Thành công đến sớm

Không như nhiều thương hiệu nổi tiếng khác được thành lập từ lâu với những ngành nghề đa dạng, Dell mới có tuổi đời 36 năm và tập trung vào mảng sản xuất máy tính ngay từ những ngày đầu. Năm 1984, cậu sinh viên của Đại học Austin tại Texas Michael Dell đã thành lập tập đoàn máy tính của riêng mình với tên gọi lúc đó là PC’s Limited có trụ sở tại… ký túc xá của trường.

Khởi nghiệp chỉ 1.000 USD nhưng chỉ sau một năm công ty của Dell đã mang về doanh thu đến 73 triệu USD

Sau khi nhận được khoản trợ cấp khoảng 1,000 USD từ gia đình để phục vụ việc kinh doanh, Michael đã bỏ học và tập trung hoàn toàn vào công ty của mình. Chỉ 1 năm sau khi được thành lập, công ty đã sản xuất được chiếc máy tính đầu tiên với tên gọi Turbo PC và bán chúng với giá lên tới 795 USD.

Chiếc máy tính này xuất hiện trên nhiều tạp chí chuyên ngành trên toàn nước Mỹ, nơi mà người dùng có thể đặt hàng hoặc yêu cầu tùy chỉnh cho chiếc máy tính của mình. Trong năm đầu tiên hoạt động, công ty đã thu về tới 73 triệu USD, một con số tương đương với hàng trăm triệu USD vào thời điểm hiện tại.

Năm 1987, công ty chính thức lấy tên theo họ của nhà sáng lập là Dell thay cho PC’s Limited và bắt đầu công cuộc mở rộng trên toàn cầu. Chỉ một năm sau khi thay tên đổi họ, vốn hóa thị trường của Dell đã tăng từ 30 triệu USD lên 80 triệu USD thông qua việc phát hành lần đầu ra công chúng (IPO) 3.5 triệu cổ phiếu với mức giá 8.5 USD cho mỗi cổ phần.

Việc làm ăn của Dell ngày một phát triển với doanh thu lên tới 679 triệu USD vào năm 1992. Cũng trong năm đó, công ty được đưa vào danh sách 500 công ty lớn nhất thế giới của tạp chí Fortune lần đầu tiên, góp phần giúp Michael Dell trở thành giám đốc điều hành trẻ nhất trong nhóm các doanh nghiệp thuộc Fortune 500.

Mở rộng và phát triển

Với việc phát triển nhanh chóng, Dell đưa ra những chiến lược mới mà một trong số đó là mở rộng kênh bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ lớn như Walmart, nơi mà họ dự kiến sẽ thu được tới 125 triệu USD doanh thu mỗi năm.

Tuy nhiên trong giai đoạn triển khai ngắn ngủi (1993 - 1994), hãng nhận thấy về lâu dài đây không phải là giải pháp tốt trong việc phát triển, do đó đã rời khỏi kênh kinh doanh thông qua đại lý vào năm 1994.

Nhằm thay thế cho kênh kinh doanh đại lý, Dell đã mở ra website riêng của mình, tập trung vào khai thác cá nhân và hộ gia đình - vốn không được công ty coi trọng trước đó. Đây là bước đi rất đúng đắn của công ty: trong khi các đối thủ trên thị trường phải giảm giá bán cho các sản phẩm dành cho cá nhân thì giá bán máy tính của Dell lại tăng lên.

Chiếc máy tính đầu tiên do Dell sản xuất - Turbo PC (Ảnh: Dell)

Những chiếc máy tính được thiết kế với những tính năng dành riêng cho người dùng cá nhân của Dell khiến cho nhiều khách hàng không chỉ mua một, mà là hai tới ba chiếc máy tính từ họ dù giá bán không hề dễ chịu chút nào.

Từ năm 1997 đến năm 2004, Dell có được sự tăng trưởng ổn định và giành được thị phần từ những đối thủ cạnh tranh ngay cả trong thời kỳ ngành công nghiệp sản xuất máy tính cá nhân suy thoái.

Trong cùng thời gian, các đối thủ của công ty như Compaq, Gateway, IBM, Packard Bell và AST Research đã phải vật lộn trong việc giữ thị phần với bối cảnh thị trường ảm đạm như vậy. Cuối cùng những doanh nghiệp này hoặc rời bỏ thị trường, hoặc bị mua lại. Điểm vượt trội của Dell trong giai đoạn này đó là việc họ đã tối ưu hóa được chi phí so với các đối thủ. Chi phí hoạt động chỉ chiếm 10% trong tổng doanh thu 35 tỷ USD của Dell vào năm 2002, so với 21% tại Hewlett-Packard, 25% tại Gateway và 46% tại Cisco.

Với sự phát triển mạnh mẽ của mình, năm 1999, Dell đã vượt qua Compaq để trở thành nhà sản xuất PC lớn nhất thế giới. Mặc dù 3 năm sau đó, Compaq đã hợp nhất với Hewlett-Packard - nhà sản xuất PC lớn thứ tư thời bấy giờ để giành lại vị trí số một về thị phần sản xuất máy tính cá nhân; tuy nhiên họ chỉ giữ được nó trong một thời gian ngắn và nhanh chóng bị Dell giành lại vị trí dẫn đầu.

Những năm đầu của thế kỷ 21 thực sự là khoảng thời gian trong mơ của Dell với những bước nhảy vọt cả về công nghệ lẫn doanh thu và thị phần trong ngành. Ngoài mảng kinh doanh truyền thống, Dell còn phát triển thêm sang mảng game khi mua lại thương hiệu máy tính Alienware - một thương hiệu vô cùng nổi tiếng với cấu hình mạnh mẽ, phục vụ được nhu cầu của những người chơi ở mức cao nhất. Giữa đỉnh cao đó, Michael Dell bất ngờ từ chức CEO và nhường lại quyền quản lý cho Kevin Rollins vào năm 2004; thời kỳ đi xuống của Dell cũng bắt đầu từ đây.