Sáng lập Masan có giá trị tỷ USD cùng Nguyễn Đăng Quang và Hồ Hùng Anh

Trịnh Thanh Huy sinh năm 1970 tại Thanh Hóa, tốt nghiệp ngành cơ khí ở Học viện Kỹ thuật Quân sự (Nga). Khởi sự, Trịnh Thanh Huy cùng Nguyễn Đăng Quang và Hồ Hùng Anh sáng lập Tập đoàn Masan. Bản thân Huy từng giữ vị trí Phó chủ tịch Masan từ 1997 đến 2002.

Về Việt Nam, ông Huy tập trung vào hướng đầu tư trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản với hàng loạt các thương hiệu: Bình Thiên An với dự án Đảo Kim Cương, HB Group với dự án New Hoi An City, đầu tư vào Công ty Xây dựng Descon và Công ty Beton 6...

Trong khi đó ông Quang vẫn tập trung vào thực phẩm với thương hiệu Masan kết hợp với người đồng sự Hồ Hùng Anh trong lĩnh vực tài chính với Ngân hàng Techcombank.

Tính đến cuối năm 2019 doanh thu của Masan đạt 37.354 tỷ đồng, lãi ròng vào khoảng 5.558 tỷ đồng. Đây là tập đoàn kinh doanh thực phẩm hàng đầu tại Việt Nam cho đến hiện tại gắn với Nguyễn Đăng Quang. Còn ông Hồ Hùng Anh gắn với ngân hàng Techcombank, một trong những ngân hàng thương mại cổ phần hàng đầu.

Theo đó, năm 2018, ngân hàng dẫn dắt bởi Hồ Hùng Anh thông báo đạt 8.264 tỷ đồng, về lợi nhuận dẫn đầu trong nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, đứng thứ hai trong hệ thống chỉ xếp sau Vietcombank và cao hơn cả hai ngân hàng quy mô khác là BIBV và Vietinbank.

Hai đồng sự của Trịnh Thanh Huy tại Masan, Hồ Hùng Anh và Nguyễn Đăng Quang lọt vào top các tỷ phú USD năm 2019

Năm 2019, Tạp chí danh tiếng Forbes công bố danh sách những tỷ phú thế giới, trong đó hai bạn đồng nghiệp cũ của ông Huy được mệnh danh là “bộ đôi ăn ý”, họ là 2 tỷ phú USD mới của Việt Nam. Theo đó, Forbes xếp hạng ông Hồ Hùng Anh thứ #1.349 với tài sản 1,7 tỉ USD. Trong khi đó, ông Nguyễn Đăng Quang đứng thứ #1.717 với tài sản 1,3 tỉ USD.

Ở chiều kích bên kia, ông Huy gần như mất tích trên thị trường và sự kiện được nhắc nhiều nhất là sự đi xuống và phá sản của hai công ty Descon và Beton 6. Bên cạnh đó, người ta còn liên hệ với sự cố đấu tố nhau tại Coteccons với Kusto mới đây do có liên quan với Bình Thiên An, nơi ông Huy là Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Ngã rẽ sang bất động sản và xây dựng, sự thất bại cay đắng trong chiến lược M&A

Tháng 5 năm 2020, trao đổi với báo giới ông Vương Đức Thiên, Trưởng phòng Pháp lí CTCP Beton 6 (Mã: BT6) cho biết doanh nghiệp này đã làm thủ tục phá sản gửi đến cơ quan chức năng và đang chờ giải quyết.

Trước đó, khoảng 70 lao động từng làm việc tại Beton 6 nhiều năm nhưng chưa được trả tiền trợ cấp theo qui định đã đến trụ sở công ty này tại Dĩ An, Bình Dương để đòi quyền lợi.

“Hiện công ty vẫn đang duy trì hoạt động theo đơn hàng nhưng được sự giám sát của cơ quan chức năng; lực lượng lao động từ hàng nghìn người giảm còn dưới 200 người.”, ông Thiên cho biết thêm.

Beton 6 là một thương hiệu lâu đời và Trịnh Thanh Huy đã tiến hành thâu tóm nó trong chiến lược tập trung vào ngành xây dựng và bất động sản. Từ năm 2009, ông Huy đã tham gia vào HĐQT và tính đến cuối năm 2019, ông Huy và gia đình sở hữu 6,7% cổ phần của Beton 6.

Từ ngày ông Huy tham gia vào Beton 6, kết quả kinh doanh của công ty ngày càng đi xuống đến mức phải nộp đơn xin phá sản

Thành lập vào năm 1958, tiền thân là công trường đúc đà tiền áp Châu Thới thuộc Công ty RMK của Mỹ, Beton 6 từng là một trong những doanh nghiệp hàng đầu tại khu vực phía Nam trong lĩnh vực sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn cung ứng cho các công trình cầu đường.

Công ty cổ phần hóa sớm, niêm yết trên Sở giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) từ đầu năm 2002 và một thời gian dài được nhiều nhà đầu tư lớn quan tâm.

