Lỡ hẹn bởi "cục máu đông" tại VAMC

Tại ĐHĐCĐ của Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB), ông Huỳnh Bửu Quang, Phó chủ tịch HĐQT MSB cho biết, lợi nhuận để lại của năm 2019 còn gần 900 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu chia cổ tức thì sẽ ảnh hưởng đến năng lực hoạt động, hơn nữa, năm 2020, MSB đặt mục tiêu xử lý dứt điểm các khoản trái phiếu nợ xấu đang được quản lý tại Công ty Quản lý tài sản (VAMC). Trong khi theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ngân hàng nào chưa xử lý xong nợ xấu tại VAMC thì chưa thể được chia cổ tức. Do đó, vị này hứa hẹn, năm 2021 sẽ trả cổ tức cho cổ đông, bởi vào năm 2019, ĐHĐCĐ đã thông qua kế hoạch không chia cổ tức cho năm 2019 mà sẽ chia cổ tức 10% cho năm 2020, nhưng đến nay lại không thực hiện được.

Tương tự, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) cũng đã nhiều năm không chia cổ tức, trong khi tổng tài sản đã tăng lên nhiều lần. Điều này khiến không ít cổ đông tỏ ra không đồng tình, yêu cầu chia cổ tức. Nhưng theo lãnh đạo SCB, việc chia cổ tức mà chưa được phép thì rất khó, bởi ngân hàng vẫn đang trong quá trình xử lý nợ xấu đang được quản lý tại VAMC.

Tại Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), để được chia cổ tức cho cổ đông, ngân hàng này cũng phải xử lý hết khoảng 3.300 tỷ đồng trái phiếu đang được quản lý tại VAMC. Tuy nhiên, đến cuối năm 2019, Eximbank đã trích dự phòng được 2.100 tỷ đồng. Nên ngân hàng này còn cần thêm hơn 1.000 tỷ đồng để tất toán toàn bộ trái phiếu tại VAMC. Dự kiến việc này có thể thực hiện trong tháng 6/2020, khi mọi việc xong xuôi thì Eximbank mới có thể lên kế hoạch chia cổ tức theo quy định.

Không chia rồi lại… không chia

Theo tài liệu ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 của Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank), HĐQT dự kiến trình ĐHĐCĐ thông qua việc phân phối lợi nhuận, với đề xuất cho phép giữ lại toàn bộ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Điều này đồng nghĩa với việc ABBank sẽ không chia cổ tức cho cổ đông. Trong khi trước đó, vào năm 2019, ĐHĐCĐ ngân hàng này cũng thông qua kế hoạch không chia cổ tức cho cổ đông, toàn bộ lợi nhuận còn lại năm 2108 là 624 tỷ đồng được giữ lại để tiếp tục gia tăng năng lực tài chính. Do đó, tổng lợi nhuận còn lại chưa phân phối hiện đã lên tới trên 1.403 tỷ đồng.

HĐQT của ngân hàng này lý giải, việc giữ lại lợi nhuận sau thuế là để tích luỹ vốn tăng cường năng lực tài chính, đáp ứng yêu cầu tuân thủ quy định của NHNN và nhu cầu phát triển của Ngân hàng trong những năm tới. Điều này là cần thiết nên HĐQT đề xuất giữ lại toàn bộ lợi nhuận sau thuế còn lại để tăng vốn điều lệ.

Một ngân hàng khác cũng tiếp tục không chia cổ tức là Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank). Điều này đã khiến nhiều cổ đông của Sacombank “bức xúc” trước việc nhiều năm rồi, ngân hàng này không chia cổ tức dù kết quả kinh doanh rất tốt, lợi nhuận tích lũy cũng đạt mức khá cao. Lý do được ban lãnh đạo ngân hàng này đưa ra là do NHNN chưa đồng ý với đề xuất cho Sacombank chia cổ tức bằng cổ phiếu do đang trong giai đoạn tái cơ cấu. Vì thế, đại diện lãnh đạo Sacombank chỉ còn biết hy vọng đến khoảng năm 2022-2023 sẽ có sự bứt phá, khi ấy ngân hàng tái cơ cấu xong thì sẽ mạnh hơn và được chia cổ tức.

Với Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank), 2 năm 2019 và 2020, ngân hàng này đã không chia cổ tức mà để lại lợi nhuận để phát triển ngân hàng. Ông Bùi Hải Quân, Phó Chủ tịch HĐQT VPBank cho biết đây là sự đánh đổi, bởi mục tiêu của ngân hàng giữ lại tiền là để phát triển ngân hàng, do ngành ngân hàng cần tăng trưởng liên tục để đảm bảo thị phần và các chỉ số an toàn, nên không thể đáp ứng được việc chia cổ tức bằng tiền đều đặn hàng năm.

Thực tế là ngay khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh trong nước hồi tháng 3, NHNN đã có chỉ thị các tổ chức tín dụng điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính phù hợp với thực tế trước khi tổ chức đại hội cổ đông, trước mắt không chia cổ tức bằng tiền mặt để tập trung nguồn lực giảm mạnh lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện nay và các khoản cho vay mới. Vì thế, một phần để thực hiện yêu cầu này của cơ quan quản lý, một phần để đáp ứng các kế hoạch tài chính, nhất là kế hoạch tăng vốn, các ngân hàng, một là không chia cổ tức, hai là chia cổ tức bằng cổ phiếu.

ĐHĐCĐ mới đây của Ngân hàng TMCP Tiên phong (TPBank) đã thông qua việc tăng vốn điều lệ từ 8.566 tỷ đồng lên 10.199 tỷ đồng bằng phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỉ lệ 20%, dự kiến thực hiện trong quý 3 và quý 4/2020. Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) đưa ra mục tiêu chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 25-27% nhằm tăng vốn thêm 1.299 tỷ đồng. Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) trả cổ tức 30% bằng cổ phiếu. Ngân hàng TMCP Phát triển TPHCM (HDBank) dự kiến phát hành cổ phiếu thưởng và chia cổ tức tổng tỷ lệ 65%...