20210217-678x381-1630314764.jpg

Trong một khoảng thời gian nào đó (chu kỳ), tồn tại rất nhiều con sóng lớn nhỏ khác nhau. Về mặt lý thuyết, nếu ai đó "cưỡi sóng" giỏi có thể sẽ luôn chiến thắng bất kể chu kỳ đó là downtrend hay uptrend. Trong thực tế điều này rất khó xảy ra, vì những ông "thầy bói" hay "thiên tài chứng ảo" chỉ có trong truyện tranh Nhật bản. Cho nên, đa số các NĐT sẽ ưu tiên kênh chứng khoán trong một chu kỳ đi lên.

Thời điểm bắt đầu của một chu kỳ, cũng như thời điểm kết thúc chu kỳ đó chỉ có thể được biết chính xác khi nó đã xảy ra. Có rất nhiều nguyên do để tạo dựng một chu kỳ. Đa phần các nguyên do này đều "bị động", chứ rất ít khi con người trong trạng thái bình thường mà "chủ động" tạo dựng sóng. Covid19 là thứ mà loài người chưa từng gặp. Chính do nó mà xã hội, kinh tế hay chứng khoán đã phải có những hành động để thích ứng với hoàn cảnh. Như vậy, chu kỳ chứng khoán lần này bắt nguồn từ đại dịch. Vậy câu hỏi đặt ra là "sẽ kết thúc bằng điều gì, khi nào kết thúc". Để dự báo những điều này, chúng ta nên dựa vào những ý cơ bản như sau:

- Mở đầu bằng cái gì, sẽ kết thúc bằng cái đó. Nếu tin vào logic này, có nghĩa là chu kỳ chứng khoán sẽ kết thúc khi đại dịch biến mất. Tôi rất tin tưởng dịch bệnh trước sau gì cũng bị khống chế, nhưng sẽ mất nhiều thời gian nữa, bao gồm cả thời kỳ phục hồi.

- Đầu tư bây giờ không còn là ý niệm, sở thích hay trào lưu nữa, mà đang dần trở thành nhu cầu thiết yếu. Nếu trước đây những ai ham muốn giàu sang, phú quí, mới mạo hiểm để đầu tư một lĩnh vực nào đó, thì bây giờ để có cuộc sống bình thường nhất, đã phải tham gia đầu tư. Hiện nay kênh đầu tư chứng khoán là kênh nổi trội tuyệt đối vì những lý do khách quan và đặc thù ngành dựa trên tảng công nghệ số, lại được nhiều chính phủ hỗ trợ phát triển. Nhưng khi đại dịch chấm dứt, có thể sẽ có sự cạnh tranh của các kênh khác như Bất động sản, Kinh doanh trực tiếp, Sản xuất hàng hóa, ...

- Sự bão hòa hay sự cân bằng tâm lý đối với chứng khoán cũng là một yếu tố cần lưu ý. Chứng khoán thường tạo ra sự hứng khởi, tâm lý "giàu nhanh qua một đêm". Chu kỳ cũng có thể kết thúc khi nhiều NĐT nhỏ lẻ thua lỗ nặng nề, "sợ và chán ghét" chứng khoán. Bạo phát bạo tàn, càng thích ăn bằng lần nhanh, khi không được càng hận thù nhiều.

TTCK Việt nam còn quá non trẻ, phát triển từ bước đi "rừng rú". Mặc dù TTCK các nước NĐT cá nhân nhỏ lẻ cũng chiếm đa phần như Việt nam, nhưng do nền văn hóa lâu đời, sự đào tạo kiến thức về chứng khoán cũng rất khác nhau, nên những biến động và chu kỳ cũng sẽ khác nhau. Tuy nhiên, với sự gia tăng lớp NĐT F0 mới của thế hệ 8x, 9x, 10x, họ đã không còn ấu trĩ, non nớt, cờ bạc như một số Fn cũ. MXH đóng một vai trò to lớn trong việc truyền tải kiến thức, trang bị tâm lý, rèn luyện bản lĩnh, trong lĩnh vực đầu tư chứng khoán.

Như vậy, với những phân tích ở trên, chúng ta có thể suy ra rằng việc biết chính xác thời điểm kết thúc của chu kỳ chứng khoán lần này là điều không thể. Chúng ta chỉ có thể xây dựng nhiều kịch bản với xác suất khác nhau. Cá nhân tôi đưa ra kịch bản với xác suất lớn, lên đến trên 70% là chu kỳ chứng khoán sẽ chỉ kết thúc sau năm 2023. Tất nhiên trong một big trend, luôn có những cơn sóng nhỏ. Có một qui luật từ ngàn đời, sóng có thể đưa thuyền lên cao, nhưng cũng có thể lật thuyền. Cho nên để tránh những điều này, tốt nhất không nên quá hoảng loạn khi giảm, hưng phấn quá đà khi tăng. Luôn bình tĩnh, tự tin và kiên định với những biến động của thị trường. Bản chất thật là sau này khi nhìn lại nó chỉ là những cơn sóng lăn tăn, không đáng gì so với sự vĩ đại của cơn sóng lớn.

Ngày hôm qua chủ tịch FED Jerome Powell đưa ra thông điệp "taper trong năm nay". Cần phải hiểu rõ "taper" là gì? Đây là sự kìm hãm, giảm dần các gói hỗ trợ, kích thích trực tiếp bằng việc bơm tiền mặt, nhưng không dừng hẳn. Điều này có nghĩa là FED vẫn đang luôn rất cẩn trọng, luôn nghe ngóng và hỗ trợ TTCK. Chỉ cần thị trường có biểu hiện xấu, là lập tức FED có thể "quay xe". Đây là cơ sở để chúng ta tin rằng chu kỳ tăng trưởng của TTCK bắt đầu từ giữa năm 2020 vẫn còn tiếp diễn trong thời gian dài.

(Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của Ông Nguyễn Hồng Điệp - CEO tại CTCP Tư Vấn Đầu Tư S-Talk)