Gần 100 dự án tham gia Giải thưởng Vinfure đến từ các nhà khoa học nằm trong top 2% được trích dẫn nhiều nhất. Nhiều người trong số họ đã từng nhận được các giải thưởng cao quý như Giải thưởng Nobel, Giải thưởng Breakthrough, Giải thưởng Tang Prize, Giải thưởng Japan Prize….
Mặc dù phần lớn các tác giả là các nhà khoa học đến từ Bắc Mỹ (31,6 %), châu Á (33, 9%) và châu Âu (21%); nhưng VinFuture cũng ghi nhận sự góp mặt ấn tượng của các nhà nghiên cứu từ châu Đại Dương, châu Mỹ La tinh và châu Phi. Đáng chú ý, các nhà khoa học nữ hiện diện ở tất cả các hạng mục đề cử và chiếm 34,3% tổng số ứng viên.
Tất cả đều chung mục tiêu hướng tới khoa học phụng sự nhân loại, cống hiến những giải pháp có tính ứng dụng và thực tiễn cao, nhằm tạo ra sự thay đổi tốt đẹp cho cuộc sống con người.
Một buổi webinar chia sẻ thông tin về Giải thưởng VinFuture và quá trình đề cử tới các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trên thế giới
Chỉ sau hơn 4 tháng mở cổng tiếp nhận đề cử, Giải thưởng đã thu hút được gần 1.200 đăng ký giới thiệu đề cử đến từ những nôi học thuật trên thế giới. Điển hình là Đại học Harvard, nơi hội tụ nhiều nhà khoa học lỗi lạc; Đại học Cambridge và Oxford, nơi nổi tiếng về khoa học tự nhiên và kỹ thuật với nhiều nhà khoa học đạt giải Nobel; Đại học Tokyo - tổ chức giáo dục đại học hàng đầu tại Nhật Bản…. cùng các tổ chức uy tín như Viện Sức khỏe Quốc gia Hoa Kỳ; Hiệp hội Max Planck của Đức; Viện Khoa học Trung Quốc…
“Quỹ VinFuture vô cùng vui mừng vì dù đây là lần đầu tiên một giải thưởng của Việt nam xuất hiện nhưng đã được giới khoa học toàn cầu đón nhận nồng nhiệt, đặc biệt là trong các đề cử xuất hiện nhiều tên tuổi lớn, những người đã mang lại những đóng góp vô cùng ý nghĩa cho nhân loại, giải quyết những thách thức toàn cầu như đại dịch, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, thiếu hụt tài nguyên thiên nhiên… Chúng tôi cũng hết sức ấn tượng về sự tham gia mạnh mẽ của các nhà khoa học nữ, các nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển cũng như các nhà khoa học tiên phong nghiên cứu các lĩnh vực mới”, Giáo sư Nguyễn Thục Quyên, Trường Đại học California, Santa Barbara, Đồng Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo Quỹ VinFuture chia sẻ.
Bên cạnh số lượng hùng hậu của dự án và uy tín của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu được đề cử, Giải thưởng VinFuture năm nay cũng chứng kiến sự đa dạng và chiều sâu của các lĩnh vực được nghiên cứu nhằm giải quyết những thách thức chung của nhân loại. Các sáng kiến tập trung giải quyết việc phòng chống và điều trị dịch bệnh ở quy mô toàn cầu; các nghiên cứu/phát minh nhằm xóa đói giảm nghèo lâu dài; phát triển nông nghiệp thông minh và cung cấp lương thực, thực phẩm sạch; phát triển năng lượng tái tạo; ứng dụng trí tuệ nhân tạo và các công nghệ số khác trong giáo dục và đời sống…
Trong giai đoạn tiếp theo, các đề cử sẽ được xét duyệt bởi Hội đồng sơ khảo gồm 12 thành viên là các nhà khoa học, các chuyên gia uy tín ở nhiều lĩnh vực và quốc gia. Dự kiến, Hội đồng sơ khảo sẽ giới thiệu những ứng viên xứng đáng nhất cho Hội đồng Giải thưởng vào tháng 8/2021.
Các thành viên Hội đồng Giải thưởng VinFuture
Việc chọn lựa các ứng viên đoạt giải sẽ được thực hiện độc lập bởi Hội đồng Giải thưởng bao gồm 11 cá nhân xuất sắc trong giới học thuật, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo trên toàn cầu, với nhiều thành tựu và đóng góp nổi bật trong việc thúc đẩy sự tiến bộ của nhân loại.
Giải thưởng chính (VinFuture Grand Prize) sẽ được trao cho đề cử mang lại sự thay đổi tích cực nhất cho nhân loại. Đây cũng là một trong các giải thưởng có giá trị lớn nhất từ trước đến nay trên toàn cẩu, lên đến 70 tỉ đồng, tương đương 3 triệu đôla Mỹ.
Bên cạnh đó, VinFuture sẽ trao 3 giải đặc biệt dành cho các nhà khoa học nữ, các nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển và các nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới. Mỗi giải đặc biệt có trị giá 11,5 tỉ đồng mỗi năm, tương đương 500.000 đôla Mỹ.
Chủ nhân của các Giải thưởng VinFuture năm 2021 sẽ được công bố vào ngày 20/12/2021. Lễ trao giải sẽ được tổ chức tại Việt Nam vào ngày 20/1/2022.
Hoặc