Mắm tôm Lê Gia vừa xuất khẩu sang Đài Loan

Bố con nhà mắm, sau bao nỗ lực, cũng đã xuất được container mắm tôm Lê Gia sang Hàn Quốc, câu reo vui đó của Lê Anh gợi cho tôi ý viết bài này. Với nhà Lê Gia: Xuất được mắm tôm sang Hàn Quốc là xuất khẩu được văn hóa ẩm thực cha ông ra thế giới, điều này lớn hơn là so với tiền bạc thu về (1 container mắm tôm không nhiều tiền).

Và thật kiên trì, năm nay, nhà Lê Gia lại xuất được mắm tôm sang Đài Loan. Đó là thành phẩm của cặp vợ chồng trẻ, chàng là kỹ sư xây dựng, nàng là dược sĩ, cưới nhau khi ra trường và cùng đưa nhau về quê mắm Thanh Hóa. Nhờ vậy, Sai Gòn bây giờ, nhiều nhà thèm bún riêu, chả cá, bún đâu là có mắm tôm Lê Gia, ngon, đậm, nhất là hoàn toàn an tâm về vệ sinh. Điều vui nữa là hầu hết các quán chả cá Lã Vọng Hà Nội đều đang dùng mắm Lê Gia.

Đội ngũ R&D trẻ của ACB Bakery tạo nên công thức cho bánh mì thanh long

Tại hội nghị “Tái khởi động kinh doanh sau Covid 19 và trao chứng nhận HVNCLC 2020-2021 cho 220 doanh nghiệp” ban tổ chức có mời 3 doanh nghiệp lên kể chuyện kinh doanh ngay trong những ngày cách ly vừa qua, thể hiện quyết tâm cao và sức sáng tạo của doanh nhân Việt. Vua bánh mì Kao Siêu Lực kể chuyện anh gặp người nông dân miền Tây thiết tha nhờ anh làm ra loại bánh gì có sử dụng thanh long khi đang rớt giá, và bánh mì thanh long ra đời.

Bánh mì thanh long có sự đóng góp rất lớn của đội ngũ R&D trẻ để tạo ra công thức

Có một câu anh nói nhanh: nhờ đội ngũ R&D tìm tòi, tôi nhanh chóng tìm ra công thức bánh mì này. Là bạn anh, tôi biết, chỉ huy đội ngũ R&D đó là cô gái Kao Huy Phương, thạc sĩ công nghiệp thực phẩm Singapore và khi về nước được ba xây tặng cho một phòng nghiên cứu đầy đủ thiết bị để cô nghiên cứu các chất phụ gia thực phẩm.

Mỹ Hảo lấy giấy chứng nhận FDA giữa mùa giãn cách

Một trường họp khiến tôi cũng ngạc nhiên là Mỹ Hảo. Anh Vinh là “vua đi thị trường”, tụi tôi những người ròng rã tổ chức mấy trăm phiên chợ “Hàng Việt về nông thôn” vẫn thường nói với nhau như vậy. Về những xóm ấp xa xôi nhất, đoàn doanh nghiệp đi thường không thiếu mặt anh Lương Vạn Vinh.

Mỹ Hảo lấy được giấy chứng nhận của FDA trong mùa Covid để xuất hàng đi Mỹ

Anh thường sẵn sàng đứng giữa phiên chợ, biểu diễn sử dụng kem giặt bằng những mảnh khăn nhiều màu. Mùa giãn cách tháng 3-4/2020, nghe nói Mỹ Hảo xuất gel và chất rửa tay diệt khuẩn qua Mỹ, tôi giật mình. Anh kể, lúc đó việc kinh doanh đang bị dừng. Nghe bà con bên Mỹ nói nước sát khuẩn thiếu dữ dội, tôi quyết xuất qua bển. Qua Mỹ, sản phẩm phải có chứng nhận FDA. Tôi có con gái học Thạc sĩ ở Mỹ, tôi nhờ con và các cháu chạy xin chứng nhận. Hơn một tháng là xong. Hiện giờ, tôi chuẩn xuất nước rửa chén luôn. Cùng đi nhận GCN hồm sáng 12/6 với anh có con trai Lương Tuấn Hùng.

Hùng cũng tốt nghiệp Thạc sĩ kinh doanh ở Mỹ, ba má thuyết phục mãi mới chịu về thử điều hành công ty. Hùng luôn mong ông Vinh bán công ty qua Mỹ sống an nhàn tuổi già, thay vì cứ kinh doanh ở VN quá là khổ. Nhưng bây giờ, Hùng cười tươi khi hỏi việc quản trị cùng ba, dạ cũng quen rồi cô. Tôi chọn bức ảnh Hùng nhận GCN trao bời một “bà thầy” trẻ của các bạn khởi nghiệp Việt Nam, chị Nguyễn Phi Vân.

Ngày vui của HVNCLC năm nay bị hoãn tới 4 tháng, và những sự kiện lớn được chờ đợi nhất đã bị bỏ qua: Lễ Công bố kết quả bình chọn, Hội chợ HVNCLC ở An Giang và TPHCM. Trong ngày vui này, tôi thật vui vì có rất nhiều bạn bè là lãnh đạo các công ty lớn trân trọng lên sân khấu nhận GCN: chị Nguyễn thị Điền (may thêu An Phước), anh Huỳnh Văn Thòn (Tập đoàn Lộc Trời), chị Huỳnh Bích Ngọc (đường ăn TTC), anh Lê Trí Thông (PNJ), anh Nguyễn Ngọc An (Vissan), anh Kao Siêu Lực (ABC Bakery), chị Võ thị Lấn (trà Tâm Lan)...mà thiếu một người,

Tôi tin vào thế hệ quản trị trẻ đã thực nghiệm, hình thành thực lực, quản trị tốt việc kinh doanh của doanh nghiệp mình. Chẳng hạn, đội R&D của bánh ABC, như dàn quản rị trẻ và xây dựng tiêu chuẩn FDA cho Mỹ Hảo hay như cách tập trung chăm sóc đầu ra của doanh nhân trẻ Nguyễn Duy Toàn. Và cả cặp vợ chồng nhà mắm Lê Gia, người gây cảm hứng cho bài viết này. Cám ơn Lê Anh người bỏ việc thu nhập cao về làm một nghề cực khổ, thu nhập bình thường, chỉ có gian khổ là cao mà lòng yêu nghề, tự trọng nghề nghiệp luôn cao vợi và kiên định.

(Bài viết của bà Vũ Kim Hạnh, nguyên Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ TP.HCM, Chủ tịch Hội Hàng Việt Nam chất lượng cao. CafeBusiness rút tít và biên tập một số đoạn)