Nguyễn Bá Dương rút khỏi HĐQT của Ricons và kịch bản từ nhiệm của Nguyễn Sỹ Công và Trần Quyết Thắng để tạo cơ hội “đối thoại” từ trạng thái đối đầu

Như đã biết, một trong những vấn đề làm nên mối bất hòa sâu sắc giữ nhóm Nguyễn Bá Dương và nhóm Kusto chính là Ricons. Theo đó, nhóm Kusto quy buộc, ông Nguyễn Bá Dương và ban điều hành của ông đã chuyển lợi nhuận và các công trình tạo ra giá trị về cho Ricons thực hiện.

Ricons từ một công ty nhỏ, bỗng vươn mình trở thành người khổng lồ từ bàn tay đạo diễn của ông Dương và ông Công.

Nước cờ quan trọng của Nguyễn Bá Dương là vận động để ông Nguyễn Sỹ Công và ông Trần Quyết Thắng rút lui khỏi vai trò thành viên HĐQT của Coteccons để kéo nhóm Kusto ngồi lại đối thoại và gờ nút thắt mâu thuẫn

Theo đó, Ricons tăng trưởng mạnh mẽ kể từ năm 2015, cùng với sự bùng nổ của thị trường bất động sản. Ricons tăng trưởng đột biến khi doanh thu tăng từ 1.590 tỉ đồng từ năm 2014 lên 9.306 tỉ đồng từ năm 2018, tương đương tỉ lệ tăng trưởng bình quân 56%/năm. Theo đó, lợi nhuận sau thuế tăng gấp 10 lần từ 41 tỉ đồng lên 431 tỉ đồng.

Ở chiều ngược lại, doanh thu thuần của năm 2018 của Coteccons chỉ đạt 28.561 tỉ đồng, tăng trưởng 5,2% so với kết quả năm 2017, con số này thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng 40% của những năm trước. Năm 2019, doanh thu dự kiến đạt 27.000 tỉ đồng, giảm 5,5% so với thực hiện năm 2018; lợi nhuận sau thế dự kiến 1.300 tỉ đồng, giảm 13,9%.

Chủ tịch HĐQT của Ricons là ông Trần Quang Quân, Phó tổng giám đốc Coteccons. Chủ tịch Trần Bá Dương và CEO Nguyễn Sỹ Công của Coteccons là thành viên HĐQT của Ricons.

“Chúng tôi không thể đặt niềm tin vào hội đồng quản trị và ban giám đốc hiện tại, đặt biệt là các thành viên chủ chốt gồm ông Nguyễn Bá Dương, ông Nguyễn Sỹ Công và ông Trần Quang Quân. Chúng tôi yêu cầu họ ngay lập tức từ chức khỏi tất cả các vị trí trong Coteccons”, thông cáo báo chí của Kusto viết vào ngày 2 tháng 6 năm 2020 bắn phát sung đầu tiên cho thấy sự bất hòa giữa các bên.

“Các lãnh đạo cấp cao của Coteccons quyết định chọn công ty nào đấu thầu cho dự án nào khi họ đồng thời quản lý cả hai công ty cạnh tranh trực tiếp với nhau? Họ phân bổ lợi nhuận cho từng bên như thế nào trong các hợp đồng giữa hai bên?”, Kusto chất vấn.

Để gỡ nút thắt cho quả bom sắp nổ, ông Nguyễn Bá Dương đi hai nước cờ. Thứ nhất, viết đơn xin từ nhiệm HĐQT của Ricons trước thềm ĐHCĐ của Coteccons. Thứ hai, yêu cầu Trần Quyết Thắng và Nguyễn Sỹ Công từ nhiệm HĐQT để kéo Kusto ngồi lại ĐHCĐ để đàm phán. Hai sự kiện này cùng diễn ra trong ngày 22 tháng 06 năm 2020, trước ĐGCĐ đúng 8 ngày.

