Hồi năm 2000, bạn tôi trả tiền cho các chú bác, mua lại toàn bộ căn nhà đó. Cơn sốt đất 2008 đã đẩy giá nhà ở Hà Nội, nhất là các nhà mặt tiền phố cổ lên cao chóng mặt. Hồi đó dân tình trầm trồ trước thông tin Hàng Gai có giá 50 cây vàng/m2, nếu tính theo tiền khoảng 900 triệu/m2. Thế rồi khi cơn sốt qua đi, giá bắt đầu giảm rất nhanh. Tôi từng có lúc khuyên bạn tôi bán đi, được khoảng 500 triệu/m2 (giảm 40% so với đỉnh). Bạn tôi cười bảo tôi: Sao lúc 700 không bán, bây giờ rớt về 500 lại bán? Sao không tìm cơ hội để mua thêm các nhà bên cạnh, vay tiền để mua, vì bạn tôi ĐỊNH GIÁ là phải trên 1 tỷ/m2. Quả đúng thật, bây giờ căn nhà của bạn tôi khoảng 2 tỷ/m2.
Không chỉ có đất đai, mà trong bất cứ lĩnh vực đầu tư nào, việc định giá là vô cùng quan trọng. Hồi mới chập chững vào chứng khoán, tôi "sợ" cổ phiếu có thị giá cao lắm, chỉ "thích" cổ nào giá thấp. Đối với tôi, thấp có nghĩa là rẻ. Kể ra điều này cũng không hẳn là sai, vì để tăng 20% của 10.000, sẽ dễ hơn rất nhiều với để tăng 20% của 150.000. Nhưng với tư duy "lớp 1" hồi đó, tôi đã phải trả giá không ít lần. Sau này khi đọc và nghiên cứu nhiều hơn, tôi bị ảnh hưởng theo những bậc thầy về đầu tư như Darvas, O'Neil, nên đã có cái nhìn khác hơn về "giá cả". Tôi ưu tiên chọn những cổ phiếu CÓ KHẢ NĂNG tăng giá, bất chấp nó có thị giá cao hay thấp. Như thế, việc chọn doanh nghiệp hay mã tăng trưởng, là yếu tố quyết định, chứ không phải dựa vào KQKD quá khứ.
Có một bạn MG nói với tôi rằng: Trong lúc TT rơi, giá là vô nghĩa, rẻ bằng ly trà đá, nó còn mang ra bán kìa. Đó cũng là tư duy của rất nhiều MG thời nay. Họ sẵn sàng "xúi" khách hàng bán bằng mọi giá, cho dù món hàng đó mua là xác định đầu tư. Trong đầu họ, không khi nào xuất hiện "tư duy ngược", tại sao không thử mua khi mọi người bán nhỉ? Giá không bao giờ là vô nghĩa được, bất kể khi thị trường xảy ra biến cố nào đi chăng nữa. Tôi đã từng chứng kiến những "cơn hoảng loạn" khi bầu Kiên bị bắt, vụ giàn khoan, vụ Bắc Hà. Nhưng sau này, khi ai tận dụng được các cơ hội mua giá rẻ đó, họ đã trở thành tỷ phú.
Rất nhiều lần, tôi đã nhấn mạnh sự khác nhau giữa ĐẦU TƯ và ĐẦU CƠ. Tuy mục tiêu đều là kiếm lợi nhuận trong việc mua bán cổ phiếu, nhưng nếu đầu cơ dựa theo sóng thị trường, không quan tâm đến nội tại doanh nghiệp, chỉ cần theo dòng tiền, thì đầu tư lại ưu tiên đến định giá. Cho nên nếu là đầu tư, hãy vui mừng khi có giá rẻ, "vừa miếng", đúng mục tiêu. Đừng ngần ngại mua thêm, kể cả có phải vay tiền (dùng Margin). Kinh nghiệm cho thấy, cả ĐẦU CƠ hay ĐẦU TƯ đều tốt đẹp và cho hiệu quả như nhau, nếu giữ đúng được nguyên tắc hành xử.
Như vậy, ý nghĩa "giá" trong đầu tư là vô cùng quan trọng. Chỉ có mua rẻ, bán cao, thì mới có thể kiếm được lợi nhuận. Hoảng loạn luôn đồng nghĩa với thất bại. Tất nhiên, rẻ hay đắt là phải dùng kiến thức, học thuật, để phân định. Chỉ có như vậy, NĐT nhỏ lẻ, mới đứng vững được khi phong ba ập đến.
(Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của Tiến sỹ Nguyễn Hồng Điệp - CEO tại CTCP Tư Vấn Đầu Tư S-Talk, CafeBusiness đặt tít)
Hoặc