Một thương vụ M&A đáng chú ý được đề cập là một loạt hoạt động mua lại dự án của Novaland. Báo cáo tài chính của tập đoàn này cho thấy năm 2019, tập đoàn dành tới 13.000 tỷ đồng để M&A các dự án bất động sản, và hoạt động này tiếp tục diễn ra trong năm 2020. Đáng chú ý các thương vụ lớn thời gian qua của Novaland như 4.000 tỷ ở Phan Thiết, quỹ đất dự án Aqua City, dự án Nova Beach Cam Ranh,… Đến nay, tổng cộng tập đoàn này đã sở hữu và nghiên cứu triển khai quỹ đất khoảng 5.000ha.

Hưng Thịnh cũng là cái tên được đề cập trong việc thực hiện M&A khi chuyển đổi dự án của một “ông lớn” khi chuyển nhượng dự án Hải Giang Merry Land tại Quy Nhơn có quy mô lên đến 656 ha với tổng mức đầu tư lên đến 3.500 tỷ đồng. Ngoài ra, mới đây cũng thâu tóm khu đất có quy mô lên tới 1.000ha tại Lâm Đồng.

Hải Giang Merry Land là một trong dự án quy mô của Hưng Thịnh tại Quy Nhơn

Phát Đạt mới đây cũng đã thống nhất chủ trương mua lại 99% vốn Công ty Bến Thành Long Hải, chủ sở hữu Tổ hợp nghỉ dưỡng Wyndham Tropicana Long Hải tại huyện Đất Đỏ (Bà Rịa – Vũng Tàu), quy mô dự án khoảng hơn 12ha, được quy hoạch xây dựng khách sạn, biệt thự biển…

Trong giai đoạn 1, chủ đầu tư sẽ xây dựng tòa căn hộ khách sạn 18 tầng gồm 356 phòng và 28 căn biệt thự biển trên diện tích 2,69ha. Sang giai đoạn 2, chủ đầu tư sẽ tiếp tục hoàn thiện tòa căn hộ khách sạn 25 tầng gồm 550 phòng và 96 căn biệt thự núi trên diện tích 9,95ha. Giá trị thương vụ được giới thạo tin cho biết lên đến 1000 tỷ đồng.

Còn tại Đà Nẵng, tập đoàn Danh Khôi cũng âm thầm tiến hành thâu tóm nhiều dự án đất vàng ở trung tâm. Danh Khôi mua lại dự án Hotel And Resort Đà Nẵng từ Công ty CP Đầu Tư Du Lịch Hà Nội Non Nước. Có quy mô diện tích 7,5 hecta, nằm trên đường Trường Sa, quận Ngũ Hành Sơn.

Ngoài ra, Danh Khôi cũng mua lại 100% Công ty TNHH MTV Đầu tư Sun Frontier để trở thành chủ đầu tư dự án Sun Frontier tại trung tâm Tp Đà Nẵng,…Trước đó, doanh nghiệp này cũng thâu tóm hơn 11.000m2 tại 3 ô đất thuộc dự án Cồn Tân Lập ở TP Nha Trang.

The Royal là dự án được Danh Khôi mua lại và triển khai trong thời gian gần đây

Tuy nhiên, gây bất ngờ nhất là Capitaland Tower hay còn gọi là dự án Landmark 60 Bason. Theo thông tin báo giới có được, hồi đầu tháng 7 vừa qua Capitaland Tower và CTCP Dịch vụ - Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Setra Corp) đã ký kết thỏa thuận đặt cọc số 01/TTĐC/STR-CTC.

Trong đó, Capitaland Tower sẽ chuyển nhượng phần dự án quy mô 6.042 m2 tọa lạc tại khu phức hợp Sài Gòn-Ba Son cho phía đối tác mới. Ở một diễn biến khác là ngay sau khi ký thỏa thuận này, Setra Corp đã phát hành tổng cộng 3.750 tỷ đồng trái phiếu, nhưng danh tính trái chủ không được tiết lộ.

Ban đầu, Công ty TNHH Capitaland Tower (Capitaland Tower) được thành lập ngày 4/4/2016, tiền thân là Công ty TNHH Tư vấn và quản lý bất động sản Capitaland Việt Nam, một thương hiệu BĐS từ Singapore.

Dự án Capitaland Tower nằm vị trí kim cương tại TP.HCM được M&A và thay tên đổi họ từ tên cũ Landmark 60 Bason

Nhưng từ 2018 đến nay, dự án này có những động thái thay đổi người đại diện theo ủy quyền cho phần vốn góp của nhà đầu tư ngoại tại Capitaland Tower, trong đó đáng chú ý có ông Chiu Bing Keung Kenneth – thành viên HĐQT của Alpha King. Từ đầu năm 2019 chủ mới dự án đã lộ diện là CLV Investment 6 Limited có trụ sở tại Cayman Islands, song vẫn còn mối liên hệ với tập đoàn trong nước.

Bên cạnh đó, cập nhật tới ngày 11 tháng 8 năm 2020, Setra Corp còn nâng vốn điều lệ lên mức 2.000 tỷ đồng.

Setra Corp là một doanh nghiệp có lịch sử hoạt động lâu năm, được thành lập từ tháng 10/1999. Hiện, tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Setra Corp là ông Trần Văn Tuấn (SN 1980).

Ông Tuấn là một doanh nhân kín tiếng, hiện còn đứng tên tại Công ty Luật TNHH MTV ABI Light. Do đó, cũng không loại trừ khả năng ông Trần Văn Tuấn chỉ đóng vai trò ra mặt đại diện cho giới chủ đứng sau Setra Corp.

Bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc bộ phận nghiên cứu, tư vấn phát triển và thẩm định giá của CBRE Việt Nam tại Hà Nội cho rằng, M&A là xu hướng diễn ra mạnh trong lĩnh vực BĐS thời gian qua.

Trước khó khăn của thị trường BĐS do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19, nhiều chủ đầu tư dự án rơi vào tình trạng khó khăn về tiềm lực tài chính cũng như thanh khoản nên buộc phải bán trao tay dự án hoặc chấp nhận chuyển nhượng, san sẻ bớt cổ phần... Theo bà An, đây cũng chính là cơ hội mua bán sáp nhập các dự án BĐS cho cả nhà đầu tư nội và ngoại - những người có tiềm lực mạnh về tài chính.