Ai sẽ là tổng giám đốc và liệu Coteccons có trở lại thời hoàng kim như trước đây

Tại ĐHCĐ, ông Nguyễn Bá Dương đặt tay lên ngực trái, anh mắt tỏ ra hối lỗi, nhìn về nhóm cổ đông ngoại phát biểu một cách chân thành: “Sự bất đồng có thể do khoảng cách địa lý, khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ dẫn đến không hiểu nhau... Nhưng dù lý do gì, tôi nghĩ đây cũng là lỗi của HĐQT. Với tư cách Chủ tịch, tôi xin nhận lỗi với các Cổ đông vì đã để xảy ra bất đồng, ảnh hưởng đến uy tín Công ty”.

Nguyễn Bá Dương thể hiện thái độ cầu thị và thành thật xin lỗi cổ đông và các nhà đầu tư vì đã để những bất động, mâu thuẫn xảy ra gây ảnh hưởng uy tín công ty và ảnh hướng xấu đến hoạt động sản xuất, kinh doanh

Sau những lời trần tình chân thành của ông Nguyễn Bá Dương, đại diện Kusto Việt Nam ông Bolat Duisenov phát biểu: "Để có thể phát triển bền vững, Coteccons buộc phải áp dụng những thông lệ quản trị doanh nghiệp tốt nhất, đó chính là vị trí và trách nhiệm giữa HĐQT, ban điều hành được phân định một cách rõ ràng, chính trực và có đạo đức, không có mâu thuẫn lợi ích, đánh giá một cách chính xác hiệu suất, cuối cùng là quản lý rủi ro một cách hiệu quả".

Xem như với hai lời phát biểu từ đại diện hai phía, những bất động đã được gát lại để hướng đến mục tiêu phát triển. Tuy nhiên, vấn đề được đặt ra là ai sẽ là người lèo lái con thuyền Coteccons hướng về phía trước?

Nhìn vào danh sách HĐQT hiện tại, những người đưa ra những quyết sách trong giai đoạn mới cho Coteccons thì nhóm Kusto nắm ưu thế tuyệt đối với 4 trên 7 thành viên: Yerkin Tatishev (Kazakhstan) tham gia HHDQT từ 2007, thuộc Kusto; Bolat Duisenov tham gia 2020, nhóm Kusto, Herwig Guifdo H. Van Hove và Talgat Turumbayev.

Ông Bolat Duisenov, CEO Kusto Việt Nam, người mới được bầu vào thành viên HĐQT, được cho là người có tiếng nói quyết định nhất trong định hướng mới của Coteccons Việt Nam

Trong khi đó, 3 nhân vật còn lại là ông Nguyễn Bá Dương và hai thành viên HĐQT độc lập là: Ông Tan Chin Tiong và ông Nguyễn Quốc Hiệp.

Với cơ cấu như vậy, nhóm Kusto sẽ có quyền quyết định mọi quyết sách của Coteccons giai đoạn mới. Trong đó, có quyết định quan trọng là chọn tổng giám đốc cho Coteccons.

Hiện tại, Coteccons có 4 phó tổng giám đốc là: Từ Đại Phúc, Trần Quang Quân, Trần Quang Chính và Võ Thanh Liêm. Tất cả những thành viên này đều được HĐQT cũ do ông Nguyễn Bá Dương chi phối bầu nên. Đặc biệt, trong đó, ông Trần Quang Quân là người từng bị nhóm Kusto đề nghị cắt hết các chức vụ.

Theo phân tích của các chuyên gia quản trị doanh nghiệp, sau những mâu thuẫn căng thẳng, để phát triển, HĐQT sẽ cần một ban điều hành mới và quan trọng nhất là tổng giám đốc điều hành.

