BĐS không miễn nhiễm với Covid-19
BĐS vốn có tiếng là lĩnh vực đầu tư được quan tâm bất chấp hoàn cảnh, nhưng giờ đã có vẻ xuống sức trong cuộc đấu tay đôi với đại dịch Covid-19. Vì sao vậy, thưa ông?
Nhận định về BĐS là một trong số ít kênh đầu tư rất được quan tâm bất chấp hoàn cảnh hoàn toàn không sai. Nó xuất phát từ nhu cầu của thị trường, của chính cuộc sống. BĐS thường là tài sản lớn, khả năng sinh lời không nhỏ.
Nhưng nhìn vào thực tế, vòng xoáy do Covid-19 gây ra thật khủng khiếp và đang làm đảo lộn tất cả, tác động rất tiêu cực đến cả bên cầu, phía cung của toàn bộ nền kinh tế. Cùng với đó, nhu cầu tiêu dùng thiết yếu, bảo đảm an toàn sức khỏe và có được thu nhập, "tiền mặt" được đặt lên hàng đầu. Chính vì vậy, BĐS không thể miễn nhiễm, và nếu tình huống xấu xảy ra sẽ kéo theo phản ứng dây chuyền, gây tổn hại đáng kể đến hệ thống tài chính và rất nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh.
Chúng ta có thể thấy ngay là BĐS nghỉ dưỡng (condotel) đang như "chết lâm sàng" vì làm gì có khách du lịch. BĐS cho thuê cũng vắng khách, thậm chí vừa rồi Vincom phải hỗ trợ 300 tỷ đồng cho đối tác thuê TTTM. BĐS nhà ở vốn ít ảnh hưởng thì hiện rất nhiều dự án chuẩn bị ra hàng đã dừng. Nhiều người muốn mua nhà đang phải nghĩ lại vì lo lắng câu chuyện trước mắt, nhiều người mất việc hoặc bị giảm thu nhập, hồ sơ ngân hàng không đẹp nên không vay được nữa. Năm 2019 vốn đã khó cho BĐS do thị trường trầm lắng hơn. Hiện doanh nghiệp BĐS càng gặp khó tứ bề, thiếu doanh thu trong khi phải chịu quá nhiều áp lực chi phí.
Vậy theo ông, trước tình hình khó khăn này, liệu thị trường BĐS Việt Nam có thể xảy ra tình trạng đóng băng như giai đoạn 2011-2012 hay không?
Theo tôi, còn chưa đến mức đó. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần hành động ngay, BĐS cần được hỗ trợ "giải cứu" để tránh kết cục đóng băng như những năm 2011-2012. Đây là ngành vốn lớn, tỷ trọng không nhỏ trong GDP, lại trực tiếp liên quan đến xây dựng, nhiều ngành sản xuất (thép, xi măng,...) cũng như dịch vụ (xây lắp, tài chính ngân hàng, du lịch, phân phối,…), có tính "đầu kéo" cao trong các chuỗi giá trị. Đằng sau đó là dòng tiền, lao động, thương mại, đầu tư... Sự đi xuống của BĐS sẽ kéo theo hiệu ứng dây chuyền tiêu cực. Nên hỗ trợ BĐS không phải chỉ vì là "giải cứu" các doanh nghiệp trong ngành mà là cả hệ sinh thái đi kèm. Tất nhiên, cũng cần lưu ý kiểm soát việc hỗ trợ để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, an toàn hệ thống tài chính ngân hàng và cả sự phát triển bền vững chung.
Được giải cứu kịp thời, BĐS sẽ là ngành vực dậy nền kinh tế sau dịch
Thực tế cho thấy nhiều nước phương Tây đã lập tức tung ra các gói cứu trợ doanh nghiệp để tránh cho nền kinh tế bị lung lay.Chúng ta cũng đã có một số giải pháp kịp thời, nhưng doanh nghiệp bất động sản vẫn đứng ngoài đối tượng hỗ trợ. Quan điểm của ông về việc này như thế nào?
