Thông tin trên được Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết tại báo cáo gửi Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề, chất vấn lĩnh vực xây dựng.
Giải ngân chậm
Dựa trên báo cáo của Bộ Xây dựng, hiện các ngân hàng đã cam kết cấp tín dụng cho 15 dự án với số tiền khoảng 7.000 tỷ đồng. Trong đó có 7 địa phương được giải ngân 8 dự án nhà ở xã hội, với số vốn khoảng 640 tỷ đồng.
Điển hình như ngân hàng BIDV đã giải ngân cho 3 chủ đầu tư dự án (tại Phú Thọ, Thanh Hóa và Bình Dương) với số tiền là 95,7 tỷ đồng; Vietinbank đã giải ngân cho 1 chủ đầu tư dự án (An Giang) với số tiền là 128,6 tỷ đồng; Agribank đã giải ngân cho 4 chủ đầu tư dự án (Bắc Ninh, Quảng Ninh và Kiên Giang) với số tiền là 415,7 tỷ đồng. Không chỉ các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước, mà Ngân hàng Tiên Phong (TPbank) cũng có trách nhiệm tham gia chương trình hỗ trợ theo Nghị quyết số 33 với số tiền khoảng 5.000 tỷ đồng.
Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, tuy bước đầu trong triển khai gói hỗ trợ tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 33 đã có kết quả, song việc giải ngân còn chậm do tồn tại một số vướng mắc.
Cụ thể, việc công bố danh mục nhà ở xã hội đủ điều kiện vay còn hạn chế. Đến nay đã có 129 dự án nhà ở xã hội (quy mô 114.934 căn) được khởi công xây dựng. Tuy nhiên, mới chỉ có 28 địa phương công bố danh mục 68 dự án đủ điều kiện vay theo chương trình với nhu cầu vay vốn hơn 30.000 tỷ đồng. Như vậy, còn 59 dự án đã khởi công nhưng chưa được đưa vào danh mục đủ điều kiện vay của các địa phương.
Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư cũng không đủ điều kiện về tín dụng như: không đảm bảo điều kiện dư nợ tín dụng; không có tài sản khác để thực hiện đảm bảo tín dụng (dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất nên không đủ điều kiện thế chấp); đã vay tại các tổ chức tín dụng khác…
Mặc dù NHNN đã hai lần hạ lãi suất, còn 8% với chủ đầu tư và 7,5% với người mua nhà nhưng lãi suất cao, thời hạn ưu đãi lại ngắn (từ 3-5 năm) nên "chưa thực sự thu hút người vay".
Nguyên nhân do đâu?
Ông Đỗ Thanh Sơn - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank) cho biết, khó khăn đầu tiên của các dự án nhà ở xã hội là rào cản pháp lý. Thủ tục triển khai dự án nhà ở xã hội khá phức tạp, mất nhiều thời gian hơn với các dự án nhà ở thương mại.
Ngoài ra, quy định cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân hiện nay bị hạn chế lợi nhuận do bị khống chế ở mức 10% nên chưa đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư. Một số dự án nhà ở xã hội đã được phê duyệt nhưng chưa có nhà đầu tư, chưa có lộ trình, kế hoạch triển khai cụ thể. Đáng chú ý, về nguồn vốn tài trợ dự án, bản chất gói 120.000 tỷ đồng là gói tín dụng từ nguồn vốn thương mại của ngân hàng, không có hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.
Mặc dù các ngân hàng thương mại dành nguồn lực ưu tiên cho chương trình, nhưng mức lãi suất cho chủ đầu tư, người mua nhà vẫn chưa đủ hấp dẫn so với các chương trình hỗ trợ từ nguồn vốn ngân sách nhà nước. Những thách thức này chính là lý do khiến kết quả phát triển nhà ở xã hội dù đã tích cực hơn nhưng vẫn còn khiêm tốn tại một số địa phương.
Dù tâm huyết với phát triển nhà ở xã hội, xem đây là việc làm rất có ý nghĩa. Tuy nhiên, ông Nguyễn Việt Cường - Chủ tịch Tập đoàn Phú Cường đã nhìn nhận doanh nghiệp gặp rất nhiều rào cản khi đặt chân vào phân khúc nhà ở này.
Một trong những thách thức rất lớn được ông Cường chỉ ra là thủ tục pháp lý. Đến nay, tập đoàn đã xây dựng hơn 1.000 căn nhà xã hội tại TP.Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang và đang triển khai hơn 1.000 căn. Tuy nhiên, nhắc đến tình trạng "trên trải thảm, dưới rải đinh", ông Cường bày tỏ băn khoăn về bất cập, vướng mắc thủ tục hành chính hay vấn đề cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám làm vì lợi ích chung.
Lấy ví dụ về trường hợp một doanh nghiệp có năng lực tốt, luôn tuân thủ pháp lý, đã triển khai một dự án được 6 năm, mọi thứ gần như hoàn thiện thì có công văn gửi đến yêu cầu phải rà soát dự án đó.
“Vậy là dự án "đóng băng" hơn 3-4 năm nay, không triển khai được, gây thiệt hại 2 - 3 nghìn tỷ đồng mà doanh nghiệp đã bỏ vào đó để mua đất và xây dựng. Hơn nữa còn thiệt hại là chưa đóng thuế cho nhà nước. Như vậy, không chỉ thiệt hại cho cả nhà nước mà còn thiệt hại cho cả doanh nghiệp”, ông Cường chia sẻ.
Bên cạnh đó, ông Trần Ngọc Anh – Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Viglacera cho rằng, các quy định về đối tượng và điều kiện mua nhà ở xã hội vẫn còn hạn chế, khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi kinh doanh loại hình này.
Để giải quyết những vướng mắc pháp lý cũng như thúc đẩy gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, Bộ trưởng Xây dựng cho biết, trong cuối tháng 4, Bộ đã có hướng dẫn về xác định danh mục dự án, đối tượng, điều kiện và tiêu chí vay ưu đãi . Một số đã được cắt giảm như điều kiện về bồi thường giải phóng mặt bằng, cấp phép xây dựng, giúp chủ đầu tư sớm được công bố danh mục vay vốn để tiếp cận với gói tín dụng 120.000 tỷ đồng.
"Trong thời gian tới, với sự quyết liệt của các cấp chính quyền trong việc tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội thì việc giải ngân gói hỗ trợ này sẽ đạt kết quả tốt hơn" - Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định.
Hoặc