Soi vào lý lịch của 4 phó tổng giám đốc nên trên, ông Võ Thanh Liêm được đánh giá khá cao. Theo đó, ông Liêm 17 năm công tác tại Coteccons, trải qua các vị trí khác nhau từ Chỉ huy trưởng, Giám đốc Dự án, Giám đốc Khối, với kinh nghiệm từ các dự án nhà công nghiệp quy mô siêu lớn đến các dự án nhà cao tầng yêu cầu chất lượng hoàn thiện cao. Bản thân ông Liêm trước khi được bổ nhiệm Phó tổng giám đốc đã giữ chức giám đốc khối Xây lắp của Coteccons, một khối quan trọng nhất của công ty.

Ông Võ Thanh Liêm được đánh giá là ứng viên tiềm năng cho vị trí Tổng giám đốc mới của Coteccons thay cho ông Nguyễn Sỹ Công, người buộc phải từ nhiệm thành viên HĐQT mới đây để xoa dịu những bất đồng với nhóm Kusto

Một khả năng khác là HĐQT sẽ thực hiện mời người bên ngoài về điều hành. Một cái tên được nhắc đến là Trần Quang Tuấn, Chủ tịch Central Cons hiện tại. Nếu Kusto mời được “người cũ” Trần Quang Tuấn ngồi ghế CEO cộng với kịch bản sáp nhập Central Cons và Coteccons thì “liên doanh” sẽ là một tập đoàn xây dựng số 1 Việt Nam và không có bất kì công ty nào có thể cạnh tranh nổi ít nhất là trong vòng một thập niên tới.

Tuy nhiên, khả năng này sẽ khó thực hiện vì theo thông tin chúng tôi có được mâu thuẫn giữa ông Tuấn và nhóm ông Dương là khá lớn. Hơn nữa, Central Cons của Trần Quang Tuấn đang phát triển rất mạnh. Chỉ một khả năng nều ông Tuấn quay về trong tương lai gần ông Dương phải rời khỏi hẳn Coteccons.

Đây là tấm hình trên trang nhà của Coteccons, trong mục "cán bộ chủ chốt", ông Trần Quang Tuấn (ngoài cùng, bìa phải) với nụ cười rạng rỡ khi đứng cạnh chủ tịch Dương, nhưng vào năm 2017 ông dã bán hết cổ phiếu và từ bỏ các chức vụ để thành lập nên Central Cons, một thế lực mới của ngành xây dựng. Ông Tuấn cũng là một ứng viên sáng giá cho chức tổng giám đốc mới của Coteccons

Cũng không loại trừ khả năng nhóm Kusto sẽ đưa về một CEO là người nước ngoài, có tầm hoạch định phát triển toàn diện không chỉ ngành xây dựng mà cả bất động sản và tài chính để định hướng phát triển mới trong kinh doanh, trong đó có lĩnh vực bất động sản.

Trên thực tế, tại ĐHCĐ ông Dương cũng đã hé lộ: "Chúng ta không thể mãi làm xây lắp, vì nếu chỉ làm xây lắp sẽ không phát triển mạnh như trước được, khi mà dự án có hạn, trong khi đối thủ ngày càng nhiều”.

Theo ông Dương, công ty duy trì doanh thu mảng xây lắp và các mảng khác theo tỉ lệ 50:50. Đối với xây lắp, có thể đầu tư theo hai cách, hợp tác với chủ đầu tư, sau đó chia lợi nhuận hoặc công ty tự bỏ tiền thi công.

Bên cạnh đó, thành viên mới của HĐQT, Bolat Duisenov chia sẻ quan điểm của ông Dương: “Công ty tương lai sẽ phát triển ra thị trường quốc tế, và Kusto sẽ hỗ trợ về những tiêu chuẩn, yêu cầu theo thông lệ quốc tế cho Coteccons”.

Tất cả những thông tin trên đây đang đặt ra cho Coteccons những thách thức mới cũng như cơ hội mới. Dù Coteccons có quay lại với thời hoàng kim hay không thì những ảnh hưởng và dấu ấn của Nguyễn Bá Dương tại Coteccons đã chính thức đi vào lịch sử sau kỳ ĐHCĐ hôm 30 tháng 06.