Tại ĐHĐCĐ thường niên năm nay, nhiều ngân hàng cho biết sẽ không chia cổ tức. Trong đó, nhiều ngân hàng đã 8 năm liền không chia một đồng cổ tức nào, và dĩ nhiên lại tiếp tục bị cổ đông chất vấn.
Phần lớn cổ đông của ngân hàng bức xúc vì gần 10 năm không được chia cổ tức
Tổ chức ĐHĐCĐ thường niên vào hôm 22/5, cổ đông ngân hàng MSB đã đặt câu hỏi về việc không chi trả cổ tức, dù ngân hàng có kết quả lợi nhuận ấn tượng trong năm 2019. Ông Huỳnh Bửu Quang, Phó Chủ tịch HĐQT cho biết, lợi nhuận để lại năm 2019 còn gần 900 tỷ đồng. Tuy nhiên, mục tiêu của ban điều hành là trong năm 2020 phải xử lý dứt điểm nợ xấu tại VAMC, khi đó nền tảng để ngân hàng chia cổ tức là rất vững mạnh. Nếu chia cổ tức ngay sẽ ảnh hưởng đến năng lực hoạt động. Bên cạnh đó, theo quy định của NHNN thì khi chưa xử lý xong nợ xấu tại VAMC thì chưa thể chia cổ tức. Ông Nguyễn Hoàng Linh, TGĐ MSB cũng "hứa" với cổ đông, ngân hàng dự kiến phần nợ xấu VAMC sẽ được xử lý sạch vào khoảng tháng 7, tháng 8 năm nay và sẽ thuận lợi cho việc chia cổ tức 10% và năm sau.
Câu hỏi tương tự cũng được đặt ra tại ĐHĐCĐ thường niên của Sacombank, vì sao với lợi nhuận hơn 3.200 tỷ đồng trong năm 2019 mà ngân hàng vẫn không chia cổ tức? Lãnh đạo Sacombank cho biết, HĐQT đã đề nghị NHNN cho phép chia cổ tức bằng cổ phiếu nhưng tới nay vẫn chưa được thông qua. Lợi nhuận giữ lại của Sacombank đã đạt hơn 4.000 tỷ. Ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank chia sẻ: "Hy vọng 2022-2023 sẽ không phải nói những điều như thế này. Khi ấy, tái cơ cấu xong, Sacombank chắc chắn mạnh hơn bây giờ nhiều lần, và cổ đông được chia cổ tức".
Trên thực tế, nhiều năm trở lại đây, Sacombank chưa thể chia cổ tức do đang thực hiện tái cơ cấu hậu sáp nhập với ngân hàng Phương Nam.
Một ngân hàng nữa đang phải tập trung tái cơ cấu, xử lý nợ xấu là SCB năm nay cũng chưa thể chia cổ tức. Cổ đông SCB đã chất vấn ban lãnh đạo ngân hàng rằng vì sao trong 8 năm qua, ngân hàng chưa chia cổ tức lần nào. Ông Võ Tấn Hoàng Văn, TGĐ SCB cho biết, việc chia cổ tức khi NHNN chưa cho phép là rất khó và ngân hàng phải hoạt động tuân thủ quy định. Và cũng vì vấn đề này mà năm nay, SCB không đặt vấn đề ngân sách cho HĐQT.
Ngay cả những ngân hàng có kết quả kinh doanh ấn tượng như VPBank trong năm 2019 với lợi nhuận hơn 10 nghìn tỷ cũng cho biết sẽ không chia cổ tức trong năm nay. Ông Bùi Hải Quân, Phó Chủ tịch HĐQT ngân hàng nói: "Mục tiêu của ngân hàng giữ lại tiền là để phát triển ngân hàng. HĐQT cũng chia sẻ với cổ đông, nhưng ngành ngân hàng cần tăng trưởng liên tục, không thể dừng lại, cần tăng quy mô và hướng đến mục tiêu 1 trong những ngân hàng tốt nhất, vì thế ngân hàng không thể đáp ứng được việc chia cổ tức bằng tiền đều đặn hàng năm. HĐQT ngân hàng mong cổ đông chia sẻ với chiến lược đã đề ra".
