Cuộc chiến này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến giá trị cổ phiếu của công ty. Và những người thiệt thòi nhất chính là là các nhà đầu tư cá nhân. Vậy phản ứng họ như thế nào?

Rất nhiều ý kiến ủng hộ Kusto và yêu cầu ông Dương ra đi

Trên diễn đàn chứng khoán f319, được cho là có uy tín và có mạng lưới thành viên lớn nhất Việt Nam, nhiều ý kiến và tranh luận trái chiều và có phần gay gắt.

“Ông Dương đã xây dựng sân sau lâu rồi, đã biết có ngày hôm nay rồi. Ông Dương đi đâu, làm gì lính ổng theo đó. Coteccons giờ là cái xác không hồn”, một thành viên của diễn đàn có nick “zinzinpro” nhận định.

"Cuộc tình" giữa Kusto và Coteccons chính dứt chấm dứt bằng những cáo buộc gay gắt và yêu cầu lật đổ chức chủ tịch của ông Nguyễn Bá Dương 

“Nhóm ông Dương sai chứ gì nữa? Ông Dương cho lập Ricons và chuyển hết các dự án tốt cho công ty con với lợi nhuận lớn”, một thành viên có tên minhvumap chia sẻ.

Đây cũng là lý do chính mà từ năm 2019, Kusto luôn phản đối kế hoạch sáp nhập Ricons và Coteccons.

Theo đó, Kusto Group cho rằng họ đã đầu tư và hỗ trợ cho sự phát triển của Coteccons trong 8 năm qua. Tuy nhiên, trong các đề xuất của mình, nhà đầu tư cho hay, các hành vi quản trị, quản lý và điều hành liên quan tới xung đột lợi ích của đội ngũ lãnh đạo Coteccons giữa các công ty trong Coteccons Group đã gây thiệt hại cho khoản đầu tư của Kusto khi giá cổ phiếu giảm đáng kể và quyền cổ đông bị vi phạm nghiêm trọng.

Một dẫn chứng được Kusto đưa ra là: một số thành viên của HĐQT và Ban giám đốc hiện đồng thời nắm giữ các chức vụ quản lý quan trọng tương tự tại Công ty Đầu tư Xây dựng Ricons (Ricons), bao gồm cả vị trí chủ tịch và đại diện theo pháp luật.

Ricons vừa là nhà thầu phụ của Coteccons cũng là đối thủ cạnh tranh của Coteccons. Ricons cung cấp dịch vụ tổng thầu, thiết kế và thi công, đây cũng là những hoạt động kinh doanh chính của Coteccons, và cạnh tranh trong cùng phân khúc thị trường. Lợi nhuận ròng sau thuế của Ricons năm 2015 mới chỉ bằng 11% lợi nhuận ròng sau thuế của Coteccons và đã tăng lên thành 51% trong năm 2019.

Về góc độ chuyên gia, một bài viết được đăng tải trên SSI (công ty có thị phần môi giới chứng khoán số 1 Việt Nam) nhận định: Ricons - Coteccons: Sự tương phản lạ lùng.

Theo đó, họ đưa ra các số liệu cụ thể: doanh thu thuần năm 2018 của Coteccons chỉ đạt 28.561 tỉ đồng, tăng trưởng 5,2% so với kết quả năm 2017, con số này thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng 40% của những năm trước. Năm 2019, doanh thu dự kiến đạt 27.000 tỉ đồng, giảm 5,5% so với thực hiện năm 2018; lợi nhuận sau thế dự kiến 1.300 tỉ đồng, giảm 13,9%.

Trong khi đó, ở chiều ngược lại Ricons tăng trưởng mạnh mẽ. Kể từ năm 2015, cùng với sự bùng nổ của thị trường bất động sản, Ricons cũng chứng kiến tăng trưởng đột biến khi doanh thu tăng từ 1.590 tỉ đồng năm 2014 lên 9.306 tỉ đồng năm 2018, tương đương tỉ lệ tăng trưởng bình quân 56%/năm. Theo đó, lợi nhuận sau thuế tăng gấp 10 lần từ 41 tỉ đồng lên 431 tỉ đồng

Kế hoạch kinh doanh năm 2019, Ricons kì vọng doanh thu vượt mốc 10.000 tỉ đồng, tiếp tục tăng trưởng 17,5% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 475 tỉ đồng, tăng 10,2%.

