Kiến trúc sư trưởng của Coteccons, người xây dựng “biểu tượng Việt Nam”

Trong một buổi tiệc tất niên của Coteccons vào năm 2018, ông Nguyễn Bá Dương đã nói một câu có thể khái quát nên bức tranh của ngành xây dựng Việt Nam: “Xây dựng là một trong những ngành mà Việt Nam tiệm cận được trình độ thế giới. Chúng tôi tự hào là một trong những công ty dẫn đầu".

Ông Nguyễn Bá Dương, kiến trúc sư trưởng kiêm nhà sáng lập Coteccons

Khi tự nhận Coteccons chỉ là “một trong những công ty dẫn đầu” vào năm 2018, thực sự, ông Dương có phần khiêm tốn. Ngay tại thời điểm đó, doanh thu của Coteccons đã vượt xa mốc 1 tỷ USD. Con số chính thức được công bố là 28.561 tỷ đồng, bỏ xa Hòa Bình, đối thủ cạnh tranh chính, công ty số 2 thị trường, khi doanh thu chỉ đạt 18.299 tỷ đồng.

Cũng trong năm 2018, Coteccons bàn giao công trình được xem như “biểu tượng của Việt Nam”, Landmark 81 của Tập đoàn VinGroup. Đây là công trình cao tầng nhất được xây dựng bởi một công ty Việt Nam. Nó cho thấy nhận định của ông Dương về trình độ xây dựng các công ty thuần Việt ở tầm mức cao là chính xác.

Landmark 81 cao 461,3m với 81 tầng, trở thành tòa nhà cao nhất Việt Nam và nằm trong top 8 công trình chọc trời thế giới. “Landmark 81 đã khai trương vào ngày 26/7/2018, vượt qua những giới hạn chủ quan về kinh nghiệm, lẫn khách quan là thời tiết.”, một chuyên gia xây dựng (không muốn nêu tên) nhận định.

Kể về câu chuyện thắng thầu ông Dương thường tự hào: “Cái quan trọng là đọc vị được trận đấu. Tôi ít khi đấu thầu trượt và chỉ cần trao đổi sơ qua tôi có thể tính toán được lời lỗ và quyết định có làm hay không”.

Tuy nhiên, thời điểm nộp hồ sơ dự thầu cho Landmark 81, ông Dương thừa nhận mình có chút thiếu tự tin.

“Sau khi nộp hồ sơ, phỏng vấn, thuyết trình cho chủ đầu tư nhưng rất lâu không nhận được phản hồi, tôi nghĩ chắc họ cần hình ảnh nhà thầu quốc tế.” ông Dương chia sẻ.

Hai cái tên quốc tế mà ông Dương đề cập ở đây là Lotte và SsangYong (Hàn Quốc), hai ông lớn trong ngành xây dựng tại Á châu.

Một phần cho sự tự ti của Coteccons vào thời điểm đó chính là: Kinh nghiệm. Cho dù đã thi công hàng loạt công trình tại Việt Nam, nhưng tính đến thời điểm đó, Coteccons chưa bao giờ làm công trình cao hơn 60 tầng.

Cơ duyên được làm Landmark 81 đến tình cờ từ cuộc gọi của Chủ tịch Vin Group, ông Phạm Nhật Vượng. “Một hôm anh Vượng, gọi cho tôi và nói muốn giao cho một nhà thầu Việt Nam làm. Bất ngờ, nhưng tôi hiểu ý nghĩa sâu xa của lời đề nghị từ anh Vượng", ông Dương chia sẻ.

Ngay trong đêm, toàn bộ ban giám đốc của Coteccons đã ra Hà Nội gặp ông Vượng. Và với Coteccons, vấn đề không còn là chuyện lời hay lỗ khi thi công tòa tháp, mà đó là “biểu tượng Việt Nam”.

Đến ngày Coteccons hoàn thành công trình vào năm 2018, bàn giao cho Vin Group đi vào vận hành, ông Dương đã chính thức đưa Coteccons trở thành số 1 về tổng doanh thu lẫn uy tin thương hiệu trong ngành xây dựng. Và vai trò ông chủ, kiến trúc sư trưởng cũng chính thức điền tên Nguyễn Bá Dương.

Cuộc hôn phối với Kusto và tham vọng đưa Coteccons lên tầm cao mới

Năm 2012, Kusto chính thức rót 520 tỷ đồng đổi lấy 25% cổ phần với mức giá 50.000 đồng/cp vào Coteccons để trở thành cổ đông chiến lược của công ty này.

“Ở Kusto, khi đánh giá khả năng đầu tư, chúng tôi muốn đầu tư vào nơi có một hệ thống quản lý tốt, và Coteccons không nằm ngoài trường hợp này.”, ông Talgat Turumbayev – Thành viên HĐQT của Kusto Group cho biết về quyết định đầu tư vào Coteccons.

Tại thời điểm năm 2012, quyết định của Kusto đã đưa đến cho Việt Nam một thương vụ M&A lớn nhất trong lịch sử của ngành xây dựng.

“Kusto không phải là nhà đầu tư ngắn hạn. Nếu không có thiện chí, họ không bao giờ tôn trọng và giữ lại mọi thứ. Tôi sẽ còn ở Coteccons lâu dài”, ông Nguyễn Bá Dương nói về cuộc “hôn phối” với Kusto.

Một cuộc "hôn phối" đẹp như mơ và có giá trị lớn nhất trong ngành xây dựng Việt Nam

Tâm lý và phát biểu của ông Dương là rất thật. Bởi thời điểm năm 2012 thị trường xây dựng, bất động sản phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.

