Nhiều trợ lực
Một số tác nhân quan trọng khiến VN-Index có diễn biến tích cực những ngày qua đến từ các thị trường nước ngoài. Trái với những dự báo ban đầu, khi thông tin ứng viên Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden xuất hiện, lập tức thị trường chứng khoán nước này cũng như nhiều quốc gia khác đã bùng nổ. Ngoài ra việc thông tin thử nghiệm tích cực liên quan đến vaccine Covid-19 cũng đã tác động tốt về mặt tâm lý và điều này khiến cho những cổ phiếu hàng không, vốn vừa công bố thua lỗ lại tăng vô cùng tích cực như: Phiên 10/11, VJC tăng kịch trần từ 106.000 đồng/CP lên 113.400 đồng/CP, HVN từ 26.000 đồng/CP cũng tăng mạnh lên 27.500 đồng/CP với thanh khoản lên đến hơn 3,5 triệu CP, gấp khoảng 6 lần so với mức bình quân 10 ngày.
Nhà đầu tư cần phải chọn đúng cổ phiếu hút dòng tiền
Một chi tiết đáng chú ý là kể từ ngày 1/12, Việt Nam sẽ vươn lên trở thành thị trường lớn nhất trong rổ tính chỉ số MSCI Frontier Markets Index với tỷ trọng hơn 25%, tăng mạnh so với cách đây 2 tháng chỉ hơn 18%. Nhờ yếu tố này, những cổ phiếu của thị trường Việt Nam nhiều khả năng sẽ được gia tăng tỷ trọng từ các quỹ đầu tư theo chỉ số MSCI Frontier Markets Index. Chưa bàn chi tiết đến việc các quỹ sẽ mua bán thêm bớt cổ phiếu như thế nào thì thông tin này cũng đủ để tạo ra tâm lý tích cực cho các nhà đầu tư. Thực ra những thông tin liên quan đến vị thế thị trường hay kỳ vọng nâng hạng trước đây không phải là mới, nhưng đặt trong bối cảnh thị trường đang mạnh, dòng tiền vẫn cuồn cuộn chảy thì vẫn có những ý nghĩa và tác động đặc biệt trong ngắn hạn. Phiên ngày 10/11, chỉ riêng giá trị giao dịch khớp lệnh tại HOSE đã đạt con số cực lớn với gần 8.300 tỷ đồng.
Chú ý ẩn số
Mặc dù những diễn biến tích cực của thị trường là không thể phủ nhận, nhưng cũng cần chú ý đến những rủi ro tiềm ẩn nhất định, chẳng hạn: Sau một thời gian dài giá trị khớp lệnh tại HOSE luôn ở mức từ 5.000 tỷ đồng/phiên trở lên thì đã xuất hiện một số phiên chỉ số này giảm xuống dưới mức 5.000 tỷ đồng. Chẳng hạn phiên ngày 2/11 là một phiên tăng của VN-Index, nhưng giá trị giao dịch khớp lệnh chỉ đạt hơn 4.600 tỷ đồng, phiên ngày 6/11 cũng tương tự như vậy và thanh khoản chỉ hơn 4.700 tỷ đồng. Lý do không bắt nguồn từ sự suy yếu của dòng tiền, đó là điều chắc chắn. Nhưng dường như tâm lý thận trọng cao độ của nhà đầu tư đã phần nào khiến thanh khoản có xu hướng giảm nhẹ trong ngắn hạn. Đây cũng là điều dễ hiểu khi thị trường tăng dài, nhà đầu tư sẽ có xu hướng thận trọng để thăm dò diễn biến. Thị trường càng tăng, chắc chắn sự thận trọng sẽ xuất hiện và việc thanh khoản giảm đột ngột theo từng phiên vẫn có thể lặp lại, nhưng ở đây cũng có thể có những bất ngờ thú vị theo kiểu no dồn, đói góp.
Phiên ngày 10/11 ghi nhận một lượng hàng bán ra chốt lãi rất lớn, nhưng lực mua quá mạnh vào cuối phiên dường như đã khiến bên bán ra bị bất ngờ. Và cũng không thiếu những cổ phiếu trong phiên giảm nhưng cuối phiên về tham chiếu, hoặc đà giảm được thu hẹp lại và từ đây cũng xảy ra khả năng “mất hàng”. “Mất hàng” còn là trạng thái nhiều nhà đầu tư chốt lãi sớm, thận trọng, nhưng sau đó có khi lại chuyển sang phải mua lại khi chứng kiến sức cầu của cổ phiếu cũng như đà tăng vẫn còn duy trì. Việc khối ngoại vẫn bán ròng ở một số phiên vừa qua có lẽ không còn là rủi ro của thị trường khi dòng tiền trong nước vẫn rất mạnh. Tuy nhiên, việc thị trường vẫn đang phân hóa rõ ràng, dòng tiền di chuyển theo kiểu “chọn-bỏ” ngày một rõ hơn sẽ là thách thức của nhà đầu tư. Theo đó, vẫn có khả năng VN-Index tăng thêm, nhưng nhà đầu tư cần phải chọn đúng cổ phiếu hút dòng tiền, mà hiện nay dòng tiền sẽ không có xu hướng chọn cổ phiếu theo tiêu chí vốn hóa lớn hay nhỏ mà chú trọng vào câu chuyện kinh doanh cũng như khả năng đột biến hoặc phục hồi trong thời gian tới.
Hoặc