Hôm qua là lần đầu tiên tôi có dịp trò chuyện với một doanh nhân thành đạt ở thế hệ thứ 4 của đại gia đình - tuy ông đã gần 70 tuổi. Một buổi chiều học hỏi nhiều hơn là chơi gôn.
Có một câu hỏi mà tôi không thể không hỏi trong cuộc trò chuyện nối dài theo những bước chân trên sân gôn, là bí quyết gì mà đại gia đình ông có thể truyền nhau các cơ ngơi dệt may hoành tráng khắp nước Úc từ đời này qua đời khác lâu như vậy!
Tiến sỹ Lý Quí Trung chia sẻ quan điểm về xây dựng đội ngũ kế thừa trong doanh nghiệp gia đình
Sau một thoáng suy nghĩ, ông nói rằng ông cố ông đã bắt đầu từ một công việc rất nhỏ, rồi mọi người xây dựng trên nền tảng đó, đời này qua đời khác với rất nhiều mồ hôi công sức. Câu trả lời quá đúng nhưng vẫn chưa làm tôi thoả mãn, nên tiếp tục gặng hỏi cho ra.
Thì ra mọi thứ không diễn ra đơn giản như vậy, trong đó một trong những thách thức lớn nhất là làm sao lôi cuốn các thế hệ kế tiếp vào guồng máy kinh doanh chung của đại gia đình, với một ngọn lửa đam mê, yêu công việc mình làm chứ không phải là sự thừa hưởng đương nhiên.
Điều này không hề dễ, nhất là mỗi thế hệ mỗi khác, tư duy và môi trường luôn không ngừng thay đổi, nhất là giới trẻ của các thế hệ gần đây với đầy đủ kiến thức và điều kiện để tiếp xúc và lựa chọn các ngành nghề khác nhau trong xã hội. Thiết nghĩ, không có gì tệ bằng cả một cơ ngơi đồ sộ được gầy dựng bao nhiêu năm mà lại trao nhầm vào tay những người có dư huyết thống nhưng lại thiếu ngọn lửa đam mê cần thiết.
Ngay cả có đủ đam mê và khả năng nhưng chưa đủ kinh nghiệm và trải nghiệm thì cũng không xong. Đó là lý do ông bạn gôn doanh nhân kia mới cách đây mấy năm vẫn còn phải bay hết bang này đến bang khác để giúp “bọn trẻ” làm tròn bổ phận. Đâu phải tự nhiên mà công việc kinh doanh của đại gia đình ông đã kéo dài được đến thế hệ thứ 4, thứ 5.
Theo một cuộc nghiên cứu gần đây của viện Family Firm Institute thì chưa đến 1/3 các doanh nghiệp gia đình có thể truyền tay qua thế hệ thứ 2, và chỉ còn đúng 12% tồn tại đến thế hệ thứ 3, còn thế hệ thứ 4 thì chừng 2-3%. Bởi vậy người ta thường nói vui là “thế hệ thứ nhất gầy dựng công ty, thế hệ thứ hai phát triển thành công, và thế hệ thứ 3 thì phá sập nó!”
Vậy là thế hệ thứ 4 phải làm lại từ đầu, cái câu “không ai giàu 3 họ” truyền miệng trong dân gian vì thế mới hiện hữu. Nhưng rõ ràng tất cả suy cho cùng là do lỗi “kỹ thuật” - chứ không phải “phong thuỷ” hay “định mệnh” - hoàn toàn có thể tránh được.
Để kinh doanh thành công các doanh nhân chắc chắn đã phải đầu tư rất nhiều công sức và trí tuệ để hình thành một kỹ năng vượt trội. Chuyển giao cho các thế hệ đi sau cũng vậy, cũng là một kỹ năng cần được học hỏi, đầu tư và hình thành.
Hình ảnh các gương mặt CEO, chủ tịch công ty gia đình còn rất trẻ vừa là tín hiệu tốt của một thế hệ hiện đại nhưng không ít trường hợp cũng là tín hiệu của sự nóng vội, thiếu “kỹ năng” chuyển giao của thế hệ cha mẹ đi trước.
Cho nên làm gì thì làm, chuyển giao phải có một lộ trình đủ dài và đủ sâu, chứ không đi tắt đón đầu hay làm cho có, cho nó hợp thức hoá trong mắt của nhân viên và các cổ đông.
Không ai sinh ra là đã làm lãnh đạo, mà nó chỉ đến với thời gian xây dựng khả năng và uy tín. Và chính sự lãnh đạo xuất sắc đó mới làm cho doanh nghiệp trường tồn hàng trăm năm được.
(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của Tiến sỹ Lý Quí Trung, nhà sáng lập Phở 24, CEO của nội thất Nhà Xinh. CafeBusiness rút tít và biên tập một vài điểm)
Hoặc