Theo đó, các công ty bất động sản và xây dựng đang đứng trước 3 lựa chọn: hoặc ngủ đông, hoặc lấn sân sang ngành nghề khác, hoặc gọi thêm vốn để đổi mới mô hình kinh doanh. Với ông Nguyễn Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Coteccons, giải pháp thứ ba đã được ông lựa chọn bằng việc mời Kusto về “chung một nhà”.

Vào thời điểm đó, cuộc hôn phối với Kusto nhận được khá nhiều lời khen tặng.

“Mặc dù quá trình triển khai thương vụ chỉ diễn ra trong vòng 3 tháng nhưng 2 bên đã có một thời gian khá lâu tìm hiểu nhau. Thay vì chịu áp lực phát triển một mình trong một môi trường thay đổi rất nhanh, còn nhiều bất ổn như ở Việt Nam và đương đầu với những rủi ro thôn tính thù nghịch, ban lãnh đạo Coteccons và Kusto đã chọn cho mình một hướng đi khác biệt, đó là cùng xây một đế chế,”, ông Nguyễn Quốc Toàn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty TNK Capital Partners, đơn vị tư vấn thương vụ nhận định.

Trên thực tế, giá mua của Kusto trong thương vụ là 50.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn giá thị trường (khoảng 38.000 đồng) với tổng giá trị giao dịch đạt hơn 525 tỉ đồng (25 triệu USD), chiếm 24,7% cổ phần.

Theo ông Dương, công ty đã đạt được mục đích tốt đẹp cho tham vọng mới của mình. “Công ty sẽ hướng đến 2 mục tiêu sau thương vụ này: mở rộng mô hình kinh doanh và hợp nhất các công ty con.”, ông Dương chia sẻ.

Một cuộc hôn phối ngỡ đẹp như mơ, vì đâu nên nỗi?

Những cáo buộc nghiêm trọng và cuộc lật đổ lớn nhất trong ngành xây dựng Việt Nam

“Chúng tôi không thể đặt niềm tin vào hội đồng quản trị và ban giám đốc hiện tại, đặt biệt là các thành viên chủ chốt gồm ông Nguyễn Bá Dương, ông Nguyễn Sỹ Công và ông Trần Quang Quân. Chúng tôi yêu cầu họ ngay lập tức từ chức khỏi tất cả các vị trí trong Coteccons”, thông cáo báo chí của Kusto viết vào ngày 2 tháng 6 năm 2020. Những dòng thông báo lạnh lùng chính thức chấm dứt một cuộc hôn phối đã từng đẹp như mơ giữa Coteccons và Kusto.

Kusto muốn ông Nguyễn Bá Dương ra đi vì các cáo buộc lạm quyền và mất niềm tin nghiêm trọng

Theo đó, Kusto nhấn mạnh: chúng tôi đã đầu tư và hỗ trợ cho sự phát triển của Coteccons trong 8 năm qua. Tuy nhiên, trong các đề xuất của mình, các hành vi quản trị, quản lý và điều hành liên quan tới xung đột lợi ích của đội ngũ lãnh đạo Coteccons với các công ty trong Coteccons Group đã gây thiệt hại cho khoản đầu tư của Kusto khi giá cổ phiếu giảm đáng kể và quyền cổ đông bị vi phạm nghiêm trọng.

Cụ thể, Kusto chỉ ra Coteccons và Ricons có sự xung đột lợi ích khi Ricons vừa là nhà thầu phụ vừa là đối thủ cạnh tranh với chính Coteccons.

Theo đó, Chủ tịch HĐQT của Ricons là ông Trần Quang Quân, Phó tổng giám đốc Coteccons. Chủ tịch Trần Bá Dương và CEO Nguyễn Sỹ Công của Coteccons là thành viên HĐQT của Ricons.

“Các lãnh đạo cấp cao của Coteccons quyết định chọn công ty nào đấu thầu cho dự án nào khi họ đồng thời quản lý cả hai công ty cạnh tranh trực tiếp với nhau? Họ phân bổ lợi nhuận cho từng bên như thế nào trong các hợp đồng giữa hai bên?”, Kusto chất vấn.

Trên thực tế, doanh thu thuần năm 2018 của Coteccons chỉ đạt 28.561 tỉ đồng, tăng trưởng 5,2% so với kết quả năm 2017, con số này thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng 40% của những năm trước. Năm 2019, doanh thu dự kiến đạt 27.000 tỉ đồng, giảm 5,5% so với thực hiện năm 2018; lợi nhuận sau thế dự kiến 1.300 tỉ đồng, giảm 13,9%.

Trong khi đó, ở chiều ngược lại Ricons tăng trưởng mạnh mẽ. Kể từ năm 2015, cùng với sự bùng nổ của thị trường bất động sản, Ricons cũng chứng kiến tăng trưởng đột biến khi doanh thu tăng từ 1.590 tỉ đồng năm 2014 lên 9.306 tỉ đồng năm 2018, tương đương tỉ lệ tăng trưởng bình quân 56%/năm. Theo đó, lợi nhuận sau thuế tăng gấp 10 lần từ 41 tỉ đồng lên 431 tỉ đồng

Một đến chế do ông Nguyễn Bá Dương xây dựng đã lung lay dữ dội. Con thuyền của Coteccons có được trục vớt bởi thuyền trưởng Nguyễn Bá Dương hay không? Nhóm Kusto sẽ làm gì để thực hiện thành công cuộc lật đổ của mình?

Câu trả lời cho những câu hỏi trên vẫn còn bỏ ngõ.

Kỳ 4: The8th có liên quan đến Kusto hay không? Và The8th là tổ chức nào? Newteccons có phải là lối thoát của ông Nguyễn Bá Dương?