Khu vực một số tỉnh Tây Nguyên nói chung và Lâm Đồng nói riêng đã và đang trở thành điểm dừng chân của nhiều "ông lớn" BĐS đến đặt vấn đề đầu tư các dự án BĐS quy mô lớn. Chẳng hạn như FLC đầu tư ở tỉnh Đắk Lắk khi ký kết ghi nhớ đầu tư với chính quyền địa phương dự án Tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng vui chơi giải trí và đô thị sinh thái hồ Ea Nhái tại huyện Krông Pắc và huyện Cư M'gar với vốn đầu tư dự kiến 10.000 tỷ đồng; Tập đoàn T&T cũng có kế hoạch đầu tư khu đô thị và dự án trồng cây ăn quả ở địa phương này với quy mô khoảng 5.000 tỷ: Vingroup làm dự án nhà phố tại TP Buôn Ma Thuột quy mô 2.500 tỷ…

Với sự phát triển của hạ tầng giao thông và định hướng quy hoạch trở thành đô thị loại 2, Bảo Lộc đang là tâm điểm thu hút đầu tư

Được biết, hiện Bảo Lộc đang kêu gọi các tập đoàn kinh tế lớn, các doanh nghiệp đầu tư vào 48 dự án để hướng đến việc định hình TP Bảo Lộc là một trung tâm về du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng nhờ có lợi thế về thiên nhiên và thời tiết mát mẻ. Trong đó phải kể đến nhiều dự án hạ tầng trọng điểm như đường cao tốc kết nối với TP.HCM và đặc biệt là sân bay, cùng các đô thị sinh thái nghỉ dưỡng, khách sạn 5 sao, sân golf, cáp treo…

Các dự án này gồm: sân bay Lộc Phát với quy mô 50 ha đến 100 ha; Dự án Tổ hợp khu thương mại - khách sạn 5 sao (tại chợ cũ Bảo Lộc); Sân golf Lộc Phát - Lộc Thắng; Khu tổ hợp dịch vụ, du lịch sinh thái sân golf, cáp treo núi Sapung, quy mô hơn 2.500 ha và Dự án Khu đô thị, dịch vụ giải trí – nghỉ dưỡng hồ Nam Phương 1 và hồ Nam Phương 2 (quy mô khoảng 390 ha, tại Phường 1 và phường Lộc Phát)…Hầu hết các ông lớn BĐS đều quan tâm đến các dự án trên.

Mới đây nhất, hồi tháng 7 vừa qua Tập đoàn Novaland đã đến tìm hiểu và dự định đầu tư một số dự án trên địa bàn thành phố Bảo Lộc. Theo đại diện tập đoàn Novaland, công ty không chỉ mong muốn đầu tư vào lĩnh vực BĐS mà còn hướng đến tìm hiểu đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, hàng tiêu dùng, du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái.

Theo đó, nhiều đại gia BĐS khác cũng đang xúc tiến đầu tư vào Bảo Lộc. Theo đại diện Him Lam, tập đoàn này hiện đang hướng đến việc đầu tư một số dự án ở phường B’Lao, khu du lịch sinh thái thác Đá Bàn (sông Đại Bình) và các tuyến đường kết nối giao thông trục Bắc – Nam, khu đô thị du lịch "Thiên đường mắc ca" có tổng diện tích hơn 187 ha nằm khu vực phía Nam TP Bảo Lộc thuộc các phường B’Lao, Lộc Sơn, Lộc Nga và xã Lộc Thành (huyện Bảo Lâm).

Trong khi đó, Văn Phú – Invest vừa đề xuất đầu tư vào 3 dự án, bao gồm: Dự án Khu đô thị dịch vụ giải trí hồ Nam Phương 2; Nghiên cứu phát triển Dự án Sân bay Lộc Phát; Qui hoạch xây dựng Khu phố đi bộ shophouse, dịch vụ thương mại, chợ đêm tại khu chợ cũ Bảo Lộc.

Hé lộ lý do các ông lớn đổ bộ vào Bảo Lộc

Theo phân tích của các chuyên gia bất động sản, Bảo Lộc là vùng đất có khí hậu ôn hòa, thiên nhiên ưu đãi lại cách Tp.HCM chỉ khoảng 200km, rất phù hợp để phát triển các loại hình BĐS sinh thái nghỉ dưỡng. Trong khi, gần đây các dự án BĐS tại nhiều TP lớn gặp khó khăn về phát triển nguồn cung mới do rà soát lại pháp lý, cùng với đó là xu hướng mới về sở hữu ngôi nhà thứ hai (second home) đang lên ngôi của giới nhà giàu.

Cao tốc Dầu Giây - Liên Khương có tổng mức đầu tư lên đến 65.000 tỷ đồng giai đoạn 2021 đến 2025

Bên cạnh đó, thông tin thành phố Bảo Lộc sẽ quy hoạch mở rộng ra các vùng phụ cận, trong đó có xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm để đẩy mạnh phát triển toàn diện, hoàn thiện mục tiêu trở thành đô thị loại II và hướng đến tầm nhìn trở thành đô thị loại I đã và đang thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư bất động sản.

Điểm nhấn quan trọng chính là chủ trương đầu tư dự án cao tốc Dầu Giây - Liên Khương với vốn đầu tư lên đến 65.000 tỷ đồng, kết nối TP.HCM – Bảo Lộc chỉ còn 2 tiếng, tạo nên liên kết vùng Tây Nguyên với Đông Nam Bộ, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế cho các địa phương ở cả 2 khu vực này. Trong đó, đoạn cao tốc Dầu Giây - Tân Phú (60 km), Tân Phú - Bảo Lộc (66 km), Bảo Lộc - Liên Khương (73 km) nằm trong kế hoạch xây dựng giai đoạn 2021-2025.