Giai đoạn đỉnh cao năm 2009- 2010, công ty đạt lợi nhuận 80-100 tỷ đồng. Đến cuối năm 2015, Beton 6 tiến hành hủy niêm yết gần 33 triệu cổ phiếu khỏi HOSE do những khó khăn nội tại.

Đầu năm 2019, Beton6 đã thay đổi một số vị trí trong HĐQT, bao gồm việc miễn nhiệm ông Nguyễn Ngọc Dũng khỏi vị trí Chủ tịch HĐQT (được bổ nhiệm vào đầu năm 2018) từ ngày 31/1/2019, bầu thay thế ông Phạm Văn Hiên.

Hiện tại, HĐQT Beton6 gồm 6 thành viên, bao gồm 4 người khác là ông Trịnh Thanh Huy, ông Sergei Savrukhin và ông Nguyễn Trọng Nghĩa. Ông Trịnh Thanh Huy cũng là lãnh đạo cao cấp duy nhất của Công ty vẫn còn tại vị cho đến nay.

Trước đó, ông Huy cũng gắn liền với tên tuổi của một công ty lớn trong ngành xây dựng: Descon.

Năm 2007, Descon niêm yết tại HoSE, và ngay lập tức ông Huy và nhóm Bình Thiên An quan tâm đầu tư vào công ty này. Bình Thiên An do ông Huy là chủ tịch kiêm CEO được đầu tư bởi Kusto.

Trong kỳ ĐHĐCĐ đầu tiên, việc chuyển giao quyền lực giữa hai nhóm lãnh đạo mới cũ diễn ra gay gắt. Cuối cùng, vào tháng 12/2010, ĐHCĐ bất thường của Descon đánh dấu sự ra đi của Chủ tịch HĐQT Nguyễn Xuân Bảng sau 20 năm gắn bó.

Ông Trịnh Thanh Huy phát biểu tại một cuộc họp Đại hội cổ đông của Descon

Từ đây, đã thể hiện sự bất ổn thường trực. Lúc đó, nhóm cổ đông lớn Bình Thiên An đã giành quyền lãnh đạo tại khi chỉ 21,6% số cổ phần được quyền biểu quyết. Đến tháng 10/2011, cổ phiếu DCC của Descon đột ngột bị hủy niêm yết bắt buộc do vi phạm nghiêm trọng quy định về công bố thông tin.

Ngày 31/12/2017, Descon có vốn điều lệ 356 tỷ đồng trong đó cổ đông lớn là ông Trịnh Thanh Huy góp vào 200 tỷ đồng tương ứng với tỷ lệ 56,2%. Cũng trong năm 2017, tổng tài sản của Công ty được ghi nhận là 2.862 tỷ đồng, tăng 44,8% so với năm 2016. Lãi sau thuế đạt 24,6 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước chỉ có 8,4 tỷ.

Tuy nhiên, cho dù các chỉ số tài chính rất đẹp từ khi ông Huy tham gia vào HĐQT nhưng cũng trong năm 2017 tổng các khoản nợ Công ty phải trả lên đến 2.372 tỷ đồng, tăng gần 900 tỷ đồng so với năm trước, trong đó vay ngắn hạn tăng 271 tỷ và vay dài hạn tăng 590 tỷ.

Do đó, ngày 31/10/2018, TAND TPHCM đã có quyết định mở thủ tục phá sản đối với Công ty Cổ phần Xây dựng Công Nghiệp (Descon), căn cứ theo đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của Công ty TNHH Siam City Cement (Việt Nam).

Trong khi trước khi tòa tuyên bố thủ tục phá sản thông tin về Descon trên thị trường gần như không có.

Mới đây, ngày 2 tháng 6 năm 2020, Kusto đã gửi thông tin cho báo chí và yêu cầu thay Chủ tịch Nguyễn Bá Dương của Coteccons. Kusto là nhà đầu tư lớn và đơn vị quản lý vận hành dự án Đảo Kim Cương với pháp nhân Bình Thiên An nơi ông Huy từng giữ chức Chủ tịch HĐQT.

Khi tìm hiểu thông tin chúng tôi được biết ông Huy đã không còn mối liên hệ nào với Bình Thiên An. Trước đó, ông cũng rút khỏi HB Group, một doanh nghiệp sở hữu dự án có tổng mức đầu tư lên đến 1,5 tỷ USD tại Hội An. Đây là doanh nghiệp được cho là gắn liền với tên tuổi của ông.

Ông Huy đã lặn mất tăm trên thị trường. Dấu ấn mà ông để lại là các doanh nghiệp phá sản cho dù trước đó hoạt động rất lành mạnh và có lịch sử lâu đời.

Trịnh Thanh Huy mãi mãi là bí ẩn đối với những doanh nghiệp mà ông đã đi qua

Sự kiện gần nhất có liên quan đến ông là cuộc đấu tố và lật đổ ở doanh nghiệp xây dựng lớn nhất Việt Nam, Tập đoàn Coteccons vào ngày 2 và 3 tháng 6 và hiện chưa rõ kết quả. Cho dù, các bên liên quan đều khẳng định ông Huy không còn giữ bất cứ vai trò nào nữa.