Trong hơn 1.000 doanh nghiệp niêm yết trên ba sàn, có 30 công ty có vốn hóa trên 1 tỉ USD. Hiện tổng vốn hóa của 30 công ty hàng đầu này tương đương 118 tỷ USD, chiếm khoảng 68% vốn hóa tính theo thị trường ngày 19.8. Kết quả ghi nhận trên báo cáo tài chính các công ty này cho thấy, phần lớn báo doanh thu và lợi nhuận giảm mạnh so với cùng kỳ, thậm chí lỗ lớn.

Số liệu thống kê cho thấy, tổng doanh thu của các công ty tạo ra hơn 547.500 tỉ đồng với tổng lợi nhuận 75.592 tỉ đồng. Đại dịch Covid-19 tác động đến hầu hết các nhóm ngành với các đại diện nằm trong nhóm công ty tỷ đô này từ hàng không, bán lẻ, bất động sản tới ngân hàng, hàng tiêu dùng, dầu khí…

Kết quả cũng cho thấy chỉ có 10/30 báo doanh thu cao hơn so với cùng kỳ và có 11/30 công ty báo lợi nhuận tăng. Trong các công ty bị sụt giảm mạnh doanh thu và lợi nhuận thì hai khoản lỗ lớn của hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines lỗ 6.640 tỷ đồng và Petrolimex lỗ 1.080 tỷ đồng.

Vietnam Airline lỗ khủng với mức lỗ lên đến 6.640 tỷ đồng dẫn đầu trong nhóm công ty có vốn hóa trên tỷ USD

Dưới tác động đại dịch Covid-19, doanh thu của Vietnam Airlines giảm hơn một 50% so với cùng kỳ trong khi tập đoàn bán lẻ xăng dầu thuộc bộ Công Thương ngoài chịu tác động bởi sức tiêu thụ trong nước giảm, còn chịu ảnh hưởng bởi biến động của giá dầu thế giới trong nửa đầu năm, khiến doanh thu giảm gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Với hãng hàng không của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, mặc dù khoản lợi nhuận hơn nghìn tỉ trong quý II đã kéo kết quả sáu tháng tăng, nhưng khoản tăng lại không đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi.

Ngay cả công ty mang tính độc quyền nhà nước trong hoạt động khai thác cảng hàng không cũng trải qua giai đoạn khó khăn. Trong quý II, ACV lần đầu tiên báo lỗ hơn 356 tỷ đồng dù lợi nhuận nửa đầu năm vẫn dương, nhưng thấp hơn nhiều cùng kỳ năm ngoái, giảm gần 68%.

Trong nhóm công ty tỉ đô trên sàn, 3 công ty của nhà Vingroup đều góp mặt, tổng vốn hóa của VIC, VHM và VRE (Vincom Retail) chiếm gần 1/4 vốn hóa của nhóm.

Công ty bất động sản Vinhomes là quán quân về lợi nhuận với 11.445 tỷ đồng, tăng nhẹ 2,7% so với cùng kỳ, trong khi doanh thu giảm hơn 14% - xấp xỉ 22.900 tỷ đồng.

Trong khi đó kết quả kinh doanh của Vincom Retail - công ty vận hành 79 trung tâm thương mại trên cả nước chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh: Doanh thu VRE giảm 22% nhưng lãi ròng giảm mạnh hơn 33% so với cùng kỳ.

Kết quả kinh doanh của các công ty con sụt giảm kéo doanh thu tập đoàn mẹ Vingroup giảm 37% và lợi nhuận chỉ tương đương 40% mức cùng kỳ năm trước.

Chiếm đại đa số trong nhóm công ty tỷ đô là các ngân hàng niêm yết. Với vốn hóa tương đương 13,4 tỷ USD, Vietcombank dẫn đầu vốn hóa toàn thị trường. Sau năm 2019 ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng, nửa đầu năm nay kết quả kinh doanh của Vietcombank chững lại. Tổng thu nhập lãi thuần của ngân hàng gần như đi ngang so với cùng kỳ - đạt 17.110 tỷ đồng tuy nhiên lãi ròng giảm 3,6% so với cùng kỳ năm trước, đạt 8.743 tỷ đồng.

7 ngân hàng khác nằm trong câu lạc bộ vốn hóa tỷ đô là BIDV, Vietinbank, Techcombank, VPBank, MBBank, HDBank và ACB chiếm số lượng áp đảo. Ngoại trừ VCB, hầu hết các ngân hàng còn lại đều tăng trưởng lợi nhuận so với cùng kỳ, trong đó Viettinbank, VPBank, HDBank thuộc nhóm tăng trưởng mạnh.

Kết quả kinh doanh của các nhà băng tỷ đô này trong nửa đầu năm khá tích cực, trở thành bệ đỡ đáng kể, mặc dù tác động của đại dịch Covid-19 sẽ còn phản ánh lên mức tăng trưởng tín dụng và rủi ro về nợ xấu tăng trong thời gian tới.

Bức tranh của nhóm công ty vốn hóa lớn này phần nào đã phản ánh toàn cục bức tranh kinh doanh của các doanh nghiệp đang giao dịch trên các sàn.

Trong một dữ liệu được đưa ra bởi công ty chứng VNDirect vào đầu tháng 8, báo cáo tài chính của 826 công ty giao dịch trên ba sàn, chiếm 94% vốn hóa toàn thị trường cho thấy tổng doanh thu trong quý II.2020 giảm 16,5% và lợi nhuận ròng giảm 14,4% so với cùng kỳ năm trước, tiếp tục quý suy giảm thứ hai trong năm.

Sự sụt giảm chính đến từ các ngành dầu khí, du lịch, bán lẻ... trước tác động của dịch bệnh. Trong khi đó khối ngân hàng trở thành trụ đỡ chính cho lợi nhuận toàn thị trường, theo VNDirect.

Ghi nhận tại thời điểm thống kê, công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đã chính thức rời khỏi câu lạc bộ vốn hóa nghìn tỷ với diễn biến cổ phiếu sụt giảm mạnh cùng kết quả kinh doanh ảm đạm. Công ty đã có quý thứ hai liên tiếp báo lỗ hơn nghìn tỉ, tổng lỗ lũy kế nửa đầu năm hơn 4.245 tỷ đồng. Trong khi năm ngoái cùng thời điểm công ty báo lãi gần 900 tỷ đồng.