5b3cf28e80cc699230dd-1627797989.jpg

“Nội soi” năng lực của Chủ đầu tư

Khu công nghiệp (KCN) Nam Tân Tập có tổng diện tích 244,74ha tại xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An được Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào Quy hoạch Phát triển các khu công nghiệp Việt Nam tại Quyết định số 1107/QĐ-Ttg ngày 21/8/2006.

Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Long An tiếp nhận văn bản xin chủ trương đầu tư KCN Nam Tân Tập của 5 nhà đầu tư gồm: Công ty CP Đầu tư An Kiến Phát; Liên danh Công ty CP Công nghệ Viễn thông Sài Gòn và Công ty CP Khu Công nghiệp Sài Gòn-Hải Phòng; Công ty CP Công nghệ Viễn thông Sài Gòn; Tổng Công ty Phát triển Đô Thị Kinh Bắc; Liên danh Công ty CP Đầu tư An Kiến Phát và Công ty TNHH Hải Sơn.

Tuy nhiên, trong một thông báo kết luận, ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho rằng, việc xét chọn nhà đầu tư theo phương án lập Hội đồng sẽ mất nhiều thời gian, làm chậm trễ trong việc triển khai các dự án, mất cơ hội đầu tư phát triển của tỉnh và trên cơ sở ý kiến thống nhất của các sở ngành, thống nhất phương án chọn Liên danh Công ty CP Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (SGT) và Công ty CP Khu Công nghiệp Sài Gòn-Hải Phòng (SHP) để tiến hành lập thủ tục đầu tư dự án này.

Theo Báo cáo 2113/UBND-KTTC ngày 16/3/2021 của UBND tỉnh Long An, liên danh này cũng đã góp vốn thành lập Công ty TNHH Saigontel Long An để đăng ký thực hiện dự án, được Long An cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp vào đầu 2021.

Liên quan đến năng lực của nhà đầu tư, Báo cáo 2113, UBND tỉnh Long An cho biết, SGT và Công ty SHP đều là các đơn vị có năng lực và kinh nghiệm triển khai dự án hạ tầng KCN.

Cụ thể SGT là chủ đầu tư của dự án KCN Đại Đồng Hoàn Sơn giai đoạn 2 (tỉnh Bắc Ninh)”, SHP đang là chủ đầu tư của KCN Tràng Duệ (Hải Phòng)…

Ngoài ra, báo cáo 2113 còn nêu rõ năng lực tài chính, Công ty TNHH Saigontel Long An được thành lập với vốn điều lệ 450 tỷ đồng, trong đó SGT nắm giữ 75% vốn, SHP nắm giữ 25% vốn…

Tại thời điểm ngày 10/3/2021, số dư trong tài khoản của Saigontel Long An được Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phát triển TP HCM xác nhận là 450 tỷ đồng.

Theo báo cáo này thì kết quả xác minh của tỉnh Long An cũng cho thấy Saigontel có khả năng huy động vốn từ tổ chức tín dụng để thực hiện dự án, có các văn bản cung cấp tín dụng của HDBank và cam kết của SGT.

Được biết, Công ty TNHH Saigontel Long An được thành lập với vốn điều lệ 450 tỷ đồng, trong đó SGT nắm giữ 75% vốn, SHP nắm giữ 25% vốn. Như vậy, số tiền mà SGT rót vào Saigontel Long An là 337,5 tỷ đồng.

Như vậy, cả SGT và SHP cùng góp đủ tiền để thành lập công ty hồi tháng 2/2021 thì Saigontel Long An có đủ 450 tỷ đồng (đúng bằng vốn điều lệ) tại HDBank như đã nêu ở trên.

Tuy nhiên, vừa mới thành lập Saigontel Long An đã phát sinh giao dịch vay dài hạn Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) của ông Đặng Thành Tâm với số tiền 112,5 tỷ đồng. Đáng nói, số tiền này cộng với khoản vốn góp của SHP và SGT giúp cho Saigontel Long An vừa đủ 450 tỷ đồng đang được gửi tại HDBank mà báo cáo 2133 của tỉnh Long An đã thông tin.

KCN Nam Tân Tập mang nhiều kỳ vọng phát triển của Long An

Tiền mặt đột ngột tăng

Một điểm đáng chú ý khác đối với tình hình tài chính SGT là tại thời điểm quý 1/2021 tỉnh Long An khảo sát chủ đầu tư Nam Tân Tập, lượng tiền mặt và nợ phải trả tại SGT tăng đột ngột nhưng rồi lại giảm ở cuối kỳ.

Hồi cuối tháng 3/2021, nợ phải trả tại SGT đạt 2.765 tỷ đồng, tăng 1.107 tỷ đồng, tương đương 66,8% so với hồi đầu năm. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn tăng 254 tỷ đồng, tương đương 74,9% lên 593 tỷ đồng; vay và nợ thuê tài chính dài hạn tăng 779 tỷ đồng, tương đương 974% lên 881 tỷ đồng.