Theo chuyên gia tài chính, Tiến sỹ Đinh Thế Hiển: Những công ty niêm yết mà phải phụ thuộc vào một người thì không phải là công ty niêm yết. Ông cũng cho rằng các bên đều có lý trong tranh chấp nhưng Coteccons phải phụ thuộc vào mỗi mình ông Nguyễn Bá Dương thì không nên.

"Các nhà sáng lập nên có sự phân quyền và hợp tác win-win với các đối tác chiến lược tài chánh thì mới phát triển được sự nghiệp của mình", ông Hiển kết luận.

Ủng hộ Coteccons, tin vào chủ tịch Nguyễn Bá Dương và cáo buộc Kusto có quan điểm đầu tư cứng nhắc

Một nhà đầu tư cá nhân có tên Duy Linh nhận xét trên trang cá nhân: “Khi lợi nhuận do doanh nghiệp tạo ra không được chia sẻ hài hoà với những người tạo ra lợi nhuận đó bằng cơ chế ESOP hay lương thưởng hợp lý thì tất yếu sẽ có hiện tượng chuyển lợi ích sang nơi khác. Nếu MWG (Thế Giới Di Động) không được cổ đông chấp nhận ESOP thì cũng như CTD hiện nay thôi.”

Talgat Turumbayev, Thành viên HĐQT của Kusto cũng là thành viên HĐQT của Coteccons

Nhà đầu tư này còn đưa ra một quan điểm khác theo chiều hướng ủng hộ ban lãnh đạo hiện tại của Coteccons: Nếu nghĩ rằng mình (ám chỉ Kusto) có thể tự tạo nên lợi nhuận cho doanh nghiệp thì nên tự làm đừng bắt người khác tạo ra lợi nhuận rồi không chia sẻ cho họ. Vốn quan trọng nhưng để sử dụng đồng vốn hiệu quả cần đến nguồn lực khác ngoài vốn là con người.

Cuối cùng ông Linh nhận định: Trái ngược hẳn với Mekong Capital, Kusto không chấp nhận chia sẻ lợi ích với đội ngũ nhân viên tạo ra lợi nhuận cho doanh nghiệp bằng ESOP thì hệ quả xảy ra cho Kusto là điều tất yếu.

Đây cũng là lý do mà ông Nguyễn Bá Dương, Chủ tịch Coteccons khẳng định: Phương án sáp nhập Ricons vào Coteccons để tăng khả năng phòng thủ. Theo đó, nếu sáp nhập, Coteccons sẽ có 3 trong 5 công ty xây dựng lớn nhất Việt Nam, để thương hiệu mạnh hơn. Riêng Coteccons và Unicons đã chiếm 10% thị trường xây dựng.

Điều này vấp phải sự phản đối quyết liệt của Kusto vì họ cho rằng: Chúng tôi không thể đặt niềm tin vào ban giám đốc đặc biệt các thành viên điều hành chủ chốt gồm ông: Nguyễn Bá Dương, ông Nguyễn Sỹ Công và ông Trần Quang Quân. Chúng tôi yêu cầu họ lạp tức rời khỏi tất cả các vị trí trong Coteccons.

Xem ra, cuộc chiến giữa Coteccons và Kusto đến hồi gay cấn và tất cả được chờ đợi từ kết quả tại đại hội đồng cổ đông trong thời gian sắp tới.

Kỳ 3: Nguyễn Bá Dương, từ kiến trúc sư trưởng của Coteccons, người xây dựng “biểu tượng Việt Nam” đến cuộc lật đổ của cổ đông chiến lược Kusto