Theo thông báo của Ban thẩm tra tư cách cổ đông, tính đến 9 giờ 37 phút ngày 29/07/2020, số cổ đông tham dự là 142 cổ đông, đại diện cho 523.311.417 cổ phần, chiếm tỉ lệ 42,57% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Căn cứ quy định tại luật Doanh nghiệp và Điều lệ Eximbank, Ông Trần Ngọc Dũng –Trưởng Ban thẩm tra tư cách cổ đông đã tuyên bố đại hội không đủ điều kiện tiến hành. Như vậy ĐHĐCĐ thường niên Eximbank năm 2020 sẽ tiếp tục được triệu tập lần thứ 3 theo quy định của luật Doanh nghiệp và Điều lệ Eximbank. Hội đồng Quản trị Eximbank cho biết sẽ thông báo thời gian và địa điểm cụ thể theo trình tự thủ tục triệu tập được pháp luật quy định.
 
Được biết nội dung của ĐHĐCĐ lần này dự kiến thông qua nhiều chủ trương quan trọng như kế hoạch kinh doanh, báo cáo tài chính, xây dựng trụ sở mới, bầu ra HĐQT nhiệm kỳ mới 2020-2025 sau khi danh sách ứng cử viên HĐQT đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt. Bên cạnh đó, đại hội sẽ trình cổ đông thông qua việc sửa đổi, bổ sung một số quy định điều lệ hoạt động…
 
Thế nhưng, theo nhận xét của giới quan sát, trước thềm ĐHĐCĐ của ngân hàng này thường rối như "canh hẹ". Đầu tiên phải kể đến việc cổ đông Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) đang nắm giữ 15% yêu cầu tổ chức đại hội cổ đông bất thường lần 2 trước rồi hãy đến ĐHĐCĐ lần 2.
 
Thậm chí, về việc này, SMBC có văn bản gửi đến Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và Hội đồng quản trị Eximbank để đề đạt yêu cầu.
SMBC cho rằng, điểm quan trọng của Đại hội cổ đông bất thường là giải quyết các vấn đề thuộc năm tài chính 2019 đã bị trì hoãn trong thời gian dài. Khi giải quyết xong tất cả các vấn đề của năm tài chính 2019 mới xem xét tới các vấn đề của năm 2020 và nhiệm kỳ hội đồng quản trị 2020 – 2025.
 
Ban Giám đốc Eximbank trao đổi với cổ đông sau khi đại hội bất thành /// Ảnh: T.Xuân
Trước đó ngày 30/06/2020, Ban Giám đốc Eximbank đã trao đổi với cổ đông sau khi đại hội tổ chức bất thành
 
Ngày 30/6/2020 Eximbank tổ chức đại hội cổ đông bất thường 2019 và đại hội cổ đông thường niên 2020 trong cùng 1 ngày nhưng không thể diễn ra do không đủ túc số. Mặc dù đã triệu tập đại hội thường niên 2020 theo quy định, nhưng ngân hàng này vẫn chưa triệu tập đại hội cổ đông bất thường 2019 và hiện nhiều nhà đầu tư vẫn tiếp tục chờ.
 
Trong vòng 5 năm qua - đúng bằng 1 nhiệm kỳ - đại hội cổ đông của nhà băng này liên tục bị hoãn, chỉ có 1 lần duy nhất đại hội diễn ra thành công là năm 2018. Và có một điểm chung giữa các lần rục rịch tổ chức đại hội là nhân sự cấp cao có sự thay đổi.
 
Theo đó ngày 25/7/2020, Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu (Eximbank - EIB) đã có Nghị quyết về việc miễn nhiệm chức danh Phó Chủ tịch HĐQT đối với ông Đặng Anh Mai. Được biết Ông Đặng Anh Mai sinh năm 1966, tốt nghiệp thạc sĩ tại Đại học Duke – Mỹ. Ông từng giữ nhiều chức vụ quan trọng tại Ngân hàng Nhà nước và các định chế tài chính trong và ngoài nước như Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Ngân hàng Nhà nước, Trợ lý Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Á Châu, Thành viên HĐQT Ngân hàng Đại Á… và được bầu vào vị trí Phó Chủ tịch HĐQT vào tháng 7/2017 cho nhiệm kỳ 2015-2020, cùng thời điểm bầu ông Yasuhiro Saitoh giữ cùng vị trí Phó Chủ tịch HĐQT Eximbank.
 
Eximbank bất ngờ miễn nhiệm Phó Chủ tịch HĐQT Đặng Anh Mai
Ông Đặng Anh Mai, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Eximbank
 
Theo ý kiến các chuyên gia đánh giá thì ở góc độ pháp lý, Luật sư Trương Anh Tú, HĐQT - ĐHĐCĐ giống như cơ quan quyền lực nhất, là bộ não của doanh nghiệp, là thượng tầng kiến trúc của doanh nghiệp. Khi "bộ não" đó không được tiến hành đúng thời điểm thì sẽ khiến cho các hoạt động của doanh nghiệp khó lòng mà trơn tru.
 
Do đó, việc tìm tiếng nói đồng thuận, ý chí đồng lòng của HĐQT Eximbank là cần thiết hơn bao giờ hết. Có như thế, không biết "nồi canh hẹ" của ngân hàng này mới hết rối.

.

Chuyên gia kinh tế Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng

Cũng đánh giá về vấn đề đang diễn ra tại Eximbank, Chuyên gia kinh tế Phan Dũng Khánh cho rằng "Khi ĐHĐCĐ không diễn ra hoặc hoãn sẽ khó có chính sách, kế hoạch trung dài hạn, khó đổi mới được các hoạt động của ngân hàng. Đặc biệt, sẽ làm nhà đầu tư, cổ đông và nhân viên không ổn định tâm lý vì rõ ràng nội bộ có bất ổn, mâu thuẫn chưa giải quyết được".