Cách đây 4 tháng, Hose bắt đầu có những dấu hiệu "nghẽn lệnh" đầu tiên. Nếu vào lúc đó, lãnh đạo Sở Giao dịch chứng khoán Tp.HCM đánh giá đúng tầm nghiêm trọng của lỗi, báo cáo trung thực lên UBCK, lên Bộ Tài chính, thậm chí lên Thủ tướng Chính phủ, thì biết đâu đấy, lỗi bây giờ đã khắc phục xong. Nhưng do né tránh trách nhiệm, năng lực xử lý còn chưa tốt, hành xử cảm tính, đã để tình trạng xảy ra quá lâu. Đến lúc không còn có thể bưng bít, lãnh đạo Hose lại đề xuất những giải pháp "rất yếu". Giải pháp nâng lô lên 1000 hay giải pháp "cấm hủy sửa lệnh" đều không có tính thị trường, đi ngược với chủ trương phát triển thị trường chứng khoán của Nhà nước.
Có nhiều ý kiến cho rằng, trong khi chờ đợi FPT hoàn tất hệ thống giao dịch mới mất khoảng 3-4 tháng thì sàn vẫn đơ, sẽ gây thiệt hại to lớn cho NĐT. Quả đúng vậy, để tính toán định lượng về mức thiệt hại là rất khó, nhưng chắc chắn thiệt hại không hề nhỏ. Như vậy trong 3-4 tháng tới đây phải có giải pháp tạm thời nào? Việc dùng nhờ HNX là rất nên làm, nhưng nếu chỉ vận động DN chuyển sàn, thì khó có hiệu quả. Lý do là ai sẽ chịu chuyển? Mà nếu có những tình nguyện viên như VNS, BSC, PAN (và nhóm 7 công ty con), thì có thực sự giải quyết được vấn đề hay không? Thanh khoản của những công ty này không quá cao, không làm thay đổi bản chất được.
Tôi xin đề xuất giải pháp tạm thời như sau:
- Chuyển toàn bộ các mã thuộc Vn30 sang dùng "nhờ" hệ thống HNX. Nhóm 30 công ty này đang chiếm khoảng 40% giái trị và khối lượng giao dịch hàng ngày.
- Lập Bảng riêng cho Vn30. Vẫn định danh là sàn Hose.
- Tính chỉ số Vn30, sau đó kết hợp với chỉ số của các mã ở lại sàn Hose, tính ra chỉ số Vn-index. Bản chất sẽ không làm thay đổi bộ chỉ số nào hết. Việc này cần chuyên gia (toán học) - sẽ làm được.
- Các công ty chứng khoán không cần phải tốn chi phí để thay đổi phần mềm, bản chất vẫn định danh là sàn Hose.
Tất cả các bước trên theo tôi chỉ mất tối đa 5 ngày để thực hiện. Chúng ta hy vọng các cơ quan có trách nhiệm, nghiên cứu và xem xét để có thể làm ngay. Bây giờ không còn là "nước đến chân" mà là đã tới cổ rồi, không làm khẩn cấp sẽ nguy hiểm.
(Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của Tiến sỹ Nguyễn Hồng Điệp - CEO tại CTCP Tư Vấn Đầu Tư S-Talk)
Hoặc