Dựa vào số nợ vay tăng vọt trong kỳ, có thể thấy dòng tiền chảy vào công ty tăng đột biến, lên đến ngàn tỷ đồng. Thế nhưng, tại thời điểm cuối kỳ, khi thời điểm "khảo sát" đã đi qua, lượng tiền mặt lại chỉ còn hơn 300 tỷ đồng.

Trước đó, tại thời điểm 1/1/2020, tiền và các khoản tương đương tiền của SGT chỉ là 123 tỷ đồng. Trong kỳ, SGT đi vay rất nhiều, trong đó, công ty có phát sinh nợ vay với KBC. Đến cuối tháng 3/2021, KBC ghi nhận khoản phải thu do cho vay ngắn hạn với SGT là 275 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong báo cáo tài chính quý 1/2021 của SGT, công ty không hề nhắc gì đến khoản vay trị giá 275 tỷ đồng này. Nếu cộng số tiền này với 123 tỷ đồng đầu kỳ, (chưa tính các nguồn vay khác kể trên), tiền mặt tại SGT là tối thiểu 398 tỷ đồng.

Thế nhưng, tại thời điểm cuối tháng 3, sau khi Long An đã "khảo sát" xong, tiền mặt tại SGT giảm xuống 311 tỷ đồng.

Đáng chú ý, chỉ trong vài tháng trở lại đây, SGT mới có lượng tiền mặt lớn. Trước đó, chỉ tiêu này tại SGT là rất thấp. Tại thời điểm cuối quý 3/2020, quý 2/2020, quý 1/2020, tiền mặt tại SGT chỉ là 60,2 tỷ đồng, 10 tỷ đồng, 76,9 tỷ đồng.

Tiền mặt tăng nhưng SGT lại bất ngờ rơi vào tình trạng âm dòng tiền. Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của SGT tại thời điểm cuối tháng 3 là -71,2 tỷ đồng, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư lên đến -1.658 tỷ đồng.

SGT gây nợ xấu cho ông Đặng Thành Tâm

Mới đây, SGT cũng vừa công bố báo cáo tài chính riêng bán niên 2021 với doanh thu thuần đạt 135 tỷ đồng, giảm 9%. Tuy nhiên, nhờ tiết giảm giá vốn bán trong kỳ giúp SGT báo lãi ròng tăng 131%, đạt 22 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong kỳ chi phí lãi vay SGT tăng vọt 142% lên ngưỡng 18 tỷ đồng. Sự "phình to" của danh mục nợ phải trả chính là nguyên nhân chính dẫn đến chênh lệch này.

Theo đó, tính đến ngày 30/6/2021, nợ phải trả của SGT tăng mạnh gấp 2,2 lần từ 1.525 tỷ lên 3.418 tỷ đồng. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính dài hạn nhảy vọt từ 58 tỷ đồng thời kỳ đầu năm 2020 lên mức 1.767 tỷ đồng, tương ứng cao gấp 30 lần.

Trong khi đó, vốn chủ sở hữu SGT vỏn vẹn 787 tỷ đồng, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu ở mức 4,3 lần.

Tổng tài sản SGT cũng tăng 2.000 tỷ đồng so với đầu năm. Đáng chú ý, khoản mục Đầu tư vào công ty liên danh, liên kết tăng từ 143 tỷ đồng lên 1.281 tỷ đồng; đầu tư vào công ty con tăng 464 tỷ, đạt 713 tỷ đồng.

Phải nhấn mạnh rằng, cả 4 cái tên liên quan đến KCN Nam Tân Tập bao gồm Saigontel Long An, SHP, SGT và KBC đều nằm trong hệ sinh thái của đại gia bất động sản khu công nghiệp Đặng Thành Tâm, mà ở đây, SGT chính là sợi dây kết nối.

Cụ thể, ngoài việc ông Đặng Thành Tâm là Chủ tịch Hội đồng quản trị tại cả SGT và KBC, Saigontel Long An phát sinh giao dịch với KBC, thì trong giai đoạn từ 2016 -2019 SGT có nhiều lần nợ quá hạn chưa thanh toán đối với SHP với số tiền gốc ban đầu là 8,7 tỷ đồng.

Hay riêng với cá nhân ông Tâm, báo cáo tài chính SGT cho biết, có ít nhất 2 lần SGT gây nợ quá hạn (nợ xấu) cho ông chủ của mình. Đó là đầu kỳ năm 2016 với số tiền 7 tỷ đồng, mãi đến đầu năm 2018 số tiền này mới được thanh toán. Và lần thứ 2 là đầu năm 2019 với số tiền 1,5 tỷ đồng và kéo dài đến kỳ báo cáo gần đây nhất 31/3/2021.