VietinBank cũng là ngân hàng tiếp tục đề xuất giữ lại toàn bộ lợi nhuận để bổ sung vốn điều lệ. Ngân hàng đã được Chính phủ đồng ý chủ trương giữ lại lợi nhuận năm 2017-2018 và đang chờ sửa đổi Nghị định 91, Nghị định 32 của Chính phủ hoàn chỉnh các thủ tục pháp lý để thực hiện. Đối với năm 2019 và dự kiến năm 2020, phương án phân phối lợi nhuận trình các cổ đông cũng tương tự để bổ sung vốn tự có cho ngân hàng.
Trong khi đó, một số ngân hàng khác vẫn quyết định chia cổ tức cho cổ đông nhưng dưới dạng cổ phiếu, nhằm bổ sung vốn điều lệ. Chẳng hạn, Chủ tịch TPBank ông Đỗ Minh Phú cho biết, trong năm 2020 ngân hàng quyết tâm tăng vốn điều lệ theo kế hoạch (8.566 tỷ đồng lên 10.199 tỷ đồng) bằng phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 20%, dự kiến thực hiện trong quý 3 hoặc quý 4 năm nay. Còn ở ACB sẽ trình cổ đông phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 30%.
Hiện những ngân hàng "đều đặn" chia cổ tức bằng tiền mặt như MBBank và Vietcombank vẫn chưa công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ năm 2020. Song việc chia cổ tức, nếu có, thì khả năng cao là bằng cổ phiếu bởi NHNN đã có chỉ thị đề nghị các ngân hàng tạm thời không chia cổ tức bằng tiền mặt để tập trung nguồn lực hạ lãi suất cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19, cũng như có nguồn lực để chuẩn bị đối phó nợ xấu.
Theo nhiều chuyên gia, yêu cầu trên của NHNN là hoàn toàn hợp lý vì tác động của Covid-19 tới ngành ngân hàng là không nhỏ. Theo ước tính của NHNN, có hơn 2 triệu dư nợ tín dụng bị ảnh hưởng bởi Covid-19, chiếm gần 1/4 dư nợ toàn hệ thống. Trong khi đó, tín dụng 5 tháng đầu năm chỉ tăng 1,96%, thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ các năm trước do doanh nghiệp lâm vào tình cảnh khó khăn, không có nhu cầu vay vốn. Và điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới kết quả lợi nhuận của các ngân hàng trong năm nay.
Bên cạnh đó, NHNN cũng cho rằng khả năng nợ xấu sẽ tăng trong năm nay. Ông Trần Đăng Phi, Phó Chánh Thanh tra, Cơ quan Thanh tra, giám sát, NHNN cho biết, trong thời gian qua, các TCTD đã áp dụng rất nhiều biện pháp kiểm soát nợ xấu. Nhờ đó, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống được kiểm soát dưới 2%. Tuy nhiên, trong 3 tháng gần đây, nợ xấu tiềm ẩn có xu hướng tăng.
Trước đó, NHNN đã ước tính 2 kịch nợ xấu trong năm nay. Trường hợp dịch Covid-19 được kiểm soát trong quí 1, tỷ lệ nợ xấu (gồm nội bảng, đã bán cho VAMC và nợ đã thực hiện phân loại nợ) sẽ ở mức 2,9% - 3,2% vào cuối quí II và từ 2,6% - 3% vào cuối năm 2020.
Trong trường hợp dịch diễn biến phức tạp hơn và được kiểm soát trong quí 2, tỷ lệ này sẽ ở gần mức 4% vào cuối quý II và 3,7% vào cuối năm 2020 và còn có thể cao hơn. Điều này sẽ dẫn tới việc ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và khả năng phục hồi của những TCTD yếu kém.
Hoặc