Không bỏ lỡ xu hướng trên, không ít "ông lớn" địa ốc đã và đang lên kế hoạch tập trung nguồn lực vào mảng BĐS công nghiệp.

Một cái tên được nhắc đến CTCP Đầu tư Tân Thành Long An và CTCP Quản lí Khu công nghiệp Sáng Tạo Việt Nam (VNIP) tổ chức khởi công dự án KCN và đô thị Việt Phát với diện tích hơn 1.800 ha.

Ông Võ Văn Út, Phó chủ tịch UBND tỉnh Long An phát biểu tại lễ khởi công dự án Khu công nghiệp Việt Phát tại Long An

Dự án thuộc xã Tân Long, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An và là một trong những KCN có qui mô lớn nhất hiện nay. Đáng chú ý, trong tổng diện tích 1.800 ha đất dự án, chủ đầu tư dành 1.200 ha cho KCN, chỉ có 625 ha cho đô thị.

Theo thông tin chúng tôi có được, KCN Việt Phát được phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/2.000 từ năm 2013 với tổng vốn đầu tư hơn 10.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, dự án bị chậm tiến độ và đến nay mới chính thức được khởi công.

Cũng vào cuối tháng 3, CTCP Xây dựng và phát triển đô thị Hoà Phát (thành viên thuộc Tập đoàn Hòa Phát, mã: HPG) đã có văn bản gửi UBND tỉnh Hưng Yên xin chấp thuận chủ trương nghiên cứu, khảo sát, lập qui hoạch thực hiện dự án đầu tư KCN Bãi Sậy thuộc các xã: Bãi Sậy, Phù Ủng, Bắc Sơn (huyện Ân Thi).

Trước đó, tháng 2/2020, doanh nghiệp này cũng có văn bản gửi UBND tỉnh Hưng Yên về việc xin chấp thuận điều chỉnh qui mô nghiên cứu lập qui hoạch và thực hiện đầu tư dự án KCN số 6 thuộc qui hoạch KCN và Đầu tư dịch vụ Lý Thường Kiệt.

Cuối tháng 3 vừa qua, CTCP Vinhomes (Mã: VHM) công bố nhận chuyển nhượng cổ phần trong CTCP Đầu tư KCN Vinhomes (tên viết tắt VHIZ), qua đó trở thành công ty mẹ của doanh nghiệp này.

Theo đó, Công ty sẽ đảm nhiệm vai trò đầu tư vào lĩnh vực BĐS công nghiệp của Tập đoàn Vingroup, nhằm đón xu hướng tăng trưởng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Ngay sau sự kiện trên, VHIZ đã đề xuất và được tỉnh Quảng Ninh chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Tổ hợp sản xuất công nghiệp phía Nam sông Lục Lầm với qui mô 199,8 ha và tổng vốn đầu tư 3.445 tỉ đồng.

Một doanh nghiệp khác là Tổng công ty Viglacera - CTCP (Mã: VGC), cho biết, sẽ tham gia đấu thầu làm chủ đầu tư, triển khai các bước chuẩn bị đầu tư cho các KCN mới như KCN như Thuận Thành – Bắc Ninh (250 ha), Huế (khoảng 1.000 ha), Đồng Văn 4 mở rộng – Hà Nam (300 ha), Phú Thọ (500 ha)...

Đồng thời, doanh nghiệp cho biết sẽ xúc tiến các bước khảo sát, mở rộng quĩ đất mới, phát triển các KCN mới tại các tỉnh thành có tiềm năng,...

Không chỉ có các doanh nghiệp kinh doanh BĐS công nghiệp truyền thống như Viglacera, một doanh nghiệp dệt đệt may như CTCP Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex - Mã: GIL) dù tỏ ra khá thận trọng với mục tiêu doanh thu năm 2020, song, đơn vị này lại tỏ ra rất khẩn trương trước cơn sốt BĐS công nghiệp.

Mới đây, lãnh đạo công ty đã trình cổ đông thông qua việc huy động hơn 2.000 tỉ đồng vốn đầu tư cho năm nay. Công ty dự kiến sẽ tăng tỉ lệ sở hữu phần vốn góp của công ty tại CTCP Khu Công nghiệp Gilimex có tổng vốn đầu tư dự kiến 3.000 tỉ đồng. Cụ thể, vốn góp tối thiểu là 255 tỉ đồng (tương đương 51% vốn điều lệ) và vốn góp tối đa lên tới 475 tỉ đồng (95% vốn điều lệ).

Tương tự, dù hoạt động kinh doanh gặp khó trong 6 tháng đầu năm, CTCP SAM Holdings gần đây cũng cho biết đang có kế hoạch thâu tóm và rót thêm vốn cho Capella Quảng Nam nhằm thực hiện diện án KCN Tam Thăng 2.

Theo nhận định của Ban điều hành, đây là mảng kinh doanh triển vọng, trong bối cảnh Việt Nam là đất nước có dân số độ tuổi lao động cao, chi phí lao động rẻ, nhiều vùng nguyên liệu… Đặc biệt, trước diễn biến căng thẳng của Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang xem xét di chuyển nhà máy sang nước khác ngoài Trung Quốc.

Để có dòng tiền đầu tư vào các mảng kinh doanh chiến lược này, SAM Holdings dự kiến sẽ phát hành gần 101 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu trong quí III/2019, qua đó nâng vốn điều lệ của công ty lên 3.500 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp bất động sản khác cũng xem BĐS công nghiệp là miếng bánh ngon. Chẳng hạn, CTCP DRH Holdings (Mã: DRH) cho biết sẽ căn cứ vào cấu trúc vốn của công ty để nhắm đến phát triển BĐS công nghiệp trong năm nay.

Phân tích về sự dịch chuyển này, ông John Campbell, Trưởng bộ phận Bất động sản Công nghiệp, Savills Việt Nam cho biết, có không ít các công ty Mỹ và Nhật Bản dần rời khỏi thị trường Trung Quốc và Việt Nam được cho là lựa chọn hàng đầu thay thế cho sự chuyển đổi này.

Đang có không ít các chủ đầu tư nỗ lực chuyển đổi đất nông nghiệp sang sử dụng cho mục đích công nghiệp, giúp tăng quĩ đất hiện tại và nguồn cung thứ cấp nói chung. Có thể kì vọng vào các nguồn cung mới đến từ các vùng trọng điểm ở miền Bắc như Bắc Ninh và ở miền Nam như Bình Dương và Đồng Nai", ông John Campbell cho biết thêm.