept, bên cạnh đó có hai ghế trong HĐQT là ông Phan Thanh Lộc (Phó Chủ tịch) và ông David Do (thành viên). Cả ông Lộc và ông David đều là các giám đốc tại quỹ đầu tư VI Fund II.

Quỹ đầu tư ông chủ người Việt quản lý khối tài sản nửa tỷ USD

VIGroup định hướng đầu tư vào các ngành tăng trưởng ở Việt Nam. Công ty này cho biết đang quản lý ba quỹ đầu tư với tổng số vốn gốc 500 triệu USD.

VIGroup thường tìm kiếm các cơ hội cho phép giữ cổ phần thiểu số có quyền kiểm soát dưới góc độ cổ đông lớn. Một số trường hợp trong những ngành kinh doanh mà VIGroup có kinh nghiệm và hiểu biết sâu sắc, hoặc có đối tác cùng đầu tư phù hợp, tổ chức này sẵn sàng mua chi phối.

Ông Phan Thanh Lộc phát biểu tại một buổi hội thảo trong lần hiếm hoi xuất hiện với giới đầu tư

Hình thức đầu tư của VIGroup linh động, dưới nhiều dạng khác nhau như: mua cổ phần trực tiếp, mua cổ phần đảm bảo lợi nhuận, hay mua nợ/trái phiếu có thể chuyển đổi thành cổ phiếu. Một khoản đầu tư của VIGroup được cho biết kéo dài từ 5 tới 6 năm.

Các tiêu chí để trở thành mục tiêu rót vốn của tổ chức này bao gồm: (i) có năng lực cạnh tranh, (ii) có vị thế trong ngành, (iii) có ban quản trị xuất sắc.

Danh mục đã thoái vốn của VIGroup xuất hiện nhiều cái tên nổi tiếng trên sàn chứng khoán, bao gồm Petrolimex, Nhựa Tiền Phong, Nam Long, Vinafco, giấy Sài Gòn. Đáng chú ý, danh sách này cũng có Momo, ví điện tử chịu chi nhất tại thị trường Việt Nam.

Danh mục đầu tư hiện tại cũng rất ấn tượng với hàng chục khoản đầu tư trải dài trong 6 lĩnh vực: công nghệ (Seedcom, Teko); dịch vụ tài chính (VNDirect); sản xuất thời trang (BOO, JUNO, HNOSS); vận tải & logistics (Gemadept, Eton); giáo dục (Wellsping, Sylvan Learning Vietnam); tiêu dùng (Thiên Minh Group, Galaxy, TocoToco, Food Center, QSR Vietnam…). Đây đều là những doanh nghiệp đang có vị thế nhất định trong lĩnh vực kinh doanh của mình.

Không nhiều thông tin về VIGroup được công khai trên thị trường, chỉ biết rằng công ty này cùng các quỹ đầu tư và đơn vị liên quan như VI Fund I, II, III, hay VI Partners LLC… đều được đăng ký kinh doanh tại thiên đường thuế Cayman Islands.

Cho dù vậy, yếu tố nội tại của VIGroup thuần Việt khi toàn bộ đội ngũ đầu tư đều là người Việt Nam có kinh nghiệm làm việc mạnh mẽ và quan hệ rộng cả trong nước và quốc tế.

Một trong những người sáng lập ra VIGroup, ông Phan Thanh Lộc, từng là Giám đốc của UTC F&S (Úc), phụ trách bộ phận Quản lý chuỗi cung ứng và tiếp vận chiến lược của khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Ông Lộc giám sát quy trình thu mua nguyên liệu cho công ty với ngân sách hàng năm lên đến 400 triệu USD và chuỗi cung ứng quốc tế với hơn 40 kho hàng trên toàn khu vực.

Ông David Do (bìa phải) phát biểu tại buổi tọa đàm do báo Doanh nhân Sài Gòn tổ chức với chủ đề M&A

Ngoài ra, ông Lộc cũng có hơn 20 năm kinh nghiệm trong quản lý chuỗi cung ứng tại Việt Nam và nước ngoài; tư vấn cao cấp trong các lĩnh vực viễn thông, công cộng, thép, dầu khí, hàng tiêu dùng, các sản phẩm giấy và dịch vụ tài chính.

Ông Lộc có bằng Thạc sĩ về quản trị kinh doanh tại Đại học Havard (Mỹ) và bằng Kỹ sư Cơ khí tại Học Viện Hóa dầu Baku (Azerbaijan, thuộc Cộng hòa Liên Bang Xô Viết cũ).

Hay cái tên cốt cán khác tại VIGroup, ông Đỗ Huy Dũng (David Do) từng là Trưởng ban chiến lược, mua bán & sáp nhập, đầu tư & liên doanh cho bộ phận trực tuyến tại Microsoft.

Ông David có kinh nghiệm điều hành các công ty toàn cầu chuyên về bán lẻ, viễn thông, truyền thông, thanh toán và tiếp thị, đối với các hoạt động kinh doanh dịch vụ của Microsoft, cũng như giữ chức vụ thành viên HĐQT của MSNBC, CNBC, ninemsn (Úc) và nhiều công ty khác ở Trung Quốc, Úc, Mexico và Trung Đông.

Trước khi gia nhập Microsoft, ông David là một thành viên sáng lập của EachNet, công ty Trung Quốc về thương mại điện tử sau này được tập đoàn eBay mua lại vào năm 2003.

Trong khoảng thời gian làm việc tại Boston Consulting Group (Công ty tư vấn chiến lược toàn cầu), David đã tư vấn cho các khách hàng trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, xi măng, dầu khí, cơ sở hạ tầng và truyền thông ở khu vực Châu Á.

Ông David cũng từng có thời gian làm việc với tư cách là chuyên viên phân tích tài chính doanh nghiệp tại JP Morgan. Ông có bằng Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh tại Đại học Harvard (Mỹ) và cũng có bằng Cử nhân về Quản lý Hệ thống thông tin và Kế toán của Đại học New South Wales (Úc).

Quay trở lại với VIGroup, đầu năm 2018, công ty này thu hút được 20 triệu USD tiền đầu tư từ Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) vào quỹ VI Fund III. Quy mô huy động của quỹ này lên tới 250 triệu USD đầu tư vào vốn cổ phần tư nhân chủ yếu tại Việt Nam và các nước khu vực Đông Nam Á như Campuchia, Lào, Myanmar… Doanh nghiệp mục tiêu được VI Fund III rót vốn thuộc nhóm vừa và nhỏ.

Việc huy động được nguồn vốn từ một ngân hàng quốc tế cho thấy phần nào sự uy tín của tổ chức này.