Thủ tường Chính phủ đã có chỉ thị 11 nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phúc tạp. Chúng ta đang bám sát tình hình, để cùng với việc tập trung dập dịch, sẵn sàng có những biện pháp hỗ trợ kinh tế - xã hội mạnh mẽ hơn, phạm vi rộng hơn nữa.
Với tầm quan trọng của BĐS, tôi tin Chính phủ cũng sẽ có những biện pháp hỗ trợ phù hợp. Tôi cho rằng, có 2 việc có thể làm ngay, cụ thể:
Thứ nhất, Chỉ thị 11 đòi hỏi phải đẩy nhanh việc triển khai các giải pháp như: với những khoản nợ đã vay là được hoãn, giãn, kéo dài thời gian trả nợ, giảm lãi suất, khoanh nợ và không thay đổi nhóm nợ; doanh nghiệp cũng được gia hạn thời gian nộp VAT, tiền thuê đất, một số loại phí, BHXH,… Doanh nghiệp BĐS, đặc biệt là các doanh nghiệp khó khăn, cũng cần được nằm trong diện các đối tượng hỗ trợ.
Bước đi giảm một loạt lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước sẽ dần tạo mặt bằng lãi suất cho vay ít nhiều thấp hơn. Đây là tín hiệu tích cực. Cùng với đó, các ngân hàng thương mại trong gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250 nghìn tỷ đồng của mình, nên rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, tạo điều kiện tiếp cận vốn vay thuận lợi cho khách hàng, trong đó có nhóm BĐS.
Thứ hai, một trong những nhiệm vụ rất quan trọng hiện nay là thúc đẩy giải ngân, đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng. Dự toán ngân sách đầu tư công năm nay cùng khoản chưa giải ngân được của năm 2019 lên tới 600.000 tỷ đồng. Không chỉ BĐS mà nhiều ngành khác cũng có thể tận dụng được đà thúc đẩy phát triển hạ tầng này. Đây cũng nền tảng rất tốt để phát triển đô thị, BĐS trong tương lai.
Theo tôi được biết, Chính phủ không chỉ nỗ lực giảm khó khăn cho sản xuất kinh doanh hiện nay mà còn có những giải pháp giúp doanh nghiệp phục hồi nhanh hơn khi dịch bệnh qua đi.
Vậy theo ông, nếu được hỗ trợ đúng lúc, đúng mức, BĐS sẽ đóng vai trò như thế nào trong tăng trưởng kinh tế sau dịch bệnh?
Là ngành có tính "đầu kéo", BĐS sẽ là một trong những ngành đóng vai trò quan trọng trong vực dậy nền kinh tế sau dịch bệnh. BĐS phát triển kéo theo một hệ sinh thái đi kèm phát triển, với hàng nghìn doanh nghiệp và hàng chục vạn người lao động thuộc nhiều lĩnh vực.
Tôi cho rằng, Nhà nước cần đặc biệt quan tâm đến việc tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý cho thị trường BĐS phát triển minh bạch, bền vững. Điều này liên quan đến các văn bản pháp lý về đất đai, Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh BĐS… Phát triển các định chế tài chính hỗ trợ BĐS cùng một chính sách tín dụng thích hợp cũng là đòi hỏi không kém phần cấp thiết.
Hy vọng, khó khăn sẽ qua đi, cả nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực BĐS, sẽ bật dậy mạnh mẽ sau dịch, phát triển bền vững trong một môi trường ổn định kinh tế vĩ mô và môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, thuận lợi.
Xin cảm ơn ông!
Ngày 24/3/2020, Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA) đã có văn bản "cầu cứu" Chính phủ. Theo đó, VNREA đưa ra 3 đề xuất:
Thứ nhất, bổ sung doanh nghiệp BĐS vào nhóm đối tượng được xem xét gia hạn nộp thuế trong dự thảo Nghị định của Chính phủ về gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Thứ hai, đề nghị bổ sung thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân vào các sắc thuế được xem xét gia hạn, trong đó có các doanh nghiệp BĐS.
Thứ ba, đề nghị xem xét kéo dài thời gian gia hạn nộp các loại thuế nêu trên cho doanh nghiệp là 1 năm thay vì 5 tháng do ảnh hưởng của đại dịch sự kiến sẽ kéo dài